Từ tiết học nuôi trồng nấm đến dự án bảo vệ môi trường

'Nấm với cuộc sống' là dự án mới lạ, ý nghĩa do học sinh lớp 6 Trường Phổ thông Dewey Cầu Giấy (Hà Nội) triển khai khi học môn Khoa học tự nhiên.

Học sinh trình bày trong buổi thương thảo, ký kết hợp đồng thu mua nấm.

Học sinh trình bày trong buổi thương thảo, ký kết hợp đồng thu mua nấm.

Dự án do chính các học sinh lên ý tưởng và thực hiện trong 5 tuần. Sau 2 tiết tìm hiểu chủ đề và triển khai dự án, học sinh tiến hành nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu về các nhóm nấm; viết tiểu luận và làm sản phẩm cá nhân/nhóm. Sản phẩm được nghiệm thu tại lớp học.

Chủ nhiệm dự án, cô Nguyễn Mai Anh cho biết: Dự án được học sinh vận dụng khá sáng tạo phương pháp Tư duy thiết kế với 5 bước: Thấu cảm với người sử dụng giải pháp; xác định đúng nhu cầu, vấn đề cần giải quyết; xây dựng ý tưởng; mô hình hóa thành mẫu thử và thử nghiệm, nhận phản hồi để cải tiến.

Phương pháp này nuôi dưỡng sự tò mò và gieo vào lòng học sinh niềm yêu thích với việc khám phá thế giới xung quanh. Sự tò mò giúp học sinh biết say mê từ những điều nhỏ nhất, luôn tự tìm tòi đọc và học để giải đáp những câu hỏi của chính mình, chứ không phải vì một bài kiểm tra hay vì một sức ép từ người khác.

Sau khi kết thúc dự án, các em đã đạt mục tiêu đặt ra là trình bày được đặc điểm quá trình sinh trưởng, phát triển, sinh sản của các nhóm nấm (nấm lớn, nấm men, nấm mốc). Đồng thời, nêu được vai trò của từng nhóm nấm; ứng dụng được kiến thức vào đời sống sản xuất (làm nấm rơm, bánh mì, dịch chiết kháng sinh,…).

Học sinh triển khai dự án “Nấm với cuộc sống”.

Học sinh triển khai dự án “Nấm với cuộc sống”.

Thể hiện hào hứng với cách học mới mẻ, học sinh Nguyễn Thiên Ân chia sẻ: Trước đây em không nghĩ môn Khoa học tự nhiên lại thú vị đến thế. Không phải những công thức hay phải học thuộc lý thuyết, chúng em được quan sát và ghi chép lại nhận định của mình về quá trình sinh trưởng phát triển của nấm. Đặc biệt, tuy dự án này phát triển ngoài khuôn khổ của môn học nhưng vẫn được nhà trường ủng hộ, tạo điều kiện thực hiện ý tưởng.

Nhiều học sinh tham gia dự án cũng bày tỏ sự hứng thú khi được tự tay tạo phôi, nuôi trồng nấm, hồi hộp theo dõi quá trình sinh trưởng của nấm. Mỗi học sinh còn có cơ hội khám phá thế mạnh của bản thân khi được trao quyền với những nhiệm vụ sáng tạo như: Vẽ poster, thuyết trình, làm báo giá, viết thư mời…

Đặc biệt, sản phẩm nấm từ dự án đã được một công ty cung cấp suất ăn trường học thu mua. Đưa được sản phẩm đến với đời sống, phục vụ cộng đồng, các học sinh có thêm nhiều kỹ năng thông qua hoạt động chào bán, định giá sản phẩm và tổ chức buổi thương thảo, ký kết hợp đồng với công ty.

Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, dự án nấm còn hướng tới cộng đồng khi cả khối chung tay làm những tấm poster khuyến khích việc ăn chay để bảo vệ môi trường và cân bằng sức khỏe. Toàn bộ nấm của các học sinh sẽ được công ty cung cấp suất ăn nhà trường chế biến thành các món ăn chay trong bữa trưa cho hơn 100 cán bộ nhân viên.

“Nấm với cuộc sống” là một trong những hoạt động giảng dạy, “nhúng” học sinh vào thực tiễn cuộc sống. Cô Nguyễn Mai Anh cho biết: Với cách học này, học sinh trở thành trung tâm của việc học, tiếp nhận kiến thức một cách chủ động, đồng thời chính các em là người kiến tạo nên tri thức cho chính mình.

Các em còn có được trải nghiệm mới mẻ khi trực tiếp làm một nhà khoa học, một doanh nhân, một nhà thiết kế. Những kỹ năng mềm, những kinh nghiệm quý giá được đúc rút trong quá trình thực học, thực làm được tích lũy và áp dụng trong tương lai. Đây là những điều mà những trang thông tin khái niệm hay những lớp học “truyền thống” khó lòng dạy được.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tu-tiet-hoc-nuoi-trong-nam-den-du-an-bao-ve-moi-truong-post632402.html