Tự tin chào đón năm 2022
2021 - Một năm đầy biến động, đau thương vì đại dịch sắp khép lại. Ngày cuối cùng của năm, lắng lòng nhìn lại những khó khăn, thách thức, những mất mát, đau buồn từ cơn cuồng phong của vi rút SARS-CoV-2; để cùng chiêm nghiệm và rút ra những bài học cho ta tự tin đi tới.Năm 2021, một năm đáng nhớ, một năm cho ta nhìn rõ hơn tinh thần, sức mạnh Việt Nam trong cuộc chiến với đại dịch, một năm với quá nhiều cảm xúc về những hy sinh, mất mát của lực lượng tuyến đầu; về những tấm lòng đáng trân quý của những đội quân tình nguyện; về tình quân dân, sự thơm thảo sẻ chia của đồng bào cả nước, cùng nương tựa, dìu nhau đi qua mùa dịch… Và những khó khăn của năm 2021 cũng là thuốc thử cho sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, bởi qua khó khăn của dịch bệnh càng nhận thấy rõ hơn chủ trương 'Không để ai bị bỏ lại phía sau' không phải là khẩu hiệu.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã làm tất cả vì sự an toàn của nhân dân; sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết. Từ quyết tâm “Chống dịch như chống giặc”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đến chiến dịch vắc xin, chủ trương chuyển đổi trạng thái thích ứng an toàn, sống chung với Covid-19.
Việt Nam từ một nước có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 thấp, với quyết tâm cao độ, cùng chính sách ngoại giao vắc xin được các đồng chí lãnh đạo cấp cao triển khai quyết liệt, đến nay nước ta có độ phủ vắc xin cao nhất và tốc độ tiêm chủng nhanh nhất (theo Bộ Y tế tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên ở nước ta đạt 98,8%, tỷ lệ tiêm đủ 2 liều đạt 88,5%). Tất cả đã củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công cuộc chống dịch của nước ta.
Nhìn lại một năm đầy những biến động, khó khăn, để chúng ta tự tin bước vào năm 2022 với tinh thần lạc quan và quyết tâm chính trị cao nhất thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Nói là tự tin bởi năm 2021 dù có nhiều thách thức nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý IV năm 2021 ước tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính GDP năm 2021 tăng 2,58%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,28%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,36%...
Và trong khó khăn của dịch bệnh cũng mở ra cho chúng ta những cơ hội, và quyết tâm thay đổi tư duy để thích ứng với điều kiện “bình thường mới”, trong đó đặc biệt là chủ trương chuyển đổi số quốc gia, đây là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh đối diện với “thách thức kép”, vừa chống dịch Covid-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, Tiền Giang đã nỗ lực, khắc phục khó khăn, cả hệ thống chính trị vào cuộc và đã kiểm soát tốt dịch bệnh, song hành với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội. Cuối năm nhìn lại, dù còn đó nhiều khó khăn, nhưng bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021 vẫn có những điểm sáng, nổi bật so cùng kỳ, như: Kim ngạch xuất khẩu thực hiện 3,1 tỷ USD, tăng 1,8%, đứng thứ 2 trong các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5,2%; sản lượng lương thực có hạt tăng 2,2%; cây lâu năm và cây ăn trái, sản lượng thu hoạch tăng 6,3%.
Tỷ lệ học sinh huy động so với dân số trong độ tuổi ở các bậc học đạt 100% kế hoạch; có 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế... Đặc biệt, tỉnh đã tập trung giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao trong cả nước, góp phần bù lại những ngành bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19; trong tổng số 6.700 doanh nghiệp, hiện đã có hơn 96,5% doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Khép lại một năm 2021 đầy khó khăn, Tiền Giang nhìn về tương lai với tinh thần lạc quan, bước vào năm 2022 với thái độ tự tin do tỉnh nhà vẫn còn nhiều dư địa cho phát triển dựa trên nền tảng từ những định hướng phát triển cho cả nhiệm kỳ, từ những dự án trọng điểm đã tính toán triển khai từ trước như: Dự án Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền) với tổng mức đầu tư 3.263 tỷ đồng, sẽ tạo động lực thúc đẩy mạnh liên kết giữa tỉnh Tiền Giang với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua việc kết nối với Quốc lộ 30 đi các tỉnh Đồng Tháp, An Giang; Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 (giai đoạn 1); Dự án Khu công nghiệp (KCN) Tân Phước 1 với tổng mức đầu tư dự kiến 5.600 tỷ đồng và Dự án KCN Tân Phước 2 với tổng mức đầu tư dự kiến 3.600 tỷ đồng, nhằm phát triển công nghiệp vùng Đông Nam Tân Phước theo đúng quy hoạch.
Dự án Đường Hùng Vương nối dài và khu dân cư 2 bên đường với tổng mức đầu tư dự kiến 11.095 tỷ đồng, kết nối vùng trung tâm TP. Mỹ Tho với Quốc lộ 1 và đường cao tốc tạo thành hệ thống giao thông thông suốt, gắn với phát triển các khu đô thị theo đúng quy hoạch được duyệt, tạo động lực phát triển cho TP. Mỹ Tho và các huyện lân cận (Chợ Gạo, Châu Thành). Dự án KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp với tổng mức đầu tư dự kiến 4.200 tỷ đồng...
Tất cả sẽ được triển khai trong năm 2022, tạo tiền đề cho Tiền Giang thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, góp phần đưa tỉnh nhà vươn lên khởi sắc trong tương lai.
Năm 2021 với nhiều biến động, cả thế giới lung lay chao đảo vì đại dịch Covid-19. Nhưng với Việt Nam qua đó đã củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ đúng với quan điểm “dân là gốc”, lấy nhân dân làm trung tâm trong mọi quyết sách của công cuộc phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch. Từ niềm tin ấy chúng ta tin tưởng rằng Việt Nam sẽ thích ứng an toàn với dịch Covid-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022, tạo tiền đề cho việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Khép lại năm 2021 nhiều đau buồn, lạc quan chào đón năm 2022 với niềm tin và kỳ vọng.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/su-kien-binh-luan/202112/tu-tin-chao-don-nam-2022-941605/