Từ Thành cổ Quảng Trị đến khát vọng Việt Nam hùng cường
Mỗi bức tường đổ nát, mỗi viên gạch vỡ ở Thành cổ Quảng Trị đều mang dấu tích của bom đạn, của những cuộc giao tranh sinh tử. Nơi đây, máu của những người lính đã hòa vào đất, thịt xương của họ đã hóa vào cát bụi. Tuổi thanh xuân của biết bao người con ưu tú đã vĩnh viễn nằm lại nơi này, hóa thành những linh hồn bất tử canh giữ mảnh đất quê hương.
Tiếng vọng từ Thạch Hãn
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, Quảng Trị trở thành điểm nóng, nơi diễn ra những trận đánh giằng co, quyết liệt. Đặc biệt, chiến dịch tái chiếm Thành cổ Quảng Trị năm 1972 đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca bi tráng.
81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972), hàng vạn chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, giành giật từng tấc đất, ngôi nhà trong Thành cổ.

Đường vào Thành cổ Quảng trị rợp cờ bay.
Mỗi bức tường đổ nát, mỗi viên gạch vỡ nơi đây đều mang dấu tích của bom đạn, của những cuộc giao tranh sinh tử. Nơi đây, máu của những người lính đã hòa vào đất, thịt xương của họ đã hóa vào cát bụi. Tuổi thanh xuân của biết bao người con ưu tú đã vĩnh viễn nằm lại nơi này, hóa thành những linh hồn bất tử canh giữ mảnh đất quê hương.
"Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm".
Bốn câu thơ của nhà thơ Lê Bá Dương đã trở thành một khúc ca bi tráng, một nén tâm nhang, một lời tri ân nghẹn ngào dành cho hàng ngàn chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi dòng sông này. Những người lính trẻ, tuổi đời mười tám, đôi mươi, mang trong mình bầu nhiệt huyết cách mạng, đã không ngần ngại xông pha vào lửa đạn. Họ chiến đấu không chỉ bằng vũ khí, mà còn bằng cả trái tim yêu nước nồng nàn, bằng ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi. Họ biết rằng phía sau họ là Tổ quốc, là đồng bào, là khát vọng thống nhất cháy bỏng của cả một dân tộc.

Thế hệ cha ông không tiếc hy sinh xương máu để giành lại độc lập, tự do cho đất nước.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi (Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo, tỉnh đội Quảng Trị 1972) trong chương trình “Bản trường ca bất tử” mới đây chia sẻ: “Chúng tôi ở mọi miền Tổ quốc, chúng tôi vượt sông Thạch Hãn sang đây với khát vọng để thực hiện ao ước của Bác Hồ, non sông liền một dải…”.
Đại tá Trần Ngọc Long (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 năm 1972), với giọng trầm buồn kể lại: “Tôi về thăm bà mẹ gần 100 tuổi, ôm lấy tôi, bà nói, các anh về mà con tôi không về, tôi đau lắm”. Câu nói nghẹn ngào ấy, chất chứa nỗi đau khôn nguôi của một người mẹ mất con, đã trở thành một vết khắc sâu vào tâm khảm của những người còn sống.
Anh Chu Đình Minh, con liệt sĩ Chu Đình Thuận thì khát khao, “Từ lúc sinh ra và lớn lên tôi không nhìn thấy bố mình, chỉ biết rằng bố tôi chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất Thành cổ Quảng Trị này. Tôi rất khao khát tìm thấy bố cho dù đó chỉ là vật chứng hay một mảnh xương nhỏ để chứng minh là bố của tôi, để tôi cảm thấy được gần với bố hơn, nhưng không được”.

Trong 81 ngày đêm, dòng sông Thạch Hãn bên Thành cổ Quảng Trị đã khắc tạc huyền thoại mở đường dưới bom của các chiến sĩ quân giải phóng.
Máu của họ đã tô thắm thêm màu cờ đỏ sao vàng, là màu hy vọng cho sự hòa bình và thống nhất hôm nay. Sự kiên cường và tinh thần chiến đấu bất khuất của quân và dân ta tại Thành cổ Quảng Trị đã làm thất bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ, giáng một đòn mạnh vào ý chí xâm lược của kẻ thù, tạo tiền đề quan trọng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Niềm tin và hy vọng
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày non sông thu về một mối, một khoảng thời gian đủ dài để những vết thương chiến tranh tưởng chừng đã liền da. Nhưng không, trong sâu thẳm trái tim của biết bao người Việt Nam, những giọt nước mắt vẫn âm thầm rơi, lặng lẽ nhắc nhở về một thời đau thương nhưng hào hùng của dân tộc. Những giọt nước mắt vẫn rơi không phải là sự bi lụy, mà là sự trân trọng, lòng tri ân, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người không tiếc thanh xuân và xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc.
Đó còn là những giọt nước mắt của niềm tin và hy vọng, Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách mạnh mẽ, thể hiện ý chí đổi mới và khát vọng vươn lên. Những nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, chuyển đổi số... không chỉ là những bước đi cụ thể hướng tới một quốc gia phát triển bền vững, mà còn là sự tiếp nối ý chí, hiện thực hóa khát vọng của những người đã ngã xuống.
Mỗi quyết sách đúng đắn, mỗi thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội đều là những đóa hoa tươi thắm dâng lên những Anh hùng liệt sĩ, khẳng định rằng sự hy sinh của họ không hề vô ích.
Những giọt nước mắt hôm nay, vì thế, không chỉ là sự tưởng nhớ quá khứ, mà còn là niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc khi chứng kiến đất nước thay da đổi thịt, khi những nỗ lực không ngừng nghỉ đang dần đơm hoa kết trái.
Chúng ta tin rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc, Việt Nam sẽ ngày càng hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu, xứng đáng với những hy sinh cao cả của cha ông.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/tu-thanh-co-quang-tri-den-khat-vong-viet-nam-hung-cuong-477168.html