Tự tin bước vào kỷ nguyên mới

Kỷ nguyên phát triển mới của đất nước đòi hỏi ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê tiếp tục giữ vững ngọn cờ cải cách, tiên phong đổi mới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Tuấn Anh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Tuấn Anh

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 ước đạt 6,8 – 7%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, là điểm sáng trong bối cảnh tình hình thế giới biến động hết sức phức tạp, khó lường, nổi lên những thách thức về bất ổn, xung đột, bảo hộ thương mại, cạnh tranh nước lớn cùng với thiên tai, dịch bệnh, các vấn đề an ninh phi truyền thống.

“Chúng ta đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu trong tâm thế tự tin, bản lĩnh, chủ động, khẳng định tầm vóc, vị thế và uy tín của đất nước”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Những thành tựu nổi bật của năm 2024, của giai đoạn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, theo bộ trưởng, đã tạo cơ đồ, vị thế, thời cơ để đất nước tự tin bước vào kỷ nguyên mới, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Biến điểm nghẽn thành đột phá

Bộ trưởng cho biết, một trong những kết quả nổi bật đã đạt được là hình thành được hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là tư duy chủ động kiến tạo, tăng tốc bứt phá, lấy phát triển duy trì ổn định và dùng sự ổn định để thúc đẩy phát triển.

Tư duy này thể hiện qua quyết tâm tháo gỡ rào cản thể chế, qua đó biến “điểm nghẽn của điểm nghẽn” thành “đột phá của đột phá”.

Đơn cử như Luật Đầu tư công 2024 do Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì soạn thảo, được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 đã phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, chuyển đổi từ tư duy tiền kiểm sang hậu kiểm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công.

Mặt khác, dự án một luật sửa bốn luật về đầu tư đã kiến tạo “luồng xanh”, để rút ngắn thủ tục của các dự án đổi mới sáng tạo, bán dẫn, công nghệ cao trong khu công nghiệp đến 260 ngày để dự án sớm khởi công, đưa vào khai thác, vận hành.

Song song với những chính sách mang tính dài hạn, nhiều chính sách, giải pháp cũng đã được triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả giúp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thách thức.

Nhiều chính sách, cơ chế đặc thù được Bộ Kế hoạch và đầu tư tham mưu cho các địa phương đã đem lại hiệu quả tích cực. Nền kinh tế của các địa phương đạt kết quả tăng trưởng tốt, quý sau cao hơn quý trước, đặc biệt là những địa phương động lực như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Dương.

Một thành tựu đáng phải kể đến là công tác quy hoạch cơ bản đã được hoàn thành, cùng với việc phát huy hiệu quả của các hội đồng điều phối vùng trong thực hiện quy hoạch, triển khai các chương trình, dự án có tính thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực, kiến tạo cực tăng trưởng mới.

Hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài duy trì được kết quả tích cực, không chỉ tăng về vốn mà còn hấp dẫn được những đại bàng lớn, điển hình như Ndivia là minh chứng rõ nét cho tiềm lực của nền kinh tế Việt Nam.

Chuẩn bị cho kỷ nguyên phát triển mới

Năm 2025 theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa là năm cuối cùng thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, vừa chuẩn bị nền tảng cho giai đoạn 2026 – 2030.

Do đó, bộ trưởng nêu sáu vấn đề then chốt, mang tính trọng tâm cho công tác tham mưu chiến lược năm 2025 cũng như giai đoạn 2026 – 2030.

Thứ nhất, tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của Đảng về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong 20 năm tới, Việt Nam phải phấn đấu duy trì mức tăng trưởng hai con số để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, cũng là thời kỳ chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của Việt Nam để đạt được mục tiêu đề ra.

Thực hiện mục tiêu tham vọng này đòi hỏi từng ngành, từng địa phương phải xác định mục tiêu đột phá, linh hoạt hóa giải thách thức, tận dụng cơ hội.

Đặc biệt, các vùng động lực tăng trưởng như đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và hai cực kinh tế Hà Nội, TP.HCM phải tăng trưởng hai con số để khẳng định vai trò đầu tàu.

Thứ hai, tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân. Phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp dân tộc, tổ chức kinh tế hợp tác, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế, dẫn dắt cho tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực, các địa phương.

Làm được điều này, bộ trưởng đề nghị cần tháo gỡ ngay những nút thắt, vướng mắc của nhiều dự án, giải phóng nguồn lực còn tồn đọng, ách tắc, lãng phí, lấy đó đóng góp cho tăng trưởng, tạo công ăn việc làm.

Thứ ba, xây dựng những thể chế vượt trội để doanh nghiệp nhà nước khẳng định được vị trí, vai trò chủ đạo và sứ mệnh dẫn dắt, tiên phong trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế.

Thứ tư, phát huy vai trò của khu vực FDI, đặc biệt thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng tầm vị trí Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ năm, cải thiện quản trị quốc gia, tránh tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử, loại bỏ những thủ tục rườm rà, lạc hậu, qua nhiều khâu, nhiều cửa làm mất công sức của người dân và doanh nghiệp.

Cuối cùng, đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực cho phát triển. Cùng với đó, hóa giải thách thức thích ứng biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thực hiện hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới, tổ chức bộ máy của cơ quan sẽ có sự thay đổi nhưng chức năng, nhiệm vụ ngành, lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, thống kê không thay đổi, thậm chí còn nhiều hơn với yêu cầu, đỏi hỏi cao hơn.

“Từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, bản lĩnh và lòng tự hào, giữ vững ngọn cờ cải cách, tiên phong đổi mới, không ngừng nỗ lực cống hiến, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, cùng hướng về phía trước, tiến bước vững vàng, viết lên trang sử mới của ngành kế hoạch, đầu tư, thống kê”, bộ trưởng nhấn mạnh.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/tu-tin-buoc-vao-ky-nguyen-moi-d38536.html