Từ thơ Đường tới múa ballet, virus corona bất ngờ khiến hai đối thủ Trung Quốc, Nhật Bản xích lại gần nhau

Trang AFP đăng tải, giữa tâm điểm bùng phát dịch bệnh do virus corona mới gây ra, một tình hữu nghị bất ngờ xuất hiện giữa hai quốc gia từng là kẻ thủ trong quá khứ: Trung Quốc và Nhật Bản.

Tin tức về việc Chính phủ Nhật Bản gửi một chiếc máy bay viện trợ hàng nghìn thiết bị bảo hộ y tế tới thành phố tâm dịch Vũ Hán đã nhận được 170 triệu lượt xem trên tài khoản Weibo của Đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh. Đây là chuyến bay chuyên cơ thứ 5 mà Tokyo thực hiện tới Trung Quốc kể từ khi bùng phát dịch bệnh. Phản ứng của người dân Trung Quốc là sự pha trộn giữa lòng biết ơn và lo lắng.

"Các bạn thật tốt!", một người dùng Weibo viết. "Nhưng tôi hy vọng các bạn cũng có thể sớm đánh bại dịch bệnh". "Hãy giữ lại một ít cho chính các bạn," một người khác đề nghị.

Là nước chủ nhà của Thế vận hội mùa hè năm nay, Nhật Bản đã xác nhận ít nhất 79 trường hợp dương tính với COVID-19 và 1 ca tử vong, chưa kể hơn 600 người bị nhiễm trên một du thuyền đang neo đậu ngoài cảng Yokohama.

Hồi cuối tháng 1, hình ảnh các hộp quà viện trợ khẩu trang đến từ Nhật Bản kèm theo một dòng thơ cổ, đã nhận được sự chú ý lớn trên mạng xã hội Trung Quốc.

"Các mảnh đất xa lạ bị chia cắt bởi núi và sông, chúng ta chia sẻ gió và trăng dưới cùng một bầu trời", dòng thơ từ thời Đường được in bên ngoài vỏ hộp.

"Dịch bệnh là tạm thời, nhưng tình hữu nghị kéo dài mãi", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói khi đề cập tới các tấm hình lan truyền trên mạng trong đó ghi lại các hiệu thuốc Nhật Bản cho treo các tấm biển ghi "Cố lên, Trung Quốc".

Chính phủ Nhật Bản đã gửi một máy bay đồ bảo hộ y tế tới thành phố tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc (ảnh: AFP)

Chính phủ Nhật Bản đã gửi một máy bay đồ bảo hộ y tế tới thành phố tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc (ảnh: AFP)

Nhật Bản "dễ bị tổn thương"

Dịch bệnh COVID-19 đã khiến hơn 2.100 người thiệt mạng và lây nhiễm hơn 74.500 người tại Trung Quốc kể từ khi bắt đầu bùng phát vào cuối năm ngoái.

Những hành động thiện chí giữa hai láng giềng Đông Á khác xa với các xung đột ngoại giao thường xuyên diễn ra trong mối quan hệ của họ thời gian gần đây, từ tranh chấp trên biển tới nỗi tức giận đối với các nạn nhân nô lệ tình dục từ thời kỳ chiến tranh Nhật Bản.

Nhật Bản tấn công Trung Quốc trong những năm 1930 và hai nước xảy ra chiến tranh toàn diện từ năm 1937 cho tới khi Nhật Bản thất bại trong Thế chiến thứ hai năm 1945. Bắc Kinh thường coi các chuyến thăm của giới chính trị gia Nhật Bản tới ngôi đền thờ các nạn nhân chiến tranh Yasukuni tại Tokyo là một dấu hiệu thể hiện thái độ hiếu chiến.

Tuy nhiên, theo phó giáo sư Victor Teo tại Đại học Hong Kong, "trong thời điểm khó khăn, đặc biệt là do sự công kích và chỉ trích (từ các nước khác), chính phủ và người dân Trung Quốc cảm thấy biết ơn khi Nhật Bản bày tỏ sự ủng hộ như vậy". Cùng lúc, "việc nỗi đe dọa y tế được kiềm chế chắc chắn sẽ là một lợi ích quốc gia của Nhật Bản", ông Teo nói với AFP. "Nhật Bản rất dễ bị tổn thương bởi vì các quan hệ trao đổi người với người và kinh tế với Trung Quốc".

Nhật Bản không cấm nhập cảnh hoàn toàn đối với người Trung Quốc mà chỉ áp dụng lệnh hạn chế cho những người đến từ hai tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh ở Trung Quốc.

Chuyên gia về Trung Quốc Amako Satoshi tại Đại học Waseda, Nhật Bản phân tích, quyên góp và ủng hộ từ các doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ vì các lý do nhân đạo, mà "còn cả các lý do kinh tế" và điều đó là hoàn toàn hiểu được. "Rõ ràng nếu nền kinh tế Trung Quốc bị thiệt hại, nền kinh tế Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng và ngược lại", ông Amako nói.

"Động cơ thâm sâu"

Mối quan hệ giữa hai nên kinh tế lớn nhất châu Á đang ấm dần lên. Năm ngoái, Thủ tướng Nhật Abe Shinzo trở thành thủ tướng Nhật Bản đầu tiên thăm Bắc Kinh kể từ năm 2011. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến cũng sẽ tới Tokyo trong năm nay.

Học giả cấp cao Richard McGregor tại Viện Lowy chia sẻ với AFP, những "động cơ thâm sâu" đang góp phần cải thiện quan hệ giữa hai nước. "Trung Quốc luôn quan tâm tới Nhật Bản khi quan hệ với Washington bị xói mòn", ông McGregor nói.

Theo ông, thái độ không qua coi trọng các đồng minh của Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể đem tới cho Bắc Kinh "một cơ hội để phá vỡ liên minh Mỹ - Nhật", đồng thời làm giảm sự hiện diện của Mỹ tại khu vực.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người tại Trung Quốc đều ấn tượng với lòng tốt từ Nhật Bản.

Thông tin về các vũ công của Vũ đoàn ballet Matsuyama Tokyo hát quốc ca Trung Quốc trên sân khấu và cổ vũ cho người dân Trung Quốc nhận được hơn 100 triệu lượt xem trên Weibo. Tờ báo Trung Quốc Toàn cầu miêu tả buổi biểu diễn là "sự tôn trọng và khích lệ" cho Trung Quốc.

Mặc dù vậy, một số người xem lại coi đoạn video là quá ủy mị và không phù hợp. Họ chỉ ra, nguồn gốc lịch sử của bài quốc ca chính là từ phong trào kháng Nhật trong những năm 1930.

"Có phần hơi quá rồi dấy, họ không biết ai chính là kẻ muốn nô dịch chúng ta [người Trung Quốc] trong thời kỳ đó hay sao?", một cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ bức xúc.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tu-tho-duong-toi-mua-ballet-virus-corona-bat-ngo-khien-hai-doi-thu-trung-quoc-nhat-ban-xich-lai-gan-nhau-20200220160245625.htm