Tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý doanh nghiệp
Trong tư tưởng của Người, quản lý xí nghiệp không chỉ là lên kế hoạch, giám sát việc thực hiện kế hoạch, mà còn phải hướng tới mục tiêu bao trùm hơn: Sử dụng có hiệu quả nguồn lực tổng hợp trong thực hiện kế hoạch.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác quản lý xí nghiệp (nay gọi là doanh nghiệp). Ngày 8/10/1958, với bút danh Trần Lực, Người viết bài “Cải tiến quản lý xí nghiệp”, đăng trên báo Nhân dân, trong đó nhấn mạnh: “Đảng phải ra sức phát triển và phát triển mạnh kinh tế của ta. Muốn vậy, thì về công nghiệp, các xí nghiệp của Nhà nước (tức là của toàn dân) cần phải cải tiến chế độ quản lý”.
Trong tư tưởng của Người, quản lý xí nghiệp không chỉ là lên kế hoạch, giám sát việc thực hiện kế hoạch, mà còn phải hướng tới mục tiêu bao trùm hơn: Sử dụng có hiệu quả nguồn lực tổng hợp trong thực hiện kế hoạch. Nguồn lực tổng hợp ấy là con người, vật tư, tài chính. Trong đó, nguồn lực con người được Bác đặc biệt quan tâm.
Vì vậy, trong gần 700 cuộc đến thăm các nhà máy, xí nghiệp, công trường, Bác không lên phòng giám đốc mà trước tiên xuống thẳng nhà bếp, nhà vệ sinh, để xem doanh nghiệp chăm lo nguồn lực con người thế nào. Khi hỏi chuyện công nhân ở phân xưởng, bao giờ Bác cũng gợi chuyện đời sống, chuyện học văn hóa, chuyện trau dồi kỹ năng làm việc của người lao động.
Ngày 28/4/1964, trong chuyến thăm Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, tới phân xưởng Cơ khí - Đột dập, thấy trên tường nhà có câu khẩu hiệu “Học - Học nữa - Học mãi” viết bằng tiếng nước ngoài, Bác khen: “Thanh niên chịu khó học tập để thêm hiểu biết là điều rất quí”. Tới phân xưởng Thủy tinh Bác hỏi thợ thổi: “Các chú được đào tạo nghề ở đâu? - Dạ thưa Bác, chúng cháu được đào tạo tại Nhà máy ạ. - Bác khen: Thế thì các chú làm việc giỏi đấy!”.
Bác còn dặn: “Tổ chức chính quyền cần có kế hoạch, biện pháp sát đúng. Tổ chức thật tốt bộ máy quản lý, đội ngũ những người làm công tác khoa học kỹ thuật, nhằm tăng năng suất lao động, chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, thực hành tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân”.
Với nguồn lực vật tư, Người nhiều lần căn dặn, nếu cái gì thiếu không biết, cái gì thừa không hay, công việc sẽ bị bế tắc, nên phải tăng cường và củng cố việc quản lý sản xuất, quản lý vật tư. Người cũng nhiều lần giải thích, nước ta còn nghèo, vật tư, thiết bị dù là nước ngoài viện trợ hay của ta cũng phải dùng cho tiết kiệm, hiệu quả. Cần tìm cách sử dụng lại những nguyên liệu, vật tư thải ra trong quá trình sản xuất cho khỏi lãng phí.
Với nguồn lực tài chính, Bác thường căn dặn cán bộ lãnh đạo xí nghiệp: “Đã tích lũy được vốn, phải biết quản lý đồng vốn, phải biết sử dụng đồng tiền, phải biết tiết kiệm chi tiêu để làm tăng thêm của cải cho. Cần phải dùng nhiều phương pháp để giữ gìn cho tiền bạc của chúng ta khỏi lãng phí, bị phân tán, bị dùng vào việc ngoài công việc xây dựng cơ bản”. Bác chỉ ra phương châm: “Làm ra nhiều, chỉ dùng ít, không cần thì không chi dùng, đó là chính sách tài chính của ta”.