'Tự soi, tự sửa' để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên, cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay
Ngày 23-4, Thành ủy TP HCM tổ chức "Hội nghị cán bộ chủ chốt thành phố nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27 tháng 10 năm 2023 của Bộ Chính trị và các quy định của Trung ương liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực".
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố, chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM; ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM; bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM; ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Ban Nội chính Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy triển khai các văn bản của Trung ương và Thành ủy về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong đó, trọng tâm là Quy định 132 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Quy định 131 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên, cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay.
Bí thư Thành ủy TP HCM yêu cầu có sự thống nhất ý chí và hành động; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các hoạt động kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Bí thư Thành ủy TP HCM giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Thành ủy có hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai một cách chặt chẽ các nội dung đã triển khai gắn với đẩy mạnh thực hiện Quy định 1793 của Ban Thường vụ Thành ủy về chế độ tự kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên.
Các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án... cần rà soát, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp. Cùng với đó, khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công và các lĩnh vực tiềm ẩn tham nhũng, tiêu cực.
Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Từ đó, bảo đảm các hoạt động kiểm tra, giám sát tránh chồng chéo, trùng lắp, tránh làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị.
Ông Nguyễn Văn Nên lưu ý tiếp tục quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đảm bảo đủ số lượng, chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đội ngũ này phải đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính, có phương pháp làm việc khoa học, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ.
Bí thư Thành ủy TP HCM cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và phát huy hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý các nguồn thông tin theo Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm phát hiện, đấu tranh, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Tăng cường chỉ đạo thực hiện Quy định số 1629 của Ban Thường vụ Thành ủy về mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: "Thực hiện phương châm lấy phòng ngừa là chính, xây là chính, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa và khuyến khích cơ chế tự kiểm tra, tự giám sát của các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu để kịp thời phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Không để khuyết điểm kéo dài trở thành vi phạm; không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, vi phạm của một người trở thành vi phạm của tập thể".