Từ Trung Quốc: Phương Tây khó chống COVID-19 như chúng ta!
Từ Trung Quốc: Việc châu Âu trở thành tâm dịch mới khiến chúng tôi bất an.
Tình hình dịch ở Trung Quốc những ngày qua giảm và ổn định dần, trong khi đó COVID-19 ở các nước phương Tây ngày càng bùng phát mạnh hơn.
Tâm dịch dần bình thường, nơi bình thường thành tâm dịch mới
Từ cuối tuần rồi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố xem châu Âu là tâm dịch mới của đại dịch COVID-19, chứ không còn là Trung Quốc – nơi dịch xuất hiện đầu tiên.
Con số tử vong và nhiễm ở các nước phương Tây liên tục tăng chóng mặt mỗi ngày. Ý hiện đã có 1.809 người chết và 24.747 người nhiễm COVID-19, chiếm 55% số ca tử vong và 30% số ca bệnh ngoài Trung Quốc. Đáng chú ý số ca tử vong và nhiễm mới ở Ý ngày 15-3 cao mức kỷ lục từ đầu dịch đến giờ: 368 người chết, 3.590 ca nhiễm.
Tây Ban Nha có tới hơn 100 người chết trong ngày 15-3, đưa tổng số ca tử vong lên tới 288 người. Nước này cũng có tới khoảng 2.000 ca nhiễm mới trong ngày 15-3, với tổng số ca nhiễm hiện là 7.753.
Pháp thì đang có tới 127 người chết trong đó tới 36 người chết trong ngày 15-3, cùng 5.423 ca nhiễm. Anh cũng đang vật lộn với 35 người chết tính tới hết ngày 15-3, cùng 1.273 ca nhiễm. Tại Mỹ, số người chết đã là 62, gần 3.000 ca nhiễm.
Trong khi đó tại Trung Quốc gần 2 tuần qua số ca tử vong, nhiễm mới liên tục giảm. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết nước này có 14 người chết và 16 ca nhiễm mới trong ngày 15-3, khá khiêm tốn so với các con số ở phương Tây. Về tổng cộng Trung Quốc hiện có 3.213 người chết, 80.860 ca nhiễm tính đến hết ngày 15-3. Mỗi ngày Trung Quốc có hơn 1.000 người khỏi bệnh và xuất viện.
Hiện tại Trung Quốc đang chuyển sự tập trung của mình từ ngăn chặn nhiễm nội địa sang ngăn chặn nhiễm nhập cảnh. Bắc Kinh ngày 15-3 đã ra quy định buộc mọi người đến đây từ nước khác phải chịu cách ly 14 ngày.
Trong bối cảnh này, từ Trung Quốc xuất hiện nhiều thông điệp rằng các nước phương Tây đã quá chậm trong phản ứng và không nỗ lực đủ để kiềm chế đại dịch.
Ngày 14-3 đài CGTN (Trung Quốc) viết trên tài khoản We Chat của mình rằng một số nước không nhận thức đủ về mức độ nghiêm trọng của dịch và các nỗ lực toàn cầu vẫn chưa đồng bộ.
CGTN nói các đội chuyên gia y tế Trung Quốc đã đưa nhiều thông tin về chẩn đoán và điều trị lên các ấn phẩm toàn cầu nhưng “chúng không được chú ý đúng mức”. CGTN dẫn lời chuyên gia y tế Qiu Haobo tại bệnh viện Zhongda ở Nam Kinh rằng có thể các nước nên học bài học của Trung Quốc.
Phương Tây khó làm được như Trung Quốc
Tại Trung Quốc cũng có nhiều ý kiến công khai chỉ trích về sự chuẩn bị của phương Tây. Giáo sư chính trị Gu Su tại đại học Nam Kinh cho rằng nếu phương Tây để tâm đến các nỗ lực chưa có tiền lệ của Trung Quốc trong kiềm chế dịch 50 ngày qua thì các nước này đã báo động hơn và chuẩn bị tốt hơn.
Ông Gu nói Trung Quốc đang cố gắng xuất khẩu kinh nghiệm và hiểu biết của mình trong chống dịch COVID-19 ra bên ngoài. Và theo ông Gu, các nước phương Tây hiểu Trung Quốc có kinh nghiệm để họ học hỏi, nhưng vấn đề là họ có thể làm được những điều đó không.
“Hệ thống phương tây khác với chúng ta, và họ không thể sao chép hoàn toàn điều chúng ta đã làm” – theo ông Gu.
Ông Zhang Wenhong – Giám đốc Khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Huashan Thượng Hải có liên kết với đại học Phúc Đán nhận định Trung Quốc đang có rủi ro lớn với tình trạng nhiễm nhập cảnh, và đại dịch sẽ chưa kết thúc vào mùa hè.
“Chúng tôi đã nghĩ thế giới sẽ kiểm soát đồng bộ với các biện pháp đã được thực hiện ở Trung Quốc và cả theo cách Singapore, Nhật, Hàn Quốc đã làm. Nhưng châu Âu đã trở thành tâm dịch mới và khiến chúng tôi bất an” – ông Zhang viết trên tài khoản mạng xã hội của bệnh viện Huashan Thượng Hải ngày 15-3.
Vài ngày trước tại Anh có ý kiến đề cập đến chiến lược “lây nhiễm cộng đồng”. Ý kiến này cho rằng đóng cửa, phong tỏa hàng loạt không thể ngăn chặn được dịch, mà nên để lây nhiễm ra một lượng lớn dân số để tạo miễn dịch và hạn chế lây nhiễm trong tương lai.
Thụy Điển thì nói sẽ không đóng cửa trường học và chỉ hạn chế xét nghiệm virus ở nhóm người có triệu chứng bệnh và người già thôi.
Ông Hu Xijin – Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu chỉ trích các động thái này của Anh và Thụy Điển giống như từ bỏ nỗ lực chống COVID-19, một hành xử tội ác. Theo ông Hu, chiến lược “lây nhiễm cộng đồng” sẽ tạo “một cái hố to” trong các nỗ lực kiềm chế dịch của toàn cầu, buộc Trung Quốc phải quay lại cuộc chiến chống dịch.
Tuy nhiên về chính thức thì chính phủ Trung Quốc tới lúc này vẫn kiềm chế chỉ trích trực tiếp phương Tây. Thay vào đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói các nỗ lực của nước này trong 2 tháng qua đã câu được thời gian cho thế giới chuẩn bị, và lúc này toàn cầu cần hợp tác để kiềm chế chống dịch và phát triển vaccine ngừa.
Phần mình WHO vẫn nói các nước nên tiếp tục các nỗ lực kiềm dịch và hợp tác với nhau để tìm giải pháp, thay vì cố gắng đổ lỗi cho nhau.