Từ 'Thủ đô khu giải phóng' đến 'Thủ đô kháng chiến'
Không phải ngẫu nhiên mà trong quá khứ, Tuyên Quang được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận là 'Thủ đô khu giải phóng', 'Thủ đô kháng chiến'. Trong chuyến thăm và làm việc tại Tuyên Quang (ngày 28/1/2011), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: 'Tuyên Quang - Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến mãi mãi là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và đồng bào cả nước. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đánh giá cao và biết ơn những đóng góp, hy sinh to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Tuyên Quang'.
Chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước và chọn Cao Bằng làm địa bàn thử nghiệm tư tưởng, phương pháp của mình về cách mạng giải phóng dân tộc.
Theo nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Tích, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từ kinh nghiệm xây dựng căn cứ địa cách mạng ở đầu nguồn Cao Bằng, Hồ Chí Minh chủ trương mở rộng ra các tỉnh Việt Bắc để từ đó nối thông với Hà Nội và các tỉnh miền Trung. Hồ Chí Minh đã chọn Tuyên Quang là nơi dừng chân trong hành trình chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, có nghĩa Tuyên Quang là con đường chính truyền tải ngọn lửa cách mạng và là nơi chuẩn bị các điều kiện thiết yếu sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền tương lai trên hành trình tiến về Hà Nội giành chính quyền.
Sở dĩ Tuyên Quang được đảm nhận sứ mệnh lịch sử này là do tỉnh có đường bộ nối liền với các vùng miền của căn cứ địa Việt Bắc, trên đường xuống Hà Nội, là vùng rừng núi “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ lui”. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng từ tháng 3/1940. Mặc dù kẻ địch tăng cường đàn áp, bắt bớ cán bộ, nhưng các đoàn thể Việt Minh vẫn phát triển mạnh ở Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa và thị xã Tuyên Quang. Trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 1940-1954 có ghi lại rằng, những tài liệu quan trọng như Báo Cờ giải phóng, Cứu quốc, Chặt xiềng đã có mặt tại nhiều cơ sở ở Tuyên Quang.
Đầu năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, mặc dù chưa nhận được chỉ thị mới của Trung ương, song nhiều địa phương ở Tuyên Quang đã dùng áp lực quần chúng để giải phóng, thành lập chính quyền cách mạng. Ngày 4/4/1945, Bác Hồ từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) để chuẩn bị các công việc cho khởi nghĩa. Từ ngày 20/5/1945, sống, làm việc tại Tuyên Quang đến khi rời Tân Trào về Hà Nội (22/8/1945) là quãng thời gian Hồ Chí Minh hoạt động khẩn trương, sáng tạo nhằm chuẩn bị trực tiếp cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đang đến gần. Đầu tháng 6/1945, Người đã chỉ thị thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái; thống nhất các lực lượng vũ trang đặt tên là Quân giải phóng, những tổ chức xã hội, quân sự cần thiết đảm bảo cho cuộc cách mạng diễn ra thắng lợi.
Một trong những hoạt động quan trọng của Hồ Chí Minh tại Tuyên Quang là chỉ đạo Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào ngày 14 và 15/8/1945, với chủ trương tập trung mọi lực lượng để giành chính quyền và quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc lãnh đạo Tổng khởi nghĩa. Sau đó là Đại hội Quốc dân Tân Trào ngày 16 và 17/8/1945 bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 18/8/1945, Bác viết thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa toàn quốc gửi quốc dân đồng bào và theo mệnh lệnh của Người, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã thành công. Vậy mà, chỉ vài ngày trước khi rời Tân Trào về Hà Nội, Người nói: “Biết đâu chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa”[1].
Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến
Đúng như Bác dự liệu, không lâu sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Ngày 19/12/1946, Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và ngay chiều tối hôm ấy, Người cùng các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước bắt đầu hành trình trở lại Tuyên Quang. Ngày 2/7/1947, Người đến huyện Sơn Dương. Bác cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, cơ quan Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và một số bộ, ngành ở trong an toàn khu đóng tại các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa. Một số bộ phận khác ở an toàn khu Chợ Đồn, Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn; Định Hóa, Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp.
Lần đầu, Hồ Chí Minh hoạt động ở Tuyên Quang kéo dài trong 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8/1845) lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám. Lần thứ hai, Người và bộ máy cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ làm việc tại chiến khu Việt Bắc, chủ yếu ở Tuyên Quang đã làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Do vậy, Tuyên Quang - Việt Bắc đã thực sự trở thành Thủ đô kháng chiến.
Theo Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Sỹ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, nhìn từ góc độ khoa học và phân tích thực tiễn, Tuyên Quang được gọi là Thủ đô kháng chiến nhờ hai yếu tố:
Thứ nhất, Tuyên Quang là nơi đóng đô của chính quyền Nhà nước, của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, nơi làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ và rất nhiều cơ quan Trung ương. Theo thống kê, ngày đó, 13/14 bộ, cơ quan ngang bộ đóng ở Tuyên Quang; 65 bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, cơ sở kinh tế, quân sự... của Trung ương đặt nơi ở và làm việc tại 146 địa điểm trên địa bàn tỉnh. Các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa là căn cứ an toàn của Trung ương trong suốt thời kỳ kháng chiến. Như vậy, hầu hết các cơ quan Nhà nước, các bộ, cơ quan Trung ương đều đóng trụ sở làm việc tại Tuyên Quang thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó là yếu tố chứng tỏ Tuyên Quang là trung tâm an toàn khu, là Thủ đô kháng chiến.
Thứ hai, Tuyên Quang là địa bàn sống và làm việc lâu nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo khác và cơ quan đoàn thể Trung ương; nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Theo thống kê của Bộ Văn hóa và ông Tạ Quang Chiến, người vinh dự được phục vụ Bác Hồ giai đoạn 1945 - 1957, trong thời gian Bác sống, làm việc tại chiến khu Việt Bắc, dù 37 lần chuyển nơi ở, song thời gian Bác sống lâu nhất là tại Tuyên Quang với 5 năm 11 tháng 25 ngày. Tại Tuyên Quang, Bác cũng di chuyển nhiều nơi nhưng ổn định nhất vẫn là ở thôn Lập Bình, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương. Cùng với Bác, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng: Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt và nhiều lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương cũng từng đến ở và làm việc tại nhiều địa điểm thuộc Tuyên Quang trong thời kỳ 1947-1954.
Tại Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đã quyết định và thông qua nhiều chủ trương, chính sách lớn về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa, lãnh đạo quân và dân ta kháng chiến kiến quốc thắng lợi. Tuyên Quang cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc đón tiếp, gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam với đại biểu nước ngoài; nơi Bác Hồ có nhiều hoạt động ngoại giao, gửi thư, điện, tiếp xúc với lãnh đạo, đại diện các tổ chức quốc tế, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài tuyên truyền về tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Pháp. Cả nước hướng về Việt Bắc mà Tuyên Quang là trung tâm căn cứ địa, nơi có Bác Hồ, có Trung ương Đảng, Chính phủ; là nơi để nhân dân tiến bộ trên thế giới ngày càng hiểu rõ và đồng tình, ủng hộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Với các yếu tố trên, Tuyên Quang được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận là Thủ đô kháng chiến.
Cũng theo Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Sỹ, trong thời kỳ chống Pháp, Tuyên Quang một lần nữa được chọn là trung tâm của các an toàn khu, đầu não của cuộc kháng chiến do hội đủ các yếu tố:
Một là, về địa lý quân sự và giao thông, địa phương này có điều kiện thuận lợi cho cả tiến công và phòng thủ. Nơi đây, núi đồi được bao phủ bởi rừng cây bạt ngàn, nhiều thung lũng và hang động có lợi cho chiến tranh du kích, có thể xây dựng an toàn khu vững chắc với các cơ sở kinh tế, hậu cần, quân sự.
Hai là, Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Nhân dân các dân tộc luôn đoàn kết, yêu nước, có ý chí đấu tranh kiên cường, anh dũng chống giặc ngoại xâm. Đó là điểm tựa tinh thần cho Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời gian làm việc tại đây.
Ba là, đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi cho cuộc sống và sản xuất nông nghiệp, tạo cho Tuyên Quang nguồn lương thực, thực phẩm đủ để cung cấp cho các đơn vị bộ đội và các cơ quan, cơ sở kinh tế đóng chân trên địa bàn.
Bốn là, Tuyên Quang có cơ sở chính trị vững chắc, có chính quyền vững mạnh, từng là Thủ đô khu giải phóng, trung tâm căn cứ địa cách mạng của cả nước và là một địa bàn mà ngay từ trước cuộc kháng chiến đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược của mình cho chuẩn bị xây dựng căn cứ địa kháng chiến.
[1] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, t.2, tr.280.