Từ thần quyền đến thuật toán: Ai đang kiểm soát chúng ta?
Lịch sử quyền lực loài người nhìn theo trục dọc là một quá trình vận động từ thần quyền, thế quyền đến dân quyền. Nhưng, những năm đầu tiên của thế kỷ 21 có thể sẽ là sự khởi đầu cho một mẫu quyền lực thứ 4, khác hẳn về chất so với 3 mẫu quyền lực đầu tiên: quyền lực của thuật toán.
Thần quyền, loại quyền lực sơ khai nhất xuất hiện từ những thuở bình minh của lịch sử loài người và vẫn có ít nhiều ảnh hưởng đến một bộ phận nào đó các tín đồ tôn giáo trong đời sống nhân loại hôm nay. Tin vào sức mạnh huyền bí của một cái cây, một ngọn lửa, một tiếng sấm, đấy là biểu hiện của thần quyền.
Làm theo những chỉ dẫn của một giáo chủ, một giáo hội, một tăng đoàn, đấy là biểu hiện của thần quyền. Xã hội trung cổ phương Đông lẫn phương Tây đều đặc biệt tôn thờ loại hình quyền lực này. Nhưng, bên cạnh thần quyền còn là thế quyền, biểu hiện ở uy lực của lãnh chúa và sau đó là tầng lớp quý tộc phong kiến.
Trong nhiều trường hợp, thế quyền tựa vào thần quyền, trong những trường hợp đặc biệt nào đó thì thế quyền vượt mặt thần quyền, chứng tỏ vai trò độc nhất vô nhị của mình trong xã hội. Khi Napoleon mời đức Giáo hoàng đến sắc phong ngôi vị cho mình thì đấy là khi thế quyền tựa vào thần quyền. Nhưng, khi Napoleon chủ động giật cái vương miện trên tay đức Giáo hoàng để tự đội lên đầu mình (chứ không chờ Giáo hoàng đội nó lên đầu một tân vương như thông lệ) thì đấy là khi “thế quyền” không còn coi “thần quyền” ra gì nữa.
Những vua chúa Trung Hoa thậm chí có xu thế “thần quyền” hóa cái “thế quyền” của mình, thông qua việc tự gọi mình là thiên tử - con trời. Vì mình là con trời nên mình thiêng liêng. Vì mình là con trời nên mình cao quý. Vì mình là con trời nên mình tự cho mình cái quyền “thế thiên hành đạo”. Và người dân trong những xã hội ấy, ở những giai đoạn ấy cũng luôn có xu thế nhìn vào vua như nhìn vào một đấng tối cao, bất khả xâm phạm.
Phải đến khi xã hội phong kiến được thay thế bằng xã hội dân chủ thì quyền lực thật sự mới thuộc về người dân. Các tổ chức nhà nước lúc này (cũng có thể coi là biểu hiện của “thế quyền” kiểu mới) thực chất là những đối tượng đại diện cho nhân dân trong việc tạo ra các chính sách mà xét về lý thuyết là để phục vụ một cách tốt nhất đời sống của nhân dân. Nhà nước nào không làm được điều này sẽ lập tức bị nhân dân thay thế bằng nhà nước khác.
Như vậy, nếu thần quyền thuộc về một cõi siêu nhiên vô hình nào đó thì thế quyền và dân quyền lại thuộc về con người với những biểu hiện cụ thể nhất quán, ai cũng thấy. Vì vậy, có thể nói rằng lịch sử quyền lực loài người xét theo trục dọc là một lịch sử đi từ cái vô hình đến cái hữu hình, từ cái thiêng liêng đến cái gần gũi, từ cái mơ hồ đến cái cụ thể.
Tuy nhiên, loại hình quyền lực thứ 4 đang manh nha xuất hiện trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 - quyền lực thuật toán thì có vẻ lại vừa mơ hồ vừa cụ thể, vừa như “không có gì”, vừa như “có tất cả”. Bây giờ hiếm có thể tìm được những vận động xã hội vượt thoát khỏi tầm kiểm soát của các thuật toán.
Hằng ngày bạn có vào Internet không? Có! Vậy thì các thuật toán trên Internet sẽ theo dõi bạn. Bạn có xu hướng xem những trang web nào, thuật toán sẽ theo dõi, lưu trữ và luôn sẵn sàng đưa ra kết luận. Bạn có xu hướng tra cứu những thông tin nào trên Google, trên YouTube, thuật toán cũng luôn tất yếu thực hiện những thao tác đó.
Và bạn có xu hướng viết những status như thế nào, với những biểu hiện lý tính và những trạng thái cảm xúc ra sao, các thuật toán cũng luôn “kèm cặp” bạn từ A đến Z. Thế nên đừng bất ngờ nếu một ngày nọ, trang Facebook cá nhân của bạn đột nhiên xuất hiện những lời mời chào phù hợp hoàn toàn với nhu cầu của bạn, trùng khít với những đặc điểm tuổi tác và tâm lý trong con người bạn. Ví dụ Facebook mời bạn mua những chiếc vòng tay màu xanh, có khả năng trung hòa sự nóng nảy, dành riêng cho những người tuổi Tý.
Bạn sẽ bất ngờ: trời ơi, tại sao Facebook biết mình đang cần mua 1 chiếc vòng tay, lại biết mình thích màu xanh, biết luôn cả việc mình là người nóng nảy và biết rõ mình là người tuổi Tý? Ồ, đừng bất ngờ vì sau khi nghiên cứu những thông tin khai báo và các hành vi của bạn trong một thời gian đủ dài, các thuật toán đủ thông minh để trả lời cho bạn câu hỏi, rốt cuộc bạn là ai.
Thế nên, các nhà nghiên cứu công nghệ mới không ngoa khi kết luận, thời buổi hôm nay, các thuật toán có thể hiểu ta hơn chính ta. Còn một câu đáng chú ý nữa: trước đây chúng ta sử dụng Google miễn phí, bây giờ Google đang sử dụng chúng ta miễn phí.
Bạn sẽ thét lên: Vậy thì tôi sẽ tách mình khỏi Internet, để nằm ngoài mọi mối quan hệ với các thuật toán. Khổ nỗi, phần lớn các vận động xã hội bây giờ đều dựa trên nền tảng Internet. Vào mạng xã hội, tra cứu Google, bạn phải sử dụng Internet đã đành, gọi một chiếc taxi công nghệ bạn cũng phải sử dụng Internet. Mà xu thế bây giờ, taxi công nghệ sẽ dần thay thế taxi truyền thống.
Đọc thông tin một cách nhanh nhất, cập nhật nhất, thậm chí thông tin của một sự kiện đang diễn ra ở một nơi cách xa mình vạn dặm, bạn cũng phải vào Internet, vì bạn không đủ kiên nhẫn chờ đợi thông tin đó ở những tờ báo giấy vốn phải trải qua một quá trình in ấn - phát hành nhiêu khê. Tóm lại, tách mình khỏi Internet, bạn sẽ trở thành Robinson ngoài đảo hoang, mà đấy lại là cái đảo hoang nhận thức ngay trong thành phố của mình, trớ trêu chưa!
Có một thứ đặc quyền tưởng chừng sẽ thuộc về riêng bạn, cái thứ mà tưởng chừng không liên quan đến bất cứ thuật toán nào, đó là cảm xúc. “Nhưng cảm xúc là gì?”, nhà nghiên cứu lịch sử Harrari đặt câu hỏi trong cuốn sách mới nhất của ông 21 bài học cho thế kỷ 21. Và ông trả lời: Cảm xúc suy cho cùng cũng là một quá trình sinh hóa. Vậy đến một thời điểm nào đó của tương lai, cái tương lai chỉ cách chúng ta vài chục năm nữa thôi, nếu mỗi chúng ta đều được gắn vào mình một chiếc máy cảm biến thì sao nhỉ?
Chiếc máy cảm biến ấy sẽ chỉ ra quy trình sinh hóa trong cơ thể chúng ta và từ đó có thể đoán biết chúng ta đang có những trạng thái cảm xúc nào. Vui ư? Buồn ư? Giận dỗi ư? Sợ hãi ư? Nóng nảy đến mức muốn giết người ư? Thuật toán sẽ giải mã và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đưa ra câu trả lời chính xác.
Harari còn đưa những tình huống đáng suy nghĩ hơn nữa: con người hiện nay đôi khi phải trả giá rất đắt cho những quyết định lầm lỡ của mình, từ việc chọn nghề nghiệp đến chọn vợ chọn chồng. Bởi ở tuổi 18, chúng ta chưa đủ hiểu mình để chọn ngay một nghề nghiệp phù hợp với nhất mình. Ở tuổi 25 chúng ta cũng chưa đủ hiểu người mà mình định lấy làm vợ hoặc chồng để có được những chọn lựa tối ưu.
Nhưng, với những phân tích chính xác về các đặc điểm của chúng ta và các đặc điểm liên quan đến những đối tượng có khả năng tương tác với chúng ta, thuật toán có thể đưa ra những câu trả lời chính xác. Khi ấy, muốn chọn lựa nghề nghiệp gì, ta sẽ hỏi thuật toán, muốn cưới ai, ta sẽ hỏi thuật toán. Thậm chí người đứng đầu một chính phủ sau khi tham khảo ý kiến của các thành viên trong tổ tư vấn sẽ đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên lời khuyên của thuật toán.
Sự chuyển dịch từ thần quyền, thế quyền, dân quyền sang thuật toán vì thế là một sự chuyển dịch phá toang những kết cấu truyền thống trong xã hội loài người. Và vì thế con người không thể lấy những kinh nghiệm có được trong mối tương tác với 3 loại hình quyền lực trước để ứng xử với loại hình quyền lực thứ 4.
Đọc tới đây, bạn sẽ hỏi: suy cho cùng thì ai làm ra thuật toán? Ai đọc các thuật toán? Ai xử lý cả một núi thông tin mà các thuật toán đưa ra? Câu trả lời chắc chắn là con người. Nhưng, không phải là tất cả con người như những gì mà chúng ta vẫn hình dung trong cái mô hình “phổ thông đầu phiếu” mang tính bằng đẳng cao.
Thực chất là chỉ có một nhóm nhỏ những con người tinh hoa, siêu việt nào đó mà thôi. Ở một góc nào đó của thế giới, nhóm nhỏ tinh hoa siêu việt này sẽ đọc kết quả của các thuật toán, từ đó sẽ chi phối những vận động mang tính chiến lược của nhân loại.
Theo một thống kê mới nhất thì 8 người giàu nhất thế giới hiện nay đang sở hữu một lượng tài sản bằng với số tài sản của 3,6 tỷ người nghèo nhất. Tức là sự phân hóa về tài sản đang tạo nên những bất bình đẳng khủng khiếp trong xã hội loài người. Nhưng, trong tương lai, với sự lên ngôi của các thuật toán và trí tuệ nhân tạo thì sự phân hóa về thông tin còn khủng khiếp hơn nữa.
Và Harari bảo: Khi ấy, trong bản thân loài người rất có thể sẽ phân chia thành những giống loài khác nhau.
Tin hay không, tùy bạn!