Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Bài 2: Đảng có vững, cách mạng mới thành công
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy.
>>> Bài 1: Đoàn kết là sức mạnh vô địch
Là người sáng lập Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo công tác xây dựng Đảng. Trong Di chúc của mình, Người căn dặn: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Xây dựng Đảng là quy luật tất yếu
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mệnh trước hết “phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, Người lại nói: "Đảng ví như cái máy phát điện, các công việc trên như những ngọn đèn, máy mạnh thì đèn sáng".
Nói về bản chất của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là đại biểu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng mang bản chất giai cấp công nhân, giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ, có đầy đủ phẩm chất và năng lực lãnh đạo thực hiện những mục tiêu cách mạng. Đảng lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành được chính quyền, trở thành Đảng cầm quyền, nhưng là quyền do nhân dân ủy nhiệm, nhân dân mới thực sự là chủ.
Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nghị quyết, bằng công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát và bằng sự đi đầu, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, đường lối, chủ trương, chính sách phải đúng đắn. Bác nhiều lần nhấn mạnh sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đã có chính sách đúng thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và nơi kiểm tra. Nếu kiểm tra được chu đáo thì công việc nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm. Đối với công tác cán bộ, Người nói: "muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém"; "cán bộ là cái gốc của mọi công việc"...
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Để hoàn thành sứ mệnh của đảng cộng sản cầm quyền, cần tập trung xây dựng Đảng trên các mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức. Quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng của Người là đảng phải thực sự "là đạo đức, là văn minh". Trong đó công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một yêu cầu tất yếu, khách quan. Bởi xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn gắn với quá trình phát triển liên tục của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đảng sống trong xã hội, là một bộ phận hợp thành cơ cấu của xã hội. Tổ chức đảng và mỗi cán bộ đảng viên ở các cấp, giữ các chức vụ đều chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường, các quan hệ xã hội, cả cái tốt và cái xấu, cái tích cực, tiến bộ và cái tiêu cực, lạc hậu. Do đó, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện. Đảng phải thường xuyên chú ý đến việc chỉnh đốn Đảng. Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nhu cầu tự hoàn thiện, nhu cầu tự làm trong sạch nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên.
Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng lãnh đạo nhân dân thông qua hệ thống chính quyền, Mặt trận Dân tộc thống nhất và các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong hệ thống chính trị thì Nhà nước là của dân, do dân và vì dân. Tất cả mọi quyền lực Nhà nước và trong xã hội đều thuộc về nhân dân. Tất cả đều vì lợi ích của nhân dân; ngoài ra, không có bất cứ một lợi ích nào khác. Nhà nước dân chủ Việt Nam không thể thiếu pháp luật và pháp luật là “bà đỡ” cho dân chủ. Dân chủ đích thực bao giờ cũng đi liền với kỷ cương, phép nước. Mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật; ngược lại, hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do, dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế. Quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là có bảo đảm và phát huy dân chủ ở trong Đảng thì mới bảo đảm được dân chủ của toàn xã hội.
Đối với xây dựng Mặt trận dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, trong việc xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam, cần chú trọng việc xây dựng Mặt trận với vai trò là liên minh chính trị tự nguyện của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội vì mục tiêu chung của sự phát triển đất nước, xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi khác của nhân dân. Mặt trận Dân tộc thống nhất đoàn kết lực lượng toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bởi “Mục đích phấn đấu của Mặt trận Dân tộc thống nhất là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Mặt trận Dân tộc thống nhất là cơ sở chính trị - xã hội của Đảng, Nhà nước ta.
Đối với các đoàn thể chính trị - xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Đoàn Thanh niên Lao động phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Công đoàn phải thật sự trở thành trường học quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và văn hóa của giai cấp công nhân nước ta. Hội Liên hiệp phụ nữ phải là lực lượng mạnh mẽ giúp Đảng động viên, tổ chức và lãnh đạo phụ nữ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hội Nông dân có nhiệm vụ “làm cho nông dân hiểu rõ quyền lợi của dân tộc và của giới mình"...
TM (tổng hợp)
(Theo tài liệu học tập chuyên đề tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
-------------
Kỳ sau:Sức sống từ thực tiễn