Tư tưởng Các Mác sống mãi
Giữa thế kỷ XIX, dưới ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, nhân loại cần xuất hiện những con người có khả năng làm sáng tỏ quy luật của lịch sử, hướng dẫn việc giải thích, cải tạo thế giới và giải phóng loài người. Con người đó - Các Mác (Karl Heinrich Marx, sinh ngày 5-5-1818 tại Trier, Vương quốc Phổ, nay là Cộng hòa Liên bang Đức, mất ngày 14-3-1883) - đã xuất hiện đúng lúc, đúng yêu cầu của lịch sử với những tư tưởng đúng. Vì thế, tư tưởng Các Mác còn sống mãi.
1. Bằng sự miệt mài nghiên cứu lý luận gắn với hoạt động thực tiễn, kết hợp với kiến thức phong phú của nhân loại và kinh nghiệm đấu tranh của giai cấp công nhân, Mác đã đem đến cho nhân loại những nhận thức mới, sau này gọi là chủ nghĩa Mác. Lênin nói, điều cơ bản trong học thuyết của Mác là học thuyết ấy đã làm sáng tỏ vai trò lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản, là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Mác có hai phát hiện vĩ đại là chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử và giá trị thặng dư.
Triết học Mác cho ta nhận thức sáng tạo về quá trình hình thành và phát triển của sự vật, nhất là quá trình tiến hóa của lịch sử loài người. Trong đó, chủ nghĩa xã hội ra đời vừa phủ định chủ nghĩa tư bản vừa kế thừa những thành quả của chủ nghĩa tư bản. Những ý kiến về cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ nổ ra ở những nước tư bản phát triển nhất và thời kỳ quá độ là sự chuyển tiếp từ chủ nghĩa tư bản đã chín muồi lên chủ nghĩa xã hội đã được Ăngghen hoạt động cuối thế kỷ XIX điều chỉnh với phát hiện mới về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thời kỳ "đau đẻ" kéo dài, không thể tùy tiện đốt cháy các giai đoạn lịch sử, nhưng có thể làm cho thời kỳ quá độ rút ngắn và xã hội giảm những cơn đau trên cơ sở xử lý các hình thức quá độ là vấn đề khó khăn nhất.
Đầu thế kỷ XX, trong điều kiện chủ nghĩa tư bản độc quyền, Lênin bổ sung, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của Mác, Ăngghen đưa đến thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Luận điểm xuyên suốt từ Mác, Ăngghen đến Lênin và sau Cách mạng Tháng Mười là Đại hội II của Quốc tế Cộng sản năm 1920 là các dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội sẽ mang lại những đặc điểm riêng về loại hình chuyên chính, về hình thức dân chủ và về nhịp độ cải tạo xã hội; các nước lạc hậu có thể bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Mác, Ăngghen, Lênin không thể vượt qua sự hạn chế của lịch sử, nhất là do các ông hoạt động cách mạng ở châu Âu và khi chủ nghĩa đế quốc “làm mưa làm gió”, khiến bản đồ thế giới “biến dạng”, đẩy ba phần tư loài người ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh vào cảnh bị đè nén, áp bức, không thể sống được.
2. Vào đầu những năm 20 của thế kỷ XX, lịch sử cần xuất hiện những con người đủ trí tuệ, bản lĩnh và ý chí cách mạng làm bừng tỉnh và sự vươn lên của các dân tộc bị áp bức đang rên xiết dưới sự nô dịch của chủ nghĩa thực dân, vùng lên đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Con người đó đã xuất hiện, đó là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh nồng nhiệt hưởng ứng lời kêu gọi của Mác và Lênin, đưa chủ nghĩa xã hội khoa học về cho dân tộc Việt Nam, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức. Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân và phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đưa dân ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và dân tộc khẳng định quyết tâm xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”.
Qua hơn 30 năm đổi mới, với đổi mới tư duy về chủ nghĩa xã hội, “chúng ta đã tạo ra một xã hội xã hội chủ nghĩa theo đặc điểm Việt Nam, mang đậm dấu ấn của thiên tài và cốt cách dân tộc, trong mục tiêu và động lực, trong con đường, bước đi và cách làm” như cách nói của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chúng ta nhận thức đổi mới là yêu cầu, đòi hỏi của dân tộc, xu thế của thế giới, bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc tính của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh của Đảng đã chỉ rõ những đặc trưng, mục tiêu, phương hướng, nguyên tắc cơ bản chỉ đạo toàn bộ công cuộc đổi mới.
Những nội dung đó chứa đựng tinh thần của Mác, con đường xã hội chủ nghĩa, sự lãnh đạo của Đảng, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, chính là phần tinh túy của di sản Hồ Chí Minh… Điều đó chứng tỏ rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là một tài sản vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi, đồng thời cũng khẳng định sự trung thành của Đảng và dân tộc với di sản của Người.
Kết quả cuối cùng của công cuộc đổi mới là chúng ta có một xã hội xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Theo Mác, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện của sự phát triển tự do của tất cả mọi người” và theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; về mong muốn “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, chúng ta phải tập trung thực hiện chiến lược con người, để xây dựng một chế độ xã hội thực sự của con người, do con người và vì con người, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Chủ nghĩa xã hội theo đặc điểm Việt Nam - như lý giải của đồng chí Phạm Văn Đồng - là sự kết thúc thắng lợi hành trình lịch sử của dân tộc mà Hồ Chí Minh, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin - đã vạch ra từ đầu thế kỷ, là sự thực hiện trọn vẹn Di chúc của Người, là đỉnh cao của sự nghiệp cách mạng ba cuộc giải phóng của Việt Nam, từ đó chân trời càng mở rộng cho đà tiến cao xa hơn nữa, trên con đường phát triển vô hạn của dân tộc, xã hội và con người.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/933992/tu-tuong-cac-mac-song-mai