Từ Sơn, Bắc Ninh: Người dân vẫn chờ đợi kết luận từ cơ quan chức năng
Hàng loạt vấn đề vướng mắc, chậm xử lý của cơ quan quản lý Nhà nước đã được người dân nêu ý kiến tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh và đại biểu HĐND thị xã Từ Sơn. Tuy nhiên, nhiều vấn đề chưa được làm rõ…
Trong đó, nhiều cử tri đã phản ánh hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư là Công ty Nam Hồng đang thực hiện dự án tại Đồng Kỵ, Từ Sơn với các đại biểu và đề nghị đôn đốc xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, theo Báo cáo ngày 24/6/2015 tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri thị xã Từ Sơn trước kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XVII thì, những ý kiến nêu trên không được ghi nhận tại văn bản này. Có lẽ vì như vậy nên đến nay nhiều người dân ở đây bị ảnh hưởng bởi dự án do Công ty này làm chủ đầu tư vẫn tiếp tục đơn thư, thậm chí vượt cấp để yêu cầu cơ quan chức năng xử lý dứt điểm.
Do sự chậm trễ giải quyết thấu đáo nên ngày 23/11/2015, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thị xã chuẩn bị cho kỳ họp thứ 16 HĐND khóa XVII thị xã Từ Sơn người dân lại bức xúc nêu lại những ý kiến, kiến nghị. Kết luận hội nghị, đại biểu HĐND có hứa xin tiếp thu và cho biết Thanh tra thị xã Từ Sơn sẽ thanh tra, sẽ có câu trả lời thỏa đáng. Vậy là, người dân bị thu hồi đất phục vụ dự án thương mại của Công ty Nam Hồng lại phải tiếp tục chờ…
Như chúng tôi đã nhiều lần thông tin, dự án xây dựng đường TL277, đoạn từ thị xã Từ Sơn đến thị trấn Chờ, huyện Yên Phong được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt và giao cho nhà đầu tư là Công ty Nam Hồng thực hiện theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT). Nguồn vốn thực hiện dự án là vốn tự có của nhà đầu tư. Tổng diện tích thu hồi đối với dự án này là 86.969,6m2; trong đó UBND tỉnh thu hồi 39.450m2 và UBND thị xã Từ Sơn thu hồi 47.519,6m2.
Cùng với dự án nêu trên thì UBND tỉnh Bắc Ninh cũng có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu thể thao, trường học, công trình công cộng, khu đô thị (gọi tắt là khu đô thị) để khai thác giá trị quyền sử dụng đất, tạo vốn hoàn trả chi phí xây dựng đường TL 277 nêu trên. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 500 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 200 tỷ đồng. Vốn tự có của chủ đầu tư được khấu trừ vào giá trị quyền sử dụng đất khai thác tại dự án. Việc khai thác giá trị quyền sử dụng đất tại dự án được thực hiện sau khi xây dựng xong cơ sở hạ tầng.
Ngày 29/6/2012, UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định số 847/QĐ-UBND thu hồi và tạm giao đất cho Công ty Nam Hồng để thực hiện dự án khu đô thị tại phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn. Quyết định này thu hồi 406.315,6m2 đất tại phường Đồng Kỵ, trong đó có 370.384,0m2 đất nông nghiệp. Sau khi xây dựng xong cơ sở hạ tầng, chủ đầu tư (Công ty Nam Hồng) báo cáo mục đích sử dụng đất để Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định giao đất để thực hiện dự án.
Hiện tại, UBND thị xã Từ Sơn và Công ty Nam Hồng đã thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất nhưng nhiều tháng nay, nhiều người dân bị mất đất khi thực hiện dự án đã đi đơn thư nhiều nơi. Theo phản ánh của người dân bị thu hồi đất, phương án thu hồi, việc cưỡng chế thu hồi đất chỉ được thông báo qua loa truyền thanh của phường. Còn chủ đầu tư không có vốn để thực hiện dự án, không có tiền để bồi thường đất thu hồi cho người dân. Do vậy, Công ty Nam Hồng đã tự ý phân lô, bán nền, nhận đặt cọc, đặt chỗ để thu tiền và dùng nguồn tiền này để bồi thường cho người bị mất đất sản xuất. Trong khi đó, dự án chưa xây dựng, chưa có hạ tầng cũng như chưa có quyết định giao đất từ cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Có thể nói, theo quy định, chủ đầu tư tự phân lô, nhận tiền đặt chỗ, tiền đặt cọc và lấy tiền này trả tiền bồi thường là vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản. Chính quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu chủ đầu tư phải bồi thường, xây dựng hạ tầng xong, báo cáo mục đích sử dụng đất, sau đó mới phê duyệt và giao đất thực hiện dự án. Vì thế, việc khai thác giá trị quyền sử dụng (xây chung cư để ở, đất dịch vụ thương mại) phải được thực hiện sau khi xây dựng xong hạ tầng. Trong quyết định phê duyệt, tiền bồi thường để giải phóng mặt bằng thực hiện khu đô thị là 200 tỷ đồng, số tiền này nhà đầu tư phải có chứ không thể “tay không bắt giặc”, bán đất lấy tiền sau đó mới bồi thường cho các hộ dân bị thu hồi đất.