Từ tâm chấn động đất - kỳ 1: Những đêm không ngủ

Những trận động đất vẫn diễn ra bất thình lình, không kể ngày đêm uy hiếp tinh thần, tính mạng của người dân huyện Kon Plông (Kon Tum) nói riêng, các tỉnh lân cận nói chung. Sự hoang mang, lo lắng của người dân ngày một dày thêm khi chưa có một lời giải thích thỏa đáng về nguyên nhân gây ra động đất.

Khi đi vào vùng được xác định là tâm chấn động đất, ám ảnh nhất với chúng tôi là những đôi mắt thâm quầng trên gương mặt của người dân sau nhiều đêm mất ngủ. Cuộc sống khó khăn, lại thêm những cơn địa chấn bất thình lình luôn rình rập khiến nơi đây càng thêm bức bí.

Những đôi mắt thâm quầng

Kon Plông là một trong những huyện có vị trí địa lý cao nhất của tỉnh Kon Tum. Vào vùng lõi của động đất - xã Đắk Ring không hề dễ khi đèo dốc hiểm trở, các phương tiện động cơ phải cài số một mới đi được. Cơn mưa rừng cản bước, nhóm phóng viên chỉ dám nhích từng chút một, bởi cách mặt đường vài chục phân là vực sâu trăm thước. Từ trên đèo nhìn xuống, trụ sở UBND xã Đắk Ring ló ra dưới thung lũng. Quãng đường gian nan từ thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) vào xã Đắk Ring chừng 60 cây số nhưng chúng tôi phải đi hơn 2 tiếng đồng hồ.

Nhà chị Y Dô bị nghiêng hẳn sang một bên sau những trận động đất.

Nhà chị Y Dô bị nghiêng hẳn sang một bên sau những trận động đất.

Chúng tôi ghé vào hỏi thăm nhà anh A Thảo (SN 1986, trú làng Tăng Pơ, xã Đắk Ring). Sau trận động đất mạnh nhất từ trước tới nay, vợ chồng anh không dám ở căn nhà chính, phải đem chăn chiếu xuống bếp sinh hoạt. Căn nhà chính là do vợ chồng anh tích cóp dựng lên. Anh Thảo chia sẻ, lấy vợ từ năm 26 tuổi, gần chục người sống chung trong căn nhà của mẹ vợ nên anh quyết tâm làm căn nhà riêng cho bản thân.

Căn nhà ấy anh Thảo làm rất cẩn thận, chắc chắn trên 12 cây cột lớn từ 8 năm trước. Bởi vậy nó hứng chịu, che chắn cho gia đình anh qua biết bao trận động đất lớn nhỏ. Tuy vậy, trận động đất có độ lớn 5.0 ngày 28/7 khiến đất trời Tây Nguyên rung chuyển, vượt ngưỡng chịu đựng của căn nhà gỗ. “Chắc hôm bữa động đất mạnh quá nên nó đã nghiêng”, anh Thảo thở dài.

Trận động đất kinh hoàng ấy khiến vợ của anh Thảo là chị Y Dô (SN 1987) cùng cậu con trai một phen “mất vía”. Hôm đó, anh đi làm, chỉ có chị Dô và cậu con trai trong nhà. Đang nằm ôm con ngủ, bỗng có những tiếng rần rần, nổ lớn, rồi rung chuyển căn nhà. Thấy vài viên gạch rớt xuống, chị Dô bế con trai chạy một mạch ra đường. Sau khi hoàn hồn lại chị Dô và con trai trở về đã thấy cả căn nhà nghiêng hẳn sang một phía. Từ hôm đó đến nay, chị Dô không đêm nào yên giấc, mắt lờ đờ thâm quầng. Chị nói: “Hôm đó viên ngói rơi xuống chỉ cách mẹ con tôi một chút, nếu trúng đầu cũng móp thôi. Chồng tôi đã chống 2 cột để nhà đỡ đổ rồi nhưng giờ chẳng ai dám vào đó ở nữa. Sợ lắm, nhà đổ đè xuống chỉ có đi xa thôi, không sống nổi đâu”.

Cũng từ thời điểm định mệnh ấy, cả gia đình anh Thảo đem hết chăn, màn xuống dưới bếp ở. Căn bếp nhỏ được lợp tôn, kèm mấy thanh xà gồ chỉ nhỏ bằng cổ tay lại là nơi mà gia đình nhỏ cảm thấy an toàn nhất. “Chồng mình ngủ phải nằm trên cái giường xếp, gần cửa nhỡ có động đất thì bò ra cho nhanh, còn mình ngủ ở góc chết khá vững, có sập thì bếp cũng còn một lỗ hổng an toàn”, chị Dô bày tỏ.

Ở làng Tăng Pơ, gia đình chị Y Kliêng (42 tuổi) thuộc hộ khó khăn. Căn nhà của chị có hơn chục cái cột, đều được kê dưới mấy hòn đá. Chị giải thích, do gỗ không tốt nên phải kê lên đá như vậy để cách mặt đất, đỡ mối mọt, mục nát. Tuy vậy, việc kê như thế rất nguy hiểm bởi khi xảy ra động đất ngôi nhà không được vững chắc, có thể trượt rồi sập xuống bất kỳ lúc nào. Cũng bởi vậy mà trận động đất lớn nhất vừa qua khiến căn nhà của gia đình chị Kliêng nghiêng hẳn qua một bên. Đến giờ cả gia đình ấy 6 người vẫn phải ở trong căn nhà này vì chưa có kinh phí làm nhà mới. Chị Kliêng nhớ lại, hôm xảy ra động đất cả nhà ai cũng giật mình, hốt hoảng, chạy tới ôm lấy nhau. Nói về lý do không chạy ra khỏi nhà, chị Kliêng nhớ: “Động đất rung chuyển cả đất trời, hoảng sợ có nghĩ được gì đâu mà chạy ra ngoài. Mà đêm hôm trời lạnh chỉ muốn ở trong nhà vì đây là nơi an toàn, co người lại một lúc mong nó đi qua sớm. Chồng mình bị khớp, con lại nhỏ nên giờ chỉ biết ở trong căn nhà này thôi, chuyển đi đâu được”.

Muôn kiểu thoát thân

Cuối chiều, chị Y Phương (26 tuổi, trú xã Đắk Tăng) ôm con gái 2 tuổi nhìn cơn mưa dầm. Cũng như bao người khác, chị Phương có nỗi buồn “không tên”, cứ bứt rứt, thấp thỏm lo lắng mỗi ngày. Bởi sau mỗi trận động đất chị phải sắp xếp lại đồ đạc trong nhà.

Cán bộ Viện Vật lý Địa cầu phối hợp, tập huấn kỹ năng ứng phó với động đất cho người dân các xã vùng tâm chấn, huyện Kon Plông. Ảnh: Thiên Vân.

Cán bộ Viện Vật lý Địa cầu phối hợp, tập huấn kỹ năng ứng phó với động đất cho người dân các xã vùng tâm chấn, huyện Kon Plông. Ảnh: Thiên Vân.

Theo chị Phương, người dân ở đây đều có những cách riêng thoát thân mỗi khi động đất xảy ra. Thời tiết vùng núi lạnh vào ban đêm nhưng các gia đình đều mở toang cửa chính, cửa sổ để tiện cho việc thoát hiểm. Có gia đình để ống bơ trên khung cửa sổ, khi rung lắc nó rơi xuống phát ra tiếng kêu thì chạy thẳng ra ngoài. Đây là giải pháp tương đối vì có khi gió lớn cũng thổi đổ ống bơ. Có nhà lại kê giường sát những cánh cửa để khi động đất xảy ra họ chạy ra ngoài nhanh hơn. Thậm chí để ngủ yên giấc, có người chui sẵn vào trong gậm giường. “Giữa đêm hay trong ngày có tiếng hét lớn ở đây đích thị là động đất. Mọi người cứ theo bản năng cắm đầu, ôm con cái chạy thẳng ra chỗ thoáng. Nếu biết, nghe thấy còn chạy được, chứ lúc ngủ say mọi thứ xảy ra nhanh quá làm sao mà chạy kịp”, chị Phương thở dài.

Theo người phụ nữ này, ở vùng động đất người dân cũng phải dần học cách để quen, lâu rồi trở thành linh tính, không phải trận động đất nào họ cũng bỏ chạy. Chẳng hạn, mỗi khi đất trời rung lắc, họ sẽ nhìn ly hay chậu có nước, nếu nước chao nhẹ thì bình thường, còn động đất lớn sẽ làm rơi, đổ các vật dụng trong nhà. Đặc biệt khi mái tôn kêu soàn soạt, các trụ gỗ cọt kẹt hầu hết mọi người đều chạy ra khỏi nhà để thoát thân.

“Lúc đầu người dân họ nghĩ đánh mìn, hoặc do xe tải lớn chạy qua, sau khi biết là động đất người dân có lo sợ nhưng xã đã chủ động tuyên truyền tới bà con để họ đỡ hoang mang. Vài hôm sau Viện Vật lý Địa cầu cũng về phối hợp, hướng dẫn người dân kỹ thuật phòng tránh, phát tờ rơi”. Theo ông Hải, sau trận động đất lớn nhất ấy, qua thống kế có 10 hộ dân bị nứt tường nặng, nghiêng, ngoài ra cũng nhiều hộ rớt ngói, nứt nhẹ nên không thống kê.

Nói về động đất, anh A Đơi (SN 1996, trú thôn Vi Ring 2, xã Đắk Tăng) bức xúc: “Ức chế nhất là khi làm mệt về nghỉ trưa, hay đêm khuya. Lúc đó ai mà muốn chạy nữa, cố đợi cho tử thần đi qua nhanh chóng. Mỗi ngày mấy chục trận động đất xảy ra, chạy miết, chạy miết vậy sao? Chạy nhiều cũng bực, mà không chạy bế con ra ngoài nhỡ có chuyện gì thì biết kêu ai?”.

Vì cuộc sống mưu sinh, anh Đinh Văn Trói (SN 1982, trú huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) phải lặn lội lên xã Đắk Tăng làm thợ xây mới được mấy tháng. Tuy vậy, như chia sẻ với chúng tôi, sau các trận động đất liên tiếp bản thân thấy rất lo sợ, hoảng loạn. Cũng bởi thế, dù đã quen việc, nhưng anh Trói đang tính trở lại quê nhà làm ăn. “Một ngày chạy vài chục lần động đất ai mà sống nổi”, anh Trói nói.

Trên địa bàn xã Đắk Tăng có đến 341 hộ sinh sống gần lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Trong đó khoảng 110 căn nhà của người dân thôn Đắk Tăng nằm trơ trọi trên đỉnh đồi với bốn bề vực sâu, mưa rừng mềm đất, lòng đất chỉ cần “trở mình” thì không thể lường trước mọi thứ. Ông A Hương- Trưởng thôn Đắk Tăng cũng là một trong những người đã chuyển nhà từ thung lũng lên quả đồi để nhường cho lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Ông Hương nhớ nhất trận động đất cách đây chừng 4 năm, khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước không lâu. Đây là trận động đất đầu tiên nên người dân lo lắng, hoảng sợ, la hét, lao ra khỏi nhà. Lúc đó ông Hương không kịp leo xuống thang, chỉ biết bám lấy cây cột nhà xiêu vẹo. “Tội nhất là các cụ già lớn tuổi, họ chỉ biết co rúm trong tấm chăn”, ông Hương nhớ lại.

Công tác ở vùng này đã gần 20 năm, ông Nguyễn Thanh Hải- Chủ tịch UBND xã Đắk Ring hiểu hơn ai hết cuộc sống của bà con nơi đây. Quê ở Quảng Ngãi, ông Hải phải gửi con cho bà ngoại nuôi, mỗi tuần phải vượt hơn trăm cây số đến nơi làm việc. Ông Hải cho biết, toàn xã có 595 hộ dân với hơn 2.000 khẩu, đa phần người dân tộc Ca Dong.

Về đời sống của người dân vùng tâm chấn động đất, ông Hải than thở, bà con trong xã chủ yếu trồng mì (sắn), keo lai nên còn nhiều khó khăn. Theo ông Hải, do đường quá xa, hiểm trở nên tiền bán không bù lại tiền vận chuyển, cách thu hoạch mì của bà con cũng rất vất vả, khi phải chở từng bao ra đường lớn để bán.

Ông Hải chia sẻ, thiệt hại lớn nhất của người dân sau những trận động đất chính là mặt tinh thần. Bởi vậy, về lâu dài, Chủ tịch UBND xã Đắk Ring mong muốn cơ quan chức năng sớm có kết luận, nếu thực sự do ảnh hưởng của thủy điện thì các thủy điện phối hợp với xã, động viên, lo chi phí cho người dân.

(Còn nữa)

Tiền Lê - Nguyên Lê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tu-tam-chan-dong-dat-ky-1-nhung-dem-khong-ngu-post1665799.tpo