Tứ sơn: Tiềm năng và khát vọng thịnh vượng - Bài 1: Tiềm năng vùng đất 'Tứ sơn'
Các trung tâm kinh tế - xã hội: Sầm Sơn - Nghi Sơn - Bỉm Sơn và Lam Sơn - Sao Vàng đã trở thành 'tứ giác phát triển' của tỉnh trong những năm gần đây. Các ngành công nghiệp, du lịch và dịch vụ của 'Tứ sơn' này đang đóng vai trò động lực, là đầu tàu kéo nền kinh tế tỉnh Thanh Hóa phát triển. Lợi thế từ vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử to lớn cùng với cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ tại 4 trung tâm kinh tế - xã hội ấy, tiếp tục là tiền đề để tỉnh nhà thu hút đầu tư phát triển, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, đưa Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh 'kiểu mẫu' như sinh thời Bác Hồ từng mong muốn.
Một góc Khu Kinh tế Nghi Sơn. Ảnh: Lê Đồng
Nằm ở cửa ngõ phía Nam của quê hương Thanh Hóa anh hùng, Nghi Sơn được mệnh danh là vùng đất “sơn kỳ, thủy tú”. Nơi đây, ngoài cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, còn có “núi sông quanh bọc, cao thấp lẫn xen”, hang động kỳ vĩ, có “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” - xứng đáng là một tỉnh Thanh thu nhỏ. Nằm trên trục giao lưu Bắc Nam của đất nước, Nghi Sơn còn có vị trí trọng yếu về chính trị, quân sự, kinh tế và đối ngoại. Đặc biệt, với hơn 40 km bờ biển trải dài thơ mộng và lợi thế Cảng nước sâu Nghi Sơn, nơi đây rất phù hợp để phát triển kinh tế du lịch và công nghiệp đa ngành.
Vì lẽ đó, từ trước những năm 90 của thế kỷ trước, khi còn là vùng biển hoang sơ nhiều cây dại và những bãi cát trải dài, nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh đã sớm nhận ra tiềm năng to lớn của vùng ven biển cực Nam của tỉnh. Năm 1991, hạng mục cảng biển đầu tiên được xây dựng tại đây, đánh dấu bước ngoặt phát triển hạ tầng để phát triển công nghiệp vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.
Trong chiến lược khai thác, phát triển vùng đất Nghi Sơn này, Trung ương và các thế hệ lãnh đạo tỉnh luôn nhấn mạnh về lợi thế của Cảng nước sâu Nghi Sơn. Theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Bắc Trung bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Giao thông - Vận tải, Cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I). Với diện tích khoảng 735 ha, gồm 62 bến cảng, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT, Cảng biển Nghi Sơn sẽ đưa Thanh Hóa trở thành “thế lực” mới tại Việt Nam trong lĩnh vực vận tải biển và logistics nếu được đầu tư, hoàn thành hạ tầng, hoạt động hiệu quả.
Không chỉ thuận lợi khi kết nối giao thông hàng hải, do nằm sát Quốc lộ 1A, cách Cảng Hàng không Thọ Xuân chỉ khoảng một giờ đi xe ô tô, không xa ga đường sắt Khoa Trường... giúp Khu Kinh tế Nghi Sơn dễ dàng kết nối giao thương với các vùng kinh tế năng động của tỉnh và khu vực lân cận bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không.
Ông Yong See Leng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dầu thực vật khu vực miền Bắc Việt Nam Nortalic, chia sẻ: “Công ty chúng tôi có vốn đầu tư từ Singapore. Trước khi đầu tư nhà máy sản xuất dầu ăn tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, chúng tôi đã tìm hiểu ở nhiều địa điểm khác, nhưng ở đây gần cảng biển, lại tiếp giáp với cả miền Trung và miền Bắc của đất nước các bạn nên sẽ dễ dàng phát triển thị trường. Sản phẩm dầu ăn sản xuất ra có thể xuất khẩu bằng đường biển, vận chuyển đến các thị trường trong nước bằng đường bộ. Đó chính là lợi thế của Nghi Sơn mà chúng tôi đã nhận thấy. Chúng tôi cho rằng, lựa chọn nơi này để đầu tư là một ý tưởng sáng suốt”.
Còn tại thị xã công nghiệp Bỉm Sơn, không phải ngẫu nhiên, nơi đây được lựa chọn để đặt chân 1 trong những nhà máy đầu tiên trong giai đoạn kiến thiết đất nước sau chiến tranh. Sau khi thăm dò địa chất, đoàn chuyên gia Liên Xô đã khẳng định Bỉm Sơn - Thanh Hóa là vùng đất có trữ lượng và chất lượng đá vôi tốt nhất cho sản xuất xi măng. Hơn nữa, Bỉm Sơn còn là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh. Với địa thế giáp Quốc lộ 1A, chỉ cách Hà Nội 110 km và cách Cảng biển Nghi Sơn 75 km, có hệ thống nhà ga thuận tiện cho việc tập kết và trung chuyển hàng hóa, Bỉm Sơn đã án ngữ 1 vị trí giao thương thuận lợi với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Và, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn đã vinh dự được đặt chân tại vùng đất này, kéo theo sự ra đời, phát triển của nhiều nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng khác. Đến nay, cùng với dây chuyền 1, 2 Nhà máy Xi măng Long Sơn hoàn thành và đi vào hoạt động, vùng đất Bỉm Sơn đã trở thành “thủ phủ” xi măng của cả nước.
Hơn nữa, trong các quy hoạch của tỉnh gần đây, tính liên vùng được chú trọng. Trong đó, Bỉm Sơn sẽ là hạt nhân trong phát triển trục Nga Sơn - Bỉm Sơn - Thạch Thành và các huyện phía Tây của tỉnh. Nơi đây được quy hoạch phát triển công nghiệp tập trung đa ngành nghề, trong đó ưu tiên công nghiệp điện tử, tự động hóa, cơ khí chính xác, siêu chính xác, sản xuất hàng nội thất cao cấp...
Bên cạnh đó, với nhiều di tích, danh thắng mang đậm những giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu, Bỉm Sơn còn được mệnh danh là vùng đất của những truyền thuyết và huyền thoại. Nơi đây hiện có 9 di tích lịch sử, văn hóa - danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia và 6 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đây là những điều kiện thuận lợi cho Bỉm Sơn phát triển du lịch tâm linh và nhiều loại hình du lịch mới mẻ, như: du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá..., góp phần đa dạng hóa ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh.
Với hơn thế kỷ được người Pháp khai phá và mở đường phát triển, Sầm Sơn ngày nay đã trở thành một đô thị hiện đại, trứ danh cả nước. Cách TP Thanh Hóa khoảng 16 km, cách Hà Nội khoảng hơn 2 giờ đi xe ô tô, nằm ở cạnh huyền ven biển của tam giác Hà Nội - Hạ Long - Nghi Sơn, Sầm Sơn hội tụ những yếu tố thiên thời, địa lợi cho phát triển du lịch biển. Chạy dài gần 6 km từ cửa Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ, không chỉ có nhiều bãi biển đẹp, rộng, bằng phẳng, độ dốc thoải, bãi cát trắng mịn, sóng biển vừa phải, nước biển ấm, trong xanh, Sầm Sơn còn được các chuyên gia đánh giá là nơi rất có lợi cho sức khỏe con người khi có nồng độ muối và nhiều khoáng chất khác có tác dụng chữa bệnh... Với các vùng triều ngập mặn, vùng cồn cát cao, vùng núi... rất thích hợp cho các loại hình du lịch leo núi, du lịch mạo hiểm, du lịch cắm trại, vui chơi giải trí.
Sầm Sơn còn có nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo như: Hòn Trống Mái, đền Ðộc Cước, đền Cô Tiên... Nơi đây, còn có hệ thống di tích lịch sử văn hóa với tỷ lệ cao trong cả nước, các lễ hội, ngành, nghề truyền thống và các giá trị văn hóa khác. Năm 2017, Sầm Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là 1 trong 5 khu du lịch hàng đầu Việt Nam. Năm 2019, di tích lịch sử danh lam thắng cảnh Sầm Sơn cũng đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Khu danh thắng Sầm Sơn là sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên rất đa dạng về sinh học (rừng đặc dụng) với các công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử - văn hóa; song song với đó là các lễ hội văn hóa truyền thống rất đặc sắc được tổ chức hằng năm như lễ hội bánh chưng - bánh dầy, lễ hội cầu ngư - bơi chải, lễ hội cầu phúc, lễ hội đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền thờ Tô Hiến Thành... Không gian du lịch Sầm Sơn, với khoảng 5 triệu lượt khách du lịch hiện tại, còn là tiềm năng lớn cho các ngành nghề sản xuất nông, lâm, thủy sản và dịch vụ phát triển.
Cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh, Lam Sơn - Sao Vàng không những có địa thế quan trọng, mà còn là vùng đất rộng lớn, bao la màu mỡ với những tiềm năng phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng có vị trí là trung tâm giao nhau của nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, như: Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 47, đường Sao Vàng - Nghi Sơn, đường tỉnh 514, đường tỉnh 506, tạo thuận lợi trong lưu thông và giao thương giữa huyện Thọ Xuân và các địa phương trong khu vực và cả nước. Đặc biệt, có Cảng Hàng không Thọ Xuân - cầu nối giao thông hiện đại đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013, đang khai thác hiệu quả các đường bay trong nước và có tốc độ tăng trưởng đột phá, với nhiều đường bay kết nối Thanh Hóa với các khu vực kinh tế năng động, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, mạnh và bền vững của tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận.
Lợi thế, tiềm năng của “Tứ sơn” đã được khơi dậy. Hiện, tỉnh đang biến 4 vùng này thành các hạt nhân để phát triển các trục, các hành lang kinh tế. Trong tương lai, nhiệm vụ kết nối 4 vùng trọng điểm này với các khu vực lân cận trở thành nhiệm vụ quan trọng cho phát triển toàn diện kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Nhóm PV Kinh tế
Bài 2: Phát triển “Tứ sơn” xứng danh những đầu tàu.