Từ thương chiến đến biển Đông: Khó khăn bủa vây Trung Quốc

Đây là giai đoạn chính quyền Bắc Kinh phải xoay xở với những cuộc khủng hoảng trong nước lẫn nước ngoài.

Những thời khắc quý giá trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc (TQ) tại hội nghị 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) ở Osaka, Nhật Bản hồi cuối tháng 6-2019 chưa kịp giúp chữa lành quan hệ kinh tế hai bên thì hôm 1-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế 10% đối với 300 tỉ USD hàng hóa TQ.

Bắc Kinh hồi tuần trước ra quyết định áp thuế với 75 tỉ USD hàng Mỹ. Chỉ trong vòng chưa đến 24 giờ, ông Trump đáp trả bằng cách áp thuế 30% với 250 tỉ USD hàng TQ từ ngày 1-10 và thuế 15% với 300 tỉ USD hàng hóa còn lại từ ngày 1-9.

Kinh tế rơi vào giai đoạn suy yếu

Xung quanh thương chiến với Mỹ, TQ gặp ít nhất hai khó khăn. Thứ nhất, chiến tranh thương mại diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế TQ đang chững lại. Số liệu từ Cục Thống kê quốc gia TQ cho thấy trước thời điểm chiến tranh thương mại chính thức xảy ra vào tháng 7-2018, tăng trưởng kinh tế TQ nhìn chung có xu hướng giảm. Quý I-2010, tăng trưởng kinh tế TQ đạt hơn 12% thì đến giữa năm ngoái, con số này giảm xuống còn chưa đến 7%. Quý I-2019, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,2%, thấp nhất trong thập niên qua.

Chuyên gia Nicholas Lardy của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) nhận định sự suy yếu của nền kinh tế TQ thời gian gần đây là hậu quả của việc phân bổ các nguồn tài chính cũng như các nguồn lực khác một cách bất hợp lý. Theo đó, TQ tập trung nhiều nguồn lực vào các doanh nghiệp (DN) nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả thay vì nên đầu tư vào các DN tư nhân. Ngoài ra, kể từ năm 2017, việc áp dụng các chính sách tín dụng không hợp lý cũng góp phần khiến tăng trưởng kinh tế TQ trở nên suy yếu hơn.

Suy thoái kinh tế TQ xuất phát từ chính sách kinh tế sai lầm của Bắc Kinh hơn là từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, các đòn đánh thuế của ông Trump nhằm vào TQ cũng gây ra những hệ lụy đáng kể, đặc biệt khi sức khỏe nền kinh tế TQ có vấn đề. Đây chính là khó khăn thứ hai mà Bắc Kinh đối mặt.

Dù muốn hay không, rất nhiều DN Mỹ và các nước khác, vì thuế quan hay vì bất an trước xung đột Washington và Bắc Kinh, cũng tìm cách tháo chạy khỏi TQ. Jin Canrong, Phó Trưởng Khoa nghiên cứu quốc tế tại ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh, phát biểu vào tháng 7-2019 rằng nếu thương chiến xảy ra trong thời gian dài, khiến chuỗi cung ứng trung cấp và cao cấp rời khỏi TQ thì tiềm năng phát triển trong tương lai của TQ bị tổn hại nặng nề. Ngoài ra, việc xung đột thương mại với Mỹ sẽ khiến quá trình cải cách các DN nhà nước “thây ma” của TQ bị chậm lại, tăng trưởng kinh tế càng khó phục hồi.

Ông Tập Cận Bình (phải) đang phải đối mặt với đòn thuế từ ông Trump và nhiều cuộc khủng hoảng khác. Ảnh: GETTY

Ông Tập Cận Bình (phải) đang phải đối mặt với đòn thuế từ ông Trump và nhiều cuộc khủng hoảng khác. Ảnh: GETTY

Hong Kong leo thang căng thẳng

Trong khi chính quyền Bắc Kinh gặp khó khăn, thậm chí lúng túng trong việc hành xử với Mỹ về thương chiến thì vấn đề Hong Kong và biển Đông càng khiến Bắc Kinh đau đầu.

Tại cuộc gặp các đại diện DN Hong Kong ngày 27-8, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị cho rằng biểu tình Hong Kong là cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay tại đặc khu này. Trong khi TQ trấn an người dân, tình hình căng thẳng Hong Kong liên tục leo thang, đỉnh điểm là tình trạng bạo lực bùng nổ vào ngày 25-8. Đã có tiếng súng cảnh cáo nổ vang và các cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát xảy ra.

Hôm 26-8, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam xuất hiện trước công chúng và trấn an rằng lãnh đạo Hong Kong sẽ sớm xúc tiến hòa giải với phe phản đối. Tuy nhiên, sự “xuống nước” của lãnh đạo Hong Kong dường như không xoa dịu được người biểu tình.

Đáng chú ý mục tiêu của những người biểu tình ở Hong Kong hiện nay không phải là dự luật dẫn độ tội phạm về TQ đại lục như hai tháng trước. Thay vào đó, họ nhắm vào toàn bộ quan điểm, chính sách của chính quyền đặc khu Hong Kong và gián tiếp là chính quyền TQ. Việc buộc chính quyền đặc khu đình chỉ vô thời hạn dự luật dẫn độ được cho là chiến thắng ban đầu của người biểu tình. Giới quan sát nhận định về lâu dài, mọi cuộc biểu tình phản đối chính quyền Hong Kong cũng sẽ đồng thời nhằm phản đối TQ.

Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng sẵn sàng can thiệp Hong Kong theo luật nếu chính quyền đặc khu có yêu cầu. Thậm chí TQ cử quân đội đến sát biên giới đặc khu. Tuy nhiên, nếu phong trào biểu tình leo thang, TQ cũng rất khó trong việc quyết định sử dụng vũ lực. Bởi lẽ các cuộc đụng độ bạo lực tại đặc khu này sẽ có thể biến Hong Kong thành câu chuyện quốc tế, thu hút Mỹ, Anh và nhiều nước phương Tây tham gia. Đó là điều TQ không mong muốn, bởi Bắc Kinh nhất quán khẳng định Hong Kong là chuyện nội bộ.

Các chiến thuật của TQ như gây áp lực với các nước ASEAN đang tranh chấp, triển khai lắp đặt các hệ thống vũ khí quân sự sẽ làm gia tăng hoài nghi về uy tín của TQ. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của đồng minh và đối tác trong khu vực nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

BỘ QUỐC PHÒNG MỸ tuyên bố hôm 26-8

Bị phản ứng quyết liệt ở biển Đông

Ngoài biển Đông, TQ bị phản ứng quyết liệt khi đưa tàu Địa chất hải dương 8 xâm phạm vùng biển Việt Nam bất chấp luật pháp quốc tế. Nhóm tàu khảo sát đến vào tháng 7-2019, rời đi vào đầu tháng 8 rồi ngang ngược quay trở lại chưa đầy một tuần sau đó. Phía Việt Nam liên tục lên tiếng phản ứng mạnh, yêu cầu TQ rút nhóm tàu này ngay lập tức.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi pháp luật và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Lập trường của Việt Nam lâu nay luôn muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ Việt Nam.

Các chuyên gia quốc tế nhận định TQ cố tìm cách bảo vệ yêu sách đường chín đoạn phi pháp, đồng thời tìm cách chiếm giữ nguồn tài nguyên nằm ở vùng biển mà TQ ngang ngược tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Bắc Kinh không ngờ gặp phải phản ứng rất quyết liệt từ Malaysia, Việt Nam. Các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, cũng lên tiếng chỉ trích các hành động gây hấn và dọa nạt của TQ ở biển Đông.

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 26-8 khẳng định: “TQ gần đây đã tái diễn các hoạt động can thiệp đe dọa đối với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam ở biển Đông. Động thái này của Bắc Kinh hoàn toàn đi ngược với cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa đưa ra ở Đối thoại Shangri-La đầu năm 2019 rằng TQ sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định: “Mỹ quan ngại sâu sắc về việc TQ tiếp tục can thiệp vào các hoạt động của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus gọi việc triển khai tàu khảo sát của TQ là “sự leo thang nhằm đe dọa các bên yêu sách khác rút khỏi việc phát triển tài nguyên ở biển Đông. Điều này đặt ra câu hỏi về cam kết của TQ đối với việc giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình”.

Căng thẳng tăng cao với Đài Loan

Hôm 26-8, TQ thông báo cấm tàu thuyền đi vào vùng biển ngoài khơi phía đông nước này trong 48 giờ, bắt đầu từ sáng 27-8 để quân đội nước này tổ chức tập trận. Đây là cuộc tập trận thứ ba của Quân Giải phóng Nhân dân TQ gần Đài Loan trong vòng một tháng. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh quan hệ TQ đại lục và chính quyền Đài Loan trở nên căng thẳng, đặc biệt sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt các hợp đồng vũ khí hàng tỉ USD cho Đài Loan, bao gồm 66 tiêm kích hiện đại F-16V.

ĐỖ THIỆN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/tu-thuong-chien-den-bien-dong-kho-khan-bua-vay-trung-quoc-854921.html