Từ thí điểm tới nhân rộng

Ngay sau khi Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 9.7.2023 về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được ban hành; Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 23, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Sở Tư pháp các địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về quyền yêu cầu cấp phiếu, hạn chế tình trạng lạm dụng phiếu lý lịch tư pháp.

Kịp thời hướng dẫn người dân về thủ tục

Từ ngày 22.4 - 22.6, Hà Nội và Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) cho các công dân Việt Nam có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2. Việc thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí xã hội cho người dân theo chủ trương của Chính phủ.

Chỉ mất từ 3-5 phút, người dân đã có thể hoàn thiện thủ tục đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID. Nguồn: ITN

Chỉ mất từ 3-5 phút, người dân đã có thể hoàn thiện thủ tục đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID. Nguồn: ITN

Theo thông tin từ Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, về việc triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, tính đến hết ngày 24.5.2024, TP. Hà Nội đã tiếp nhận 4.739 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu trên VNeID/12.573 tổng hồ sơ yêu cầu cấp phiếu (chiếm 37,9%); tra cứu tại cơ quan công an 3.317 hồ sơ, trả kết quả 2.299 phiếu lý lịch tư pháp.

Để khuyến khích người dân thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, TP. Hà Nội đã ban hành chính sách hỗ trợ 100% phí cho mọi đối tượng. Theo đó, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND ngày 15.4.2024. Nghị quyết quy định việc sử dụng ngân sách của thành phố hỗ trợ cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID, bắt đầu từ 1.6.2024 đến ngày 31.12.2024.

Theo đó, công dân Việt Nam thường trú trên địa bàn TP. Hà Nội có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID, có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID thì được hỗ trợ 100% mức phí phải nộp. Trường hợp công dân có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp bản giấy thì từ phiếu thứ 3 trở lên được hỗ trợ tối đa 50.000đ/lần/người (tương đương 10 phiếu lý lịch tư pháp). HĐND thành phố giao UBND TP. Hà Nội tổ chức thực hiện Nghị quyết; tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định, công khai và minh bạch.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến hết ngày 24.5.2024, đã tiếp nhận 1.260 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu trên VNeID/1.800 tổng hồ sơ yêu cầu cấp phiếu (chiếm 70%); tra cứu tại cơ quan công an 556 hồ sơ, trả kết quả 930 phiếu lý lịch tư pháp. Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID (22.4), tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các đơn vị liên quan hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục này.

Phối hợp tuyên truyền, bảo đảm nguồn lực

Theo thống kê của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, với nhu cầu 2,6 triệu phiếu lý lịch tư pháp hàng năm, việc cấp trên VNeID dự kiến tiết kiệm khoảng 637 tỷ đồng mỗi năm. Người dân có thể lựa chọn nhận phiếu lý lịch tư pháp được cấp bằng bản điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc phiếu bản giấy mà không mất thời gian, công sức phải trực tiếp đến các cơ quan chức năng như trước. Phiếu lý lịch tư pháp điện tử này có thể sử dụng nhiều lần, nộp ở nhiều doanh nghiệp khác nhau, người dân không phải mất phí đề nghị cấp thêm bản giấy.

Trong quá trình triển khai, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, C06 - Bộ Công an và 2 địa phương thực hiện thí điểm để giải quyết một số vấn đề phát sinh về kỹ thuật, bổ sung tính năng để các đối tượng được miễn, giảm phí cấp phiếu lý lịch tư pháp theo hướng dẫn tại Thông tư 244/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp; bổ sung tính năng quét mã QR của 37 ngân hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID còn gặp khó khăn, vướng mắc trong tra cứu thông tin và một số vấn đề liên quan đến kỹ thuật. Đại diện Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cho biết, sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về quyền yêu cầu cấp phiếu, hạn chế tình trạng lạm dụng. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Quy chế sửa đổi Quy chế quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, tại Sở Tư pháp.

Mặt khác, nghiên cứu, đề xuất việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với Cơ sở dữ liệu của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao theo yêu cầu của Đề án 06; đánh giá việc thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Hà Nội, đề xuất triển khai trên toàn quốc.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức; phát huy tính chủ động, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và tiến hành sơ kết Chỉ thị 23. Cùng với đó, làm tốt công tác phối hợp với C06 - Bộ Công an, gắn chặt việc triển khai Chỉ thị 23 và cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID với việc triển khai Đề án 06, bảo đảm nguồn lực, sẵn sàng tinh thần triển khai cấp phiếu trên VNeID trong phạm vi toàn quốc.

Dương Cầm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/tu-thi-diem-toi-nhan-rong-i373519/