'Từ tháng 3 năm ngoái, chúng tôi không kiếm nổi một xu nào'
Đó là chia sẻ đầy chua xót của một thương nhân trung lưu ở Ấn Độ. Hàng triệu người dân nước này đang phải đối mặt với khả năng rơi vào tình trạng nghèo đói do mất việc làm.
Vào năm 1980, Ram Babu đã di chuyển từ một ngôi làng nghèo đến thủ đô New Delhi để làm nghề rửa xe hơi. Sau đó, ông học lái xe mà nhận được công việc lái xe bus du lịch. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, ông tự thành lập công ty du lịch riêng.
Vào tháng 3/2020, cuộc phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn Ấn Độ nhằm chống lại đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động kinh tế bị đóng băng hoàn toàn. Khi công việc kinh doanh sụp đổ, Babu lái xe đưa gia đình trở về ngôi làng nghèo mà ông đã từng ra đi.
Cuộc khủng hoảng tồi tệ
“Từ tháng 3 năm ngoái, chúng tôi không kiếm nổi một xu nào. Tất cả ba chiếc xe bus du lịch của tôi đều đã ngừng hoạt động hơn một năm. Chúng tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng”, ông nói.
Làn sóng dịch bệnh quét qua toàn đất nước đã khiến hàng triệu người Ấn Độ nhiễm bệnh, hàng trăm nghìn người tử vong và hàng triệu người phải ở yên trong nhà.
May mắn thay, số lượng trường hợp nhiễm mới đang giảm dần. Nền kinh tế Ấn Độ đang trên đà phục hồi. Tuy nhiên, đối với nhiều người Ấn Độ, tình trạng của họ ngày càng tồi tệ do thu nhập bị giảm mạnh và vấn đề bất bình đẳng ngày càng gia tăng, theo AP.
Các chuyên gia cho biết nhiều thập kỷ nỗ lực trong việc xóa đói giảm nghèo đang trở về vạch xuất phát. Khả năng tăng trưởng trở lại theo đúng định hướng của nền kinh tế Ấn Độ phụ thuộc vào số phận của tầng lớp trung lưu. Tầng lớp này rất đa dạng, từ những người làm công ăn lương cho đến những chủ doanh nghiệp nhỏ như ông Babu.
Sự xuất hiện của đại dịch đã gây ra cuộc suy thoái tồi tệ nhất đối với thế giới kể từ cuộc Đại suy thoái trong những năm 30 của thế kỉ XX. Khi đại dịch dần qua đi, nhiều nền kinh tế đang phục hồi trở lại.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán mức độ tăng trưởng toàn cầu trong năm 2021 lên tới 5,6%. Đây là tốc độ cao nhất kể từ năm 1973.
Nền kinh tế Ấn Độ đã sụt giảm 7,3% tổng giá trị GDP trong năm 2020. Nhiều nhà kinh tế lo ngại quốc gia này sẽ không đạt được khả năng phục hồi như Mỹ và các nền kinh tế lớn khác.
Mahesh Vyas, giám đốc điều hành tại Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE), cho biết: “Covid-19 là cuộc tấn công mới nhất trong một loạt cú sốc của nền kinh tế Ấn Độ những năm gần đây. Tuy nhiên, cú sốc do Covid-19 gây ra có tác động nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Tôi e rằng nó sẽ có hậu quả lâu dài”.
Tầng lớp trung lưu chịu ảnh hưởng
Chương trình Make in India của ông Modi đã bị cản trở và tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này tăng mạnh.
Những người nghèo chịu nhiều thiệt hại nhất do đại dịch. Nhưng đối với tầng lớp trung lưu của Ấn Độ, đây lần đầu tiên trong vài thập kỷ gần đây họ phải hứng chịu một cú sốc kinh tế nặng nề như vậy.
Sau 40 năm làm việc chăm chỉ, ông Babu kiếm được khoảng 2.000 USD mỗi tháng từ công ty du lịch. Công việc kinh doanh suôn sẻ đến nỗi ông đã vay tiền để mua chiếc xe du lịch thứ ba.
Vào tháng 5/2020, ông đã sử dụng một trong những chiếc xe du lịch đó để đưa vợ và ba đứa con trở về làng Bhugol ở Bihar. Đây là một trong những bang nghèo nhất của Ấn Độ. Ông không còn đủ khả năng để trả tiền thuê căn hộ một phòng ngủ của mình ở New Delhi.
Ước tính quy mô tầng lớp trung lưu của Ấn Độ dao động từ 200 triệu đến 600 triệu người. Tất cả chuyên gia kinh tế đều nhất trí rằng sự phát triển của tầng lớp này là cực kỳ quan trọng đối với khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Nhà kinh tế Arun Kumar cho biết: “Họ là những người tiêu dùng chính. Nếu khả năng tiêu dùng của họ không tăng trở lại, nền kinh tế sẽ gần như không thể phục hồi”.
Một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew vào tháng 3 ước tính 32 triệu người Ấn Độ sẽ bị đẩy khỏi tầng lớp trung lưu do hậu quả của Covid-19. Số người nghèo cũng sẽ tăng khoảng 75 triệu người.
Cuộc sống đảo lộn
Để giảm bớt tác động do đại dịch, vào tháng 5/2020, chính phủ Ấn Độ đã cung cấp cho nền kinh tế nước này 266 tỷ USD. Hơn 40 tỷ USD sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các biện pháp cho vay không cần thế chấp. Số tiền 36 tỷ USD cũng sẽ được sử dụng nhằm tạo việc làm, thúc đẩy chi tiêu của người dân và hỗ trợ sản xuất, nông nghiệp và xuất khẩu.
Nhưng đối với nhiều người, các biện pháp trên vẫn chưa đủ. Chưa có thông báo hỗ trợ nào đối với lĩnh vực du lịch. Ông Babu vẫn phải đóng thuế kinh doanh đối với những chiếc xe bus.
Theo CMIE, việc phong tỏa đã khiến hơn 120 triệu người mất việc làm. Nhiều người đã quay trở lại làm việc ngay sau khi phong tỏa kết thúc. Tuy nhiên, sự phục hồi chủ yếu tập trung vào các công việc được trả lương thấp trong những lĩnh vực như nông nghiệp và xây dựng.
Vẫn còn khoảng 12,5 triệu người Ấn Độ hoàn toàn mất việc làm. Số phận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang nằm trên bờ vực nguy hiểm.
Báo cáo State of Working India 2021 của Đại học Azim Premji cho thấy quá trình tìm kiếm việc làm của người dân khó khăn và bấp bênh hơn nhiều so với trước đại dịch.
Rosa Abraham, một trong những tác giả chính của báo cáo, cho biết: “Những người thất nghiệp đang phải chấp nhận bất kỳ loại hình công việc nào, ngay cả khi được trả lương thấp hơn và nguy hiểm hơn đáng kể so với trước kia”.
Theo ông Vyas, những vấn đề trên có thể làm suy yếu sự tự tin và khả năng phát triển của người dân.
“Họ cần tham vọng để nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là một yếu tố rất quan trọng và khiến cho nền kinh tế phát triển mạnh”, ông nhận định.
Babu lo sợ cuộc sống của mình đang bị đảo ngược. Ông đã hy vọng cô con gái út có thể trở thành phi công. Tuy nhiên, bây giờ ông phải cố gắng kéo con gái ra khỏi trường học tại New Delhi. Giấc mơ mua nhà ở thành phố cũng đã tan thành mây khói vì ông không thể trả nợ.
“Tôi không quen với cuộc sống ở làng quê. Tất cả những gì chúng tôi có đều ở Delhi. Đáng lẽ tôi chỉ nên tiếp tục làm tài xế để tránh khỏi việc vướng phải mớ hỗn độn này”, ông Babu nói.