Tư thế có thể cứu sống bạn khi bị đau tim
Ngồi là tư thế tốt nhất khi bạn bị đau tim, vì tư thế này làm giảm áp lực lên tim. Bên cạnh đó, bạn cũng cần gọi cấp cứu ngay thay vì đợi các triệu chứng qua đi.
Nếu ai đó ở gần bạn đang có dấu hiệu đau tim, trước tiên bạn nên gọi cấp cứu. Sau đó, đưa người đó vào tư thế ngồi - điều này có thể làm dịu các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng hoặc chấn thương nặng hơn.
Các bước cần làm nếu ai đó ở gần bạn có vẻ như đang bị đau tim
- Bước 1: Hãy gọi cấp cứu ngay thay vì cố gắng chở người đó đến bệnh viện. Nhân viên y tế cấp cứu có khả năng cứu sống người bệnh tại hiện trường và trên xe cứu thương trên đường đến phòng cấp cứu.
- Bước 2: Cung cấp cho người đó thuốc trị đau thắt ngực (đau ngực), chẳng hạn như nitroglycerin nếu bác sĩ đã kê đơn. Nếu không có sẵn thuốc trị đau thắt ngực, hãy cho người đó nhai và nuốt từ từ một viên aspirin 325 miligam. Aspirin có thể giúp làm tan cục máu đông có thể gây tắc nghẽn động mạch vành.
Lưu ý: Bước này chỉ được khuyến nghị nếu người đó không bị dị ứng với aspirin và không mắc bệnh lý nào khiến việc dùng aspirin trở nên nguy hiểm. Một nghiên cứu năm 2020 cho biết rằng nhai một viên aspirin trước khi được chăm sóc y tế có liên quan đến tỷ lệ sống sót cao hơn.
- Bước 3: Cố gắng giữ bình tĩnh đồng thời giúp người đó bình tĩnh. Cơn đau tim có thể là một sự kiện đáng sợ, gây lo lắng, vì vậy việc sử dụng giọng nói bình tĩnh, trấn an có thể chính là điều người bệnh cần.
- Bước 4: Liên hệ với thành viên gia đình hoặc bạn bè để nhận bất kỳ thông tin y tế cần thiết nào và cảnh báo họ về những gì đang xảy ra.
Nếu ai đó bị lên cơn đau tim bất tỉnh, ngừng thở và không có mạch bạn có thể thực hiện hồi sức tim phổi chỉ dùng tay cho họ bằng cách:
+ Đặt gót của một bàn tay vào giữa ngực của người đó. Đặt gót bàn tay kia lên trên bàn tay thứ nhất và đan các ngón tay lại với nhau.
+ Giữ thẳng cánh tay, dùng cánh tay và bàn tay đẩy xuống, dùng trọng lượng cơ thể đè lên ngực người đó.
+ Đẩy đủ mạnh để ấn ngực xuống ít nhất 5cm.
+ Tiếp tục ấn ngực với tốc độ 100 đến 120 lần ấn mỗi phút.
+ Tiếp tục ép ngực cho họ cho đến khi nhân viên y tế đến. Nếu có thể, hãy nhờ người khác thay bạn sau vài phút, vì việc ấn ngực có thể khiến bạn mệt mỏi.
1. Điều gì xảy ra khi bị đau tim?
Một cơn đau tim (hay còn gọi là nhồi máu cơ tim ) xảy ra khi nguồn cung cấp máu giàu oxy cho tim của bạn bị cắt đứt. Điều này khiến các tế bào cơ tim chết, làm tim bạn yếu đi. Nếu lưu lượng máu không được phục hồi nhanh chóng, tổn thương có thể là vĩnh viễn hoặc gây tử vong.
Các cơn đau tim thường xảy ra bởi sự tắc nghẽn ở một trong các động mạch cung cấp máu cho tim. Thủ phạm phổ biến gây ra sự tắc nghẽn là các mảng bám. Các mảng bám có thể tích tụ trên thành động mạch, dẫn đến một quá trình gọi là xơ vữa động mạch. Mảng bám tích tụ theo thời gian, làm thu hẹp động mạch và dẫn tới việc cản trở lưu lượng máu.
Ngoài ra, mảng bám cũng có thể vỡ ra đột ngột và dẫn tới hình thành cục máu đông chỉ trong vài giây hoặc vài phút, gây ra đột quỵ thiếu máu cục bộ.
2. Tư thế tốt nhất khi bị đau tim
Ngồi một chỗ có thể là tư thế tốt nhất nếu bạn đang bị đau tim vì những lý do sau:
- Cải thiện huyết áp và lưu lượng máu
Tim bơm máu đến phần còn lại của cơ thể thông qua mạng lưới động mạch, sau đó máu đó sẽ quay trở lại tim qua tĩnh mạch. Huyết áp của bạn quyết định lực mà máu của bạn chảy. Mà tư thế ngồi của cơ thể có thể ảnh hưởng đến cả huyết áp và lưu lượng máu.
Ví dụ, ở tư thế đứng, huyết áp có thể thấp hơn và lượng máu về tim có thể ít hơn vì trọng lực phân phối máu đến chân nhiều hơn.
Vì vậy, khi lên cơn đau tim - lúc này khả năng bơm máu của tim có thể giảm khi các tế bào cơ tim chết và tim bạn yếu đi, bạn cần có đủ lượng máu quay trở lại tim để đảm bảo rằng nó có thể tiếp tục bơm máu hiệu quả nhất có thể đến phần còn lại của cơ thể. Nếu không, các cơ quan khác, như não, có thể không nhận đủ máu, có thể khiến con người bất tỉnh.
Khi ngồi xuống sẽ giúp máu chảy ngược về tim - điều này sẽ hữu ích khi một người đang trải qua cơn đau tim.
- Làm giảm sự tích tụ chất lỏng trong phổi
Trong cơn đau tim, việc thiếu lưu lượng máu qua hệ thống tuần hoàn cũng có thể gây khó thở. Máu có thể ứ đọng trong các buồng bên trái của tim và gây ra sự tích tụ chất lỏng trong phổi của bạn.
Việc giữ tư thế thẳng và ngồi là điều cần thiết để cải thiện tình trạng khó thở nếu chất lỏng tích tụ trong phổi xảy ra. Điều này là do khi bạn ngồi, trọng lực có lợi cho bạn, làm giảm lượng chất lỏng lưu lại trong phổi.
- Giảm các chấn thương khác
Ngồi cũng làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng khác khi lên cơm đau tim như:
+ Sặc và nghẹt thở: Khi lên cơn đau tim, người bệnh có thể bị nôn - chất nôn có thể khiến người bệnh bị sặc và gây nghẹt thở, hoặc chất nôn cũng có thể xâm nhập vào phổi của bạn và gây viêm phổi do hít phải. Sặc và nghẹt thở có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu bạn nằm.
+ Ngã: Có thể gây thương tích nghiêm trọng và có thể xảy ra nếu bạn bất tỉnh khi đang đứng.
Tư thế ngồi thẳng sẽ bảo vệ bạn khỏi những chấn thương nếu bạn bất tỉnh và ngạt thở nếu bạn nôn mửa trong cơn đau tim.
3. Hướng dẫn ngồi đúng cách khi lên cơn đau tim
Có rất nhiều cách để ngồi xuống, nhưng nếu bạn đang bị đau tim, hãy cố gắng ngồi trên sàn, đầu gối cong và lưng dựa vào tường. Mặc dù tư thế này chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng đây dường như là lựa chọn an toàn nhất. Ngồi xuống và nghỉ ngơi có lẽ là điều tốt nhất bạn có thể làm khi chờ đợi cấp cứu.
Khi lên cơn đau tim nên tránh ngồi ở những nơi gần cầu thang và những nơi có vật sắc nhọn, cả hai điều này có thể khiến bạn gặp nguy hiểm nếu như bị té ngã.
Một số lưu ý khác cần làm khi lên cơn đau tim
Ngoài tư thế ngồi và các bước thực hiện khi nhận thấy ai đó lên cơn đau tim, một số lưu ý khác bạn cũng cần chú ý khi gặp người nào đó lên cơn đau tim:
- Không cho người bệnh ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì ngoài thuốc (đã được kê đơn hoặc aspirin). Một vài ngụm nước có thể được, nhưng hãy cố gắng không cho người bệnh uống quá nhiều nước.
- Khi được cấp cứu, hãy chia sẻ với nhân viên y tế nếu đã cho người bệnh uống thuốc aspirin.
4. Dấu hiệu của cơn đau tim
Các triệu chứng đau tim có thể rất khác nhau. Một số triệu chứng có thể bắt đầu từ từ và có thể nhẹ. Một số người thậm chí có thể không bị đau ngực. Những người khác có thể gặp các triệu chứng đột ngột hoặc các triệu chứng đến rồi đi.
Các dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim bao gồm:
- Đau ngực, cảm thấy nặng nề, áp lực hoặc bị bóp ở ngực
- Chóng mặt
- Hụt hơi
- Đổ mồ hôi
- Buồn nôn và ói mửa
- Cảm thấy choáng váng
- Đau ở các vùng như hàm, lưng, cánh tay, vai
- Mệt mỏi bất thường
Ngay cả khi có các triệu chứng nhẹ, cơn đau tim vẫn là một trường hợp cấp cứu y tế cần được chăm sóc kịp thời.
Nguồn: Healthcentral, Healthline