Tự soi, tự sửa để nêu gương

Vì sao cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự rèn luyện, tu dưỡng, điều chỉnh, vượt lên chính mình? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: 'Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt...'.

Nguy hiểm nhất là tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, đến nhân dân. Đảng viên hư hỏng sẽ đưa quần chúng đến hư hỏng. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự thực hành cần, kiệm, liêm chính để làm mẫu cho dân.

Tự soi, tự sửa được hiểu là tự mình nhìn vào chính mình, tự mình đánh giá, nhận xét về mình trong cả nhận thức và hành động nhằm phát hiện sai phạm, yếu kém của bản thân, từ đó tìm ra nguyên nhân, giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục, sửa chữa; là tự mình chẩn bệnh, bốc thuốc cứu mình. Khi đã nói tự soi, tự sửa là muốn nói đến sự tự nguyện, tự giác, sự dũng cảm, cầu thị đối với những hạn chế, khuyết điểm, với những thói hư, tật xấu... của "cái tôi". Đây được coi là công việc đầy cam go, khó khăn, nhiều thử thách, bởi vì tự ái, vì thói quen, hoặc vì nhiều nguyên nhân khác. Đó cũng có thể vì sợ mất thể diện, mất uy tín mà không dám "vạch áo cho người xem lưng", bởi không dám, sợ mang tiếng là "lấy tay mình vả vào mặt mình". Đó chính là cuộc cách mạng diễn ra trong chính bản thân mình, là cuộc đấu tranh giữa mặt tốt và mặt xấu trong mỗi con người, là thử thách đối với bản lĩnh của mỗi người khi đứng giữa tình cảm và lý trí, giữa sự cầu thị và tính bảo thủ, giữa danh dự, lý tưởng cách mạng và lợi ích bản thân, người nhà; là thử thách thực sự đòi hỏi mỗi người muốn tiến bộ phải thật thà, trung thực, có quyết tâm cao, dũng khí lớn để vượt qua chính mình.

Có thể khẳng định rằng, tự soi, tự sửa chính là để bảo vệ "danh dự của bản thân", "uy tín của tập thể”. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, đối với cán bộ, đảng viên, thì "danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất". Danh dự là một trong những phẩm chất cao quý của mỗi người, không chỉ được xã hội công nhận mà còn được pháp luật công nhận và bảo vệ. Danh dự, uy tín con người không thể đo đếm hay mua bằng vật chất, không bỗng dưng hoặc trong một chốc, một lát có được, mà phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện dày công vun đắp; do mỗi con người tự xây đắp nên, không ai có thể làm thay, làm hộ được. Nó được thử thách qua thực tiễn cuộc sống hằng ngày của mỗi người. Người có danh dự, lòng tự trọng luôn ngay thẳng, cương trực, thấy sai thì đấu tranh, thấy đúng luôn bảo vệ, chứ không phải "ẩn mình" chỉ biết mình; không bao giờ tự kiêu, tự mãn với những gì đã làm được.

Chính vì lẽ đó, tự soi, tự sửa là việc làm góp phần bảo vệ, duy trì danh dự, uy tín mà mỗi cá nhân, tổ chức cần dày công gây dựng. Người thực hiện tốt tự soi, tự sửa sẽ luôn bảo vệ mình tránh khỏi những suy nghĩ, lời nói, hành động làm mất danh dự, uy tín của mình, luôn nhận được sự tin tưởng, coi trọng của người khác. Từ việc danh dự của mỗi cá nhân được bảo vệ thì uy tín của tập thể sẽ được bảo toàn.

Trong Di chúc, Bác Hồ căn dặn: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Theo Người: "Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính". Và cán bộ, đảng viên "không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân".

Thấm nhuần lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự soi xem mình đã "cần, kiệm, liêm, chính" chưa? Và phải luôn ghi nhớ, thực hiện. Đảng viên phải ghi tạc rằng, cùng với những điều đảng viên không được làm theo Quy định, Điều lệ Đảng, còn có nhiều điều đảng viên không được làm do lương tâm, đạo đức cắn rứt không cho phép làm; đạo lý dân tộc không cho phép làm. Đó mới là thiêng liêng, sâu xa, bền vững, tạo niềm tin vững chắc. Đảng viên, ngoài việc trung thành với Đảng còn phải trung thành với đất nước, với dân tộc và có trách nhiệm với chính bản thân mình.

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-nha-nuoc/tu-soi-tu-sua-de-neu-guong-182190.html