Từ Thủ đô văn hiến đến thành phố sáng tạo

Trong suốt bề dày lịch sử với các chặng đường phát triển, Hà Nội đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, gánh chịu nhiều cuộc chiến tranh dai dẳng, khốc liệt. Và, cách đây tròn 65 năm, vào ngày 10-10-1954, từ 5 cửa ô, trùng trùng những đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản thủ đô trong sự chào đón hân hoan, rực rỡ cờ hoa của hàng vạn người dân Hà Nội. Ngày Giải phóng thủ đô đã đi vào lịch sử, là cột mốc quan trọng mở ra một thời kỳ phát triển mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

65 năm qua, người dân Hà Nội đã đoàn kết một lòng, nỗ lực quyết tâm vượt qua mọi gian khó để bảo vệ và xây dựng thủ đô ngày càng phát triển, xứng đáng là trái tim của cả nước. Hà Nội đã đạt được những thành tựu nổi bật trong tất cả các lĩnh vực, là địa phương có chỉ số phát triển con người, an sinh xã hội cao nhất, tốc độ phát triển hàng năm luôn trong nhóm đầu cả nước.

Chỉ tính trong 10 năm gần đây, Hà Nội đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 7,41%/năm. Tính đến hết tháng 9-2019, GDP của thủ đô đã tăng trưởng hơn 7,3%; tổng vốn đầu tư xã hội đạt gần 246.000 tỷ đồng, tăng 12,9%. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư đạt kết quả cao, đặc biệt đầu tư nước ngoài đạt 6,23 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước...

Năm 2019 không chỉ tròn 65 năm thủ đô Hà Nội được giải phóng mà còn là cột mốc đáng nhớ kỷ niệm 20 năm Hà Nội vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”. Và cuối tuần qua, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, UBND TP Hà Nội cùng các đối tác nước ngoài đã động thổ xây dựng dự án Thành phố thông minh. Đây cũng là sự khởi động quan trọng và tiền đề cốt lõi trong lộ trình đưa Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” đầu tiên ở khu vực theo lựa chọn của UNESCO. Với khát vọng vươn lên bằng sự sáng tạo, tăng cường kết nối quốc tế, Hà Nội đã hoàn thành nộp hồ sơ ứng cử tham gia mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO năm 2019.

Theo nhận định của các chuyên gia, không phải thành phố nào cũng có thể trở thành “Thành phố sáng tạo”, nhưng Hà Nội có nền tảng cho việc này. Hà Nội có truyền thống văn hiến lâu đời, là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, có 1.350 làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ… làm cơ sở, nguồn cảm hứng cho sự phát triển công nghiệp sáng tạo. Cùng với đó, Hà Nội đã tận dụng những giá trị văn hóa để phát triển du lịch và cũng là nơi có nhiều không gian sáng tạo, tạo cơ hội cho những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo phát huy tài năng. Hà Nội là địa điểm của 1.600 văn phòng đại diện nước ngoài, 14 khu công nghiệp cùng trên 16.000 cơ sở sản xuất công nghiệp. Hà Nội cũng từng bước trở thành một trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu khi đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; tham gia tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng và là nơi diễn ra nhiều hội nghị quốc tế lớn.

Tháng 11 tới, UNESCO sẽ họp thông qua hồ sơ ứng cử của Hà Nội tham gia mạng lưới các “Thành phố sáng tạo”. Để có thể đạt được mục tiêu đề ra, đòi hỏi Hà Nội cần tiếp tục tập trung phát huy các tiềm năng, lợi thế, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để phát huy được sức mạnh nội tại và khai thác hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ cho công cuộc phát triển thủ đô giai đoạn mới; đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia và nắm bắt cơ hội thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu khu vực.

NGUYỄN QUỐC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tu-thu-do-van-hien-den-thanh-pho-sang-tao-621645.html