Tự tin chinh phục những đỉnh cao mới
Ngành Thể thao Hà Nội đã có một năm 2019 bận rộn và rất thành công, khẳng định được vị thế trong nền thể thao nước nhà và tự tin chinh phục những đỉnh cao mới. Trong ngày đầu năm 2020 này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động đã trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới về hành trình của ngành Thể dục, thể thao thành phố trong năm 2019 và những nhiệm vụ của thời gian tới.
Cung thủ Lộc Thị Đào - một trong những vận động viên tiêu biểu của Hà Nội, đã giành 3 Huy chương vàng tại SEA Games 30.
- Trước tiên xin ông cho biết những điểm nhấn nổi bật của thể thao quần chúng của Hà Nội trong năm 2019?
- Trong năm 2019, thể thao quần chúng Hà Nội tiếp tục phát triển ổn định, trong đó nổi bật là mức độ xã hội hóa các sự kiện thể thao trên địa bàn đã tăng đáng kể. Nhờ đó, Hà Nội tổ chức an toàn, hiệu quả nhiều giải thi đấu vừa thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục, thể thao, vừa góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô như: Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội, Giải chạy Báo Hànôịmới mở rộng - Vì hòa bình…
Đặc biệt, Giải marathon quốc tế Di sản Hà Nội năm 2019 đã gây tiếng vang, thu hút tới 7.000 người, trong đó có 1.500 vận động viên quốc tế đến từ 54 quốc gia trở thành điểm nhấn của thể thao phong trào Thủ đô cũng như cả nước.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 5-9-2019 về “Đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục, thể thao thành phố Hà Nội đến năm 2025” và Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 5-9-2019 về “Phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025”, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới.
- Vậy, ông đánh giá thế nào về thể thao thành tích cao của Hà Nội năm qua?
- Tiếp theo đà thành công từ việc giành Huy chương vàng ASIAD và ngôi Nhất toàn đoàn tại Đại hội Thể thao toàn quốc trong năm 2018, Hà Nội đã có một năm 2019 thành công rực rỡ. Tại SEA Games 30-2019, thể thao Hà Nội đã phát huy rất tốt vai trò đơn vị chủ lực, đóng góp tới 186 thành viên, trong đó có 140 vận động viên, chiếm 24,65% tổng số vận động viên của Đoàn thể thao Việt Nam.
Hà Nội cũng là địa phương đóng góp nhiều nhất về tổng số huy chương và số Huy chương vàng cho Đoàn thể thao Việt Nam, với 87 huy chương các loại, trong đó có 34 Huy chương vàng, 27 Huy chương bạc, 26 Huy chương đồng. Riêng số Huy chương vàng của thể thao Hà Nội bằng 34,69% tổng số Huy chương vàng của Đoàn thể thao Việt Nam. Nhiều môn của Hà Nội nằm trong hệ thống thi đấu Olympic như vật, bóng đá, điền kinh, kiếm quốc tế, thể dục dụng cụ, bóng bàn, bắn cung, karatedo đều giành Huy chương vàng.
Một điều rất vui và tự hào, trong hai trận chung kết bóng đá nam, nữ ở SEA Games 30, các bàn thắng của cả hai đội tuyển bóng đá nam U22 và đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đều được ghi bởi các cầu thủ Hà Nội. Thành tích của thể thao Hà Nội tại SEA Games 30, được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2019 - Đó là sự ghi nhận đáng tự hào đối với thể thao Thủ đô.
Cũng trong năm 2019, thể thao Hà Nội đã đóng góp 1 vé dự Olympic 2020 cho thể thao Việt Nam. Ngoài ra, các vận động viên của Hà Nội còn giành nhiều tấm Huy chương vàng thế giới, châu lục ở những môn: Bắn cung, taekwondo, karatedo, wushu, pencak silat, muay, bi sắt… và tấm Huy chương đồng thế giới lịch sử của võ sĩ boxing Nguyễn Thị Hương.
Còn tại các giải quốc gia, nhiều môn thể thao trong hệ thống thi đấu Olympic của Hà Nội luôn nằm trong nhóm đầu như điền kinh, kiếm quốc tế, karatedo, taekwondo, thể dục dụng cụ, bắn cung, cử tạ, xe đạp, pencak silat... Đặc biệt, sự kiện thành phố Hà Nội nhận Cờ đăng cai SEA Games 31 năm 2021 chính thức đánh dấu việc đăng cai đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân giúp thể thao Hà Nội thành công như vậy?
- Trước tiên phải khẳng định rằng, thành công hôm nay bắt nguồn từ nền tảng mà các thế hệ trước đã tạo nên. Tiếp đến là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội và sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, các cấp của thành phố để ngành Thể dục, thể thao Thủ đô được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Cùng với đó là sự tận tâm của tập thể cán bộ ngành Văn hóa - Thể thao, bên cạnh tài năng, ý chí và quyết tâm vượt qua chính mình của các huấn luyện viên, vận động viên...
Đặc biệt, cơ chế trọng dụng nhân tài của thành phố như chế độ khen thưởng, cơ chế xét tuyển viên chức không qua thi tuyển đối với những huấn luyện viên, vận động viên có thành tích đặc biệt xuất sắc được thực hiện đều đặn trong thời gian qua đã tạo động lực đáng kể cho các vận động viên Hà Nội thi đấu thành công tại SEA Games 30 cũng như các giải đấu khác.
- Thời gian tới, nhiệm vụ của thể thao Hà Nội như thế nào, thưa ông?
- Ngay trong năm 2020, thể thao Hà Nội phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Với thể thao phong trào, tiếp tục nâng cao mức độ xã hội hóa các hoạt động thể thao, phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo để đạt kết quả tốt nhất tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ 10…
Còn trong lĩnh vực thể thao thành tích cao, tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu giành từ 3 đến 5 vé tham dự Olympic 2020; rà soát lực lượng để chuẩn bị cho tổ chức và thi đấu thành công tại SEA Games 31 vào năm 2021 tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác; tham gia tổ chức Giải đua xe Công thức 1 - giải đua xe đẳng cấp nhất thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam…
Đặc biệt, ngày 30-10-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 234/KH-UBND về việc “Đào tạo lực lượng vận động viên, huấn luyện viên thành tích cao thể thao trọng điểm thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2021”. Đây là điều kiện thuận lợi để thể thao thành tích cao Hà Nội thực hiện các mục tiêu trong giai đoạn tới.
Vì thế, việc triển khai, thực hiện Kế hoạch này cần phải được thực hiện khẩn trương, bài bản. Ngoài ra, cần sự nỗ lực, cố gắng của các nhà quản lý, huấn luyện viên, vận động viên ngành Thể dục, thể thao Hà Nội.
Tôi tin rằng, thành công trong năm 2019 sẽ tiếp thêm động lực để thể thao Hà Nội hoàn thành những mục tiêu trong năm 2020, xứng đáng vị thế trung tâm thể thao hàng đầu của cả nước cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô.
- Trân trọng cảm ơn ông!