Tự tin 'khoe' năng lực, Nga 'minh oan' cho Trung Quốc; Bắc Kinh khẳng định ủng hộ một điều liên quan xung đột ở Ukraine
Ngày 2/3, Đại sứ Nga tại Anh Andrey Kelin bác bỏ các cáo buộc rằng, Trung Quốc tăng cường hoặc đang lên kế hoạch mở rộng viện trợ quân sự cho Moscow.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Jazeera, Đại sứ Nga cho hay: "Trung Quốc chính thức tuyên bố họ không cung cấp bất kỳ hỗ trợ quân sự nào cho chúng tôi. Theo như tôi biết, họ không làm như vậy… và không có bằng chứng nào cho thấy chúng tôi nhận được vũ khí từ Trung Quốc".
Theo nhà ngoại giao Nga, Moscow sở hữu một ngành công nghiệp quốc phòng phát triển vượt trội và không cần bất kỳ nguồn cung vũ khí nào từ các quốc gia khác.
Trước đó, phương Tây liên tục cảnh báo khả năng Trung Quốc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga để sử dụng ở Ukraine.
Tuy nhiên, cùng ngày, Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, Washington nhận định, Trung Quốc chưa đưa ra quyết định về khả năng cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga.
Trong diễn biến khác, cũng trong ngày 2/3, bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, những người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc và Nga đã gặp mặt.
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương nói với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng, Bắc Kinh sẽ duy tri liên lạc và phối hợp với Moscow ở tất cả các cấp.
Một tuyên bố do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng tải nói rõ, liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ông Tần Cương khẳng định, Bắc Kinh ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình và sẵn sàng đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này.
Trước đó, ngày 24/2, Trung Quốc đã đề xuất giải pháp chính trị gồm 12 điểm đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, trong đó kêu gọi các bên ngừng bắn và nối lại đàm phán hòa bình.
Đề xuất của Bắc Kinh nêu rõ, các bên liên quan cần tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế đã được công nhận cũng như nên ủng hộ Nga-Ukraine nối lại đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt nhằm hạ nhiệt tình hình và cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diên.
Quốc gia Đông Bắc Á cũng cho rằng, cần khuyến khích và hỗ trợ tất cả các biện pháp có lợi nhằm giảm bớt mức độ khủng hoảng nhân đạo do cuộc xung đột này gây ra.
Ngoài ra, đề xuất của Trung Quốc còn đề cập các vấn đề như bảo vệ dân thường, bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân, giảm rủi ro chiến lược, thúc đẩy xuất khẩu ngũ cốc, chấm dứt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau, đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định và thúc đẩy phục hồi sau xung đột.