Tự tạo rủi ro cháy nổ trong nhà ở kết hợp kinh doanh

Tại các thành phố lớn, nhiều nhà ở riêng lẻ được tận dụng, cải tạo thành nhà ở kết hợp kinh doanh. Hàng hóa, thiết bị được tập kết, sắp xếp chắn lối thoát nạn đã tạo nên rủi ro cháy nổ.

Tối 16/6, ngôi nhà có địa chỉ tại số 207 phố Định Công Hạ (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) xảy ra cháy.

Cảnh sát xác định đây là nhà ở kết hợp kinh doanh vật tư điện nước. Tầng 1 là nơi kinh doanh; tầng 2 và tầng 3 là kho chứa hàng hóa; tầng 4 và tầng 5 là phòng ngủ của gia đình; tầng 6 là bếp và phòng khách; tầng tum là phòng thờ và sân phơi.

Lửa cháy đỏ rực bên trong căn nhà 6 tầng, 1 tum. Ảnh: Đình Hiếu

Lửa cháy đỏ rực bên trong căn nhà 6 tầng, 1 tum. Ảnh: Đình Hiếu

Nhận tin báo cháy, Công an TP Hà Nội đã điều động 12 xe cứu hỏa cùng 100 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Công tác cứu nạn cứu hộ và chữa cháy rất khẩn trương nhưng 4 nạn nhân mắc kẹt trong nhà đã tử vong.

Thiếu tá Vũ Văn Sơn - Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàng Mai cho biết, quá trình chữa cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH gặp không ít khó khăn do ngôi nhà xảy ra cháy dạng ống, vừa làm kho vừa làm nhà ở, chỉ có duy nhất 1 cầu thang bộ là đường tiếp cận đến các tầng bên trên. Tầng 5 và tầng 6 - nơi 4 nạn nhân mắc kẹt bị bịt kín bởi cửa kính.

Đáng nói, đây không phải lần đầu xảy ra cháy nhà ở kết hợp kinh doanh gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Nhà ở kết hợp kinh doanh được quản lý về PCCC thế nào?

Theo ông Bùi Xuân Thái - chuyên gia của Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam, hiện nay, việc quản lý PCCC đối với các nhà ở kết hợp kinh doanh tuân theo quy định tại Nghị định số 50/2024/NĐ-CP.

Theo đó, cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC là nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh từ 50 m2 trở lên.

Với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh dưới 300 m2 sẽ do UBND cấp xã quản lý.

Nếu diện tích sàn dành cho mục đích kinh doanh, sản xuất từ 300 m2 trở lên sẽ do cơ quan công an quản lý.

Tầng 1 của ngôi nhà số 207 phố Định Công Hạ chất đầy hàng hóa. Ảnh: Đình Hiếu

Tầng 1 của ngôi nhà số 207 phố Định Công Hạ chất đầy hàng hóa. Ảnh: Đình Hiếu

Tuy nhiên, ông Bùi Xuân Thái cho biết, trên thực tế, nhiều nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh ban đầu là nhờ ở riêng lẻ, nên khi xin giấy phép xây dựng thì không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Khi có nhu cầu chuyển đổi sang loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, chủ nhà sẽ thực hiện cải tạo, sửa chữa nhà. Từ hoạt động cải tạo này đã nảy sinh ra yếu tố mất an toàn PCCC.

"Hệ thống dây dẫn điện không đáp ứng được công suất tiêu thụ điện của các thiết bị điện phục vụ hoạt động kinh doanh, do đó dễ dẫn đến tình trạng quá tải, gây chập, cháy.

Do ban đầu là nhà ở riêng lẻ nên nhiều nhà có diện tích nhỏ, vì thế chủ nhà thường tận dụng tối đa diện tích như lối đi, hành lang, cầu thang để tập kết hàng hóa, vật dụng dễ cháy, tiềm ẩn nguy cơ cháy và gây khó khăn cho việc thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra.

Việc trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC ban đầu cũng như mở lối thoát nạn khẩn cấp trong nhà chưa được chú trọng", ông Thái chỉ ra các yếu tố mất an toàn PCCC khi cải tạo, chuyển đổi công năng nhà.

Ngay từ khi thiết kế, xây dựng nhà cần đảm bảo an toàn PCCC

Để đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC và thoát nạn tại loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh (được chuyển đổi từ nhà ở riêng lẻ), Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam khuyến cáo người dân cần lưu ý một số vấn đề sau khi thiết kế, xây dựng nhà ban đầu.

Theo đó, cần tính toán, thiết kế để ngoài lối thoát nạn qua cầu thang bộ và thoát ra ngoài qua cửa chính thì các tầng nhà đều có lối thoát khẩn cấp ra ban công, lên sân thượng, lên mái nhà để thoát sang nhà hoặc công trình liền kề.

Tính toán, thiết kế sẵn giải pháp ngăn cháy, ngăn khói giữa khu vực có nguy cơ phát sinh cháy cao (như khu để xe, hàng hóa dễ cháy...) ở tầng 1 với lối thoát nạn để sẵn sàng thi công khi có nhu cầu chuyển đổi nhà ở sang mục đích nhà ở kết hợp kinh doanh.

Tính toán, thiết kế bố trí được bồn nước phù hợp trên sân thượng cũng như hệ thống ống dẫn nước xuống các tầng để có sẵn nguồn nước chữa cháy, phục vụ cho việc lắp đặt các hệ thống chữa cháy (tự động hoặc thủ công) trong nhà khi chuyển đổi sang nhà ở kết hợp kinh doanh.

Ngôi nhà ở kết hợp kinh doanh xảy ra cháy tại phố Định Công Hạ. Ảnh: Đình Hiếu

Ngôi nhà ở kết hợp kinh doanh xảy ra cháy tại phố Định Công Hạ. Ảnh: Đình Hiếu

Cũng theo vị đại diện Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam, khi sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ sang loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh thì chủ nhà cần chú ý trang bị một số thiết bị phục vụ công tác chữa cháy.

Ngoài ra, thực hiện tính toán công suất các thiết bị sử dụng điện cho hoạt động kinh doanh, trên cơ sở đó thiết kế và lắp đặt hệ thống điện (gồm dây dẫn điện, ổ cắm, aptomat,…) đáp ứng yêu cầu về công suất sử dụng điện của các phụ tải, đảm bảo hệ thống không bị quá tải khi đưa vào sử dụng.

Trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị PCCC ban đầu, thiết bị báo cháy sớm, thang dây, dây hạ chậm, mặt nạ phòng khói… trong nhà để đảm bảo xử lý kịp thời và hiệu quả các đám cháy ngay khi mới phát sinh.

Đình Hiếu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tu-tao-rui-ro-chay-no-trong-nha-o-ket-hop-kinh-doanh-2292531.html