Tự truyện của Dừa Điếc

Minh họa: KT

Minh họa: KT

Cú chạm đất đầu tiên làm Dừa Điếc đau điếng. Nó co mình lăn long lóc rồi dừng lại trước nhà Kiến Vàng. Xém chút nữa thôi, Kiến Vàng đã phải chịu cảnh màn trời chiếu đất. Chưa kịp định hình và thôi bớt cơn đau, Dừa Điếc đã phải nghe thêm nhiều tiếng quở trách của Kiến Vàng.

Ở xóm Bờ Dừa này, ai còn lạ gì với tính nết khó khăn, chi li của Kiến Vàng. Từ hồi còn ở trên cây, Dừa Điếc đã thấy Kiến Vàng tranh chấp ranh đất với hàng xóm, đay nghiến với cô Mưa hay càm ràm với đồng loại. Thật khó để chung sống hòa thuận với Kiến Vàng, hàng xóm thường bảo vậy.

Dừa mẹ đặt tay lên miệng làm loa, nhướng mắt về phía Dừa Điếc.

- Con có sao không Út?

Dừa Điếc mếu máo ngước nhìn bà mẹ cao lớn, hiên ngang vươn vai giữa bầu trời thẳm xanh. Khoảng trời đó, Dừa Điếc sẽ không bao giờ được nhìn thấy lại trong đời.

- Con không sao mẹ ạ! - Dừa Điếc buồn bã đáp lời.

Dừa Điếc cố ngăn những giọt nước mắt chực chờ rơi xuống, cảm giác sắp sửa thành thứ vô dụng cứ thắp lên trong lòng nó. Mỗi lần nhìn các anh chị lần lượt rơi xuống trong niềm hân hoan của chủ vườn làm Dừa Điếc cảm thấy tủi thân.

Các anh chị đã phải nhường nhịn nhau từ chút một, co ro trong khoảng không gian chật hẹp để cùng nhau lớn lên. Nhưng dù Dừa Điếc ăn bao nhiêu cũng mãi èo uột, xanh xao.

Lão Chuột thường đứng trong nhà ngấp nghé nói vọng ra khi Dừa Điếc chỉ bằng trái bình bát xanh bóng.

- Chị thả tay xuống, tôi leo lên cắn đứt cái đứa còi cọc đó cho.

Dừa mẹ vung tay nhờ anh Gió quất vào người lão Chuột gian manh những trận đòn tới tấp. Nhớ có lần, chị Dừa Xiêm đã khóc đến cạn nước mắt nhìn những đứa con xấu số lần lượt rời xa, vì lỡ tin lời lão Chuột. Dừa Điếc nằm chắn ngay cửa nhà Kiến Vàng như một ngọn núi sừng sững, khiến giao thông trở nên ách tắc, cả họ nhà Kiến gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Kiến Vàng chắp tay sau đít đi tới đi lui chửi đổng, làm cho không khí trở nên ngột ngạt thêm. Đội cứu hộ Bọ Ngựa phải làm việc liên tục suốt nhiều giờ mới mở được lối thoát hiểm.

Cả họ nhà Kiến và đội cứu hộ Bọ Ngựa tìm đủ mọi phương án di dời nhưng với nhân lực và các thiết bị hiện có, không thể nào xoay chuyển được “khối vô tích sự”. Cả họ nhà Kiến thống nhất mở một cửa mới lui một chút về hướng Đông Nam.

*

Kiến Vàng thôi càm ràm với phương án “sống chung với Dừa Điếc”, khi một bữa đứng trong nhà, nhìn đám con cháu chơi cầu trượt, trốn tìm quanh Dừa Điếc. Những tiếng nói, cười làm cho xóm Bờ Dừa trở nên rộn ràng.

Nhờ Dừa Điếc mà nắng đã thôi gay gắt, rọi thẳng vào nhà Kiến Vàng. Họ nhà Kiến phải đi vòng thêm một đoạn khá xa mới đến được nông trường làm việc nhưng ai nấy cũng vui vẻ chấp nhận. Dần dà, Dừa Điếc cũng quên đi nỗi buồn và sống chan hòa với xóm Bờ Dừa yên bình.

Cư dân trong xóm mỗi lần đi ngang nhà Kiến Vàng đều ghé lại nghỉ chân dưới bóng mát của Dừa Điếc. Họ mang đến những câu chuyện mới ở một xứ sở xa xôi nào đó. Có lần, Dừa Điếc còn nghe nói ở xứ Mây Thong Dong, người ta “thổi hồn” vào dừa điếc, biến chúng thành những món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo. Nghe đoạn đó, Dừa Điếc bỗng xúc động trong lòng. Bởi những người bạn của nó đã có thêm một cuộc đời khác.

*

Những tiếng “lịch bịch” vang động xóm Bờ Dừa như một cuộc vượt thoát của số phận. Lẫn trong tiếng nói cười rôm rả của Mù U, Xoài Cát và Cà Na khi lần đầu chạm đất là tiếng thút thít của những bạn dừa mãi mãi không được đâm chồi. Dừa Điếc ngưng chơi với họ nhà Kiến, nó cất cao giọng nói:

- Bạn Dừa Xiêm đừng buồn! Tôi cũng giống như bạn!

Dừa Điếc lại kể cho các bạn nghe câu chuyện ở xứ Mây Thong Dong, về niềm vui bất tận khi giữ cửa cho họ nhà Kiến, rằng không có ai là người vô dụng.

Ngoài bờ sông, những cô bé, cậu bé í ới gọi nhau tắm sông. Dân cư xóm Bờ Dừa như cũng vui lây với buổi chiều nhộn nhịp. Bỗng một cậu bé vội chạy đến xóm Bờ Dừa, hí hửng ôm chầm lấy hai trái Dừa Xiêm reo lên:

- Con nhặt được hai trái dừa điếc rồi!

Niềm vui của cậu làm cho xóm Bờ Dừa ngơ ngác, riêng chỉ có bác Sóc Nâu là tỏ ra thông thái. Bác nói những trái dừa điếc là món quà dành cho đám trẻ con. Chúng sẽ nhờ người lớn đóng hai trái dừa điếc với nhau làm phao nổi để tập bơi.

Dừa Điếc nghiêng mắt nhìn về phía sông, nó bắt đầu mường tượng ra nụ cười của Dừa Xiêm. Nghĩ, Dừa Xiêm sẽ được vẫy vùng dưới dòng sông xanh mát, được bơi trong miền tuổi thơ của các bạn nhỏ.

Cơn mưa chiều lất phất về ngang xóm Bờ Dừa, những cư dân bé nhỏ đứng nép vào người Dừa Điếc trú mưa. Lúc đó, Dừa Điếc không còn cảm thấy cơn mưa ngoài kia làm nó lạnh nữa. Một ý nghĩ hiện ra trong đầu, rằng nó phải viết một quyển tự truyện về cuộc đời mình, về những trái dừa điếc không bao giờ vô dụng.

Dừa Điếc bắt đầu viết tự truyện của mình bằng những dòng: “Năm Dừa Điếc thứ nhất, tại xóm Bờ Dừa...”.

Nguyễn Chí Ngoan

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tu-truyen-cua-dua-diec-a182441.html