Tư tưởng táo bạo về con người trong tượng 'David'
Tượng 'David' chứa đựng quan niệm về con người như một thực thể kiến tạo vận mệnh của chính mình. Sự kỳ vĩ của con người được truyền tải qua kích thước khổng lồ.
Tượng David đặt trong một thành phố bội thực những kiệt tác điêu khắc, từ Cổng Thiên đường (Gates of Paradise) của Ghiberti ở mặt tiền phía đông của Nhà Rửa tội cho đến tượng Thánh George của Donatello đứng nổi bật bên ngoài Nhà thờ Orsanmichele.
Đối với người Florence, nghệ thuật không chỉ đơn thuần để trang trí mà còn có ý nghĩa phỏng chiếu các giá trị và bộc lộ những đức tính của họ. Chủ nghĩa ái quốc, đức tin và sự thịnh vượng đều được phô bày, từ một nhà thờ giáo xứ khiêm nhường với những bức bích họa ám khói cho đến những công trình dân sự vĩ đại mà hình thức huyên náo của chúng nhắc nhở công dân về quyền lực và sự hoang đường của thị quốc.
Nhưng ngay cả trong thị cảnh đông đúc này tượng David vẫn hiện lên với vẻ lớn lao. Đó không chỉ vì kích thước khổng lồ của người anh hùng, mặc dù riêng điều này cũng đã đủ ấn tượng, mà còn vì chàng dường như tuyên bố, một cách không hề nao núng, một thái độ mới đối với con người và vị trí của họ trong vũ trụ.
Từ thời cổ đại cho đến nay chưa có người nghệ sĩ nào đưa ra quan niệm về một hình tượng táo bạo, tự tin vào năng lực bản thân, thật quả quyết về số phận của mình, và thỏa mãn với chính mình như thế.
Michelangelo bóc trần người anh hùng của ông (theo nghĩa đen) tới mức phơi bày bản chất. David không cần các vũ khí chiến tranh thông thường; chàng được trang bị một tinh thần chính nghĩa và thế là đủ. Ngay cả ná bắn đá của chàng cũng hầu như không đáng chú ý, và chắc chắn không phải là vũ khí để hạ gục một tên khổng lồ - trừ khi, và quả thực, đã được thúc đẩy bằng một sức mạnh của thần thánh hơn là của con người.
Cứ như David chuẩn bị đối đầu với kẻ thù của chàng chỉ bằng sức mạnh của ý chí, một quyết tâm được nhận ra trong cái khẽ nhíu mày khi chàng liếc qua vai trái để đáp trả bước đi nặng nề của kẻ thù đang đến gần.
Ở đây lần đầu tiên, và trong một hình thức kỳ vĩ, "Con người mới" được tôn vinh bởi các nhà văn Phục Hưng như Pico della Mirandola. “Ôi diễm phúc cao cả và tuyệt vời nhất của con người!”, Pico viết trong một diễn văn nổi tiếng của ông. “Với anh, đó chính là được phép sở hữu thứ anh lựa chọn, được trở thành điều anh muốn”.
Giống như những cổ nhân được họ ngưỡng mộ, các nghệ sĩ và triết gia Phục Hưng đã chiêm nghiệm về loài người và nhìn thấy ở đó một tiềm năng gần như vô hạn. Anh ta không còn là một sinh vật yếu đuối, đầy tội lỗi trong hình dung thời Trung Cổ thu mình lại trước sự phán xét khắc nghiệt của một đấng Thiên Chúa kính sợ.
Anh ta tự bước trên đôi chân của mình. Chúng ta không còn phải thu mình khỏi thế giới hay tự hành hạ xác thịt, để chối từ đây đó với hy vọng một điều tốt đẹp hơn sẽ tới, mà có thể ôm trọn cuộc sống và hoan hỉ với những khả năng kỳ diệu của mình. Thời gian chúng ta có nơi trần thế không còn bị coi nhẹ chỉ như khúc dạo đầu cho sự sống bất diệt mà là một đấu trường để chứng tỏ bản thân xứng đáng với Ngài, người đã tạo nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài.
Khái niệm mới về con người được lý giải rõ ràng trong “Diễn văn” của Pico và được thể hiện trong tác phẩm David của Michelangelo khá đồng điệu với thế giới quan của người Hy Lạp và La Mã, đặc biệt ở sự tôn vinh phẩm giá bản chất của con người.
Nhưng sự khác biệt cũng sâu sắc như sự tương đồng. Pico đắm mình trong triết học, đạo đức, và văn chương cổ điển, nhưng sự tôn vinh của ông về thành tựu của loài người được lọc qua hàng nghìn năm lịch sử của đức tin Ki-tô giáo và bị bao trùm trong tư duy siêu hình học. [...]
Trong thế giới quan của Pico, ý chí tự do là chìa khóa dẫn tới phẩm giá bản chất của chúng ta, vì không có nó sẽ không tồn tại phương cách có nghĩa nào để tham dự vào sự cứu chuộc của chính mình. Sự sa ngã của loài người xuất phát từ sự bất tuân của Adam, nhưng mỗi người trong chúng ta thông qua cách ta sống cuộc đời của chính mình có thể tạo lập một hướng đi khác.
Tượng David của Michelangelo chứa đựng quan niệm trừu tượng về con người như một thực thể kiến tạo vận mệnh của chính mình. Sự kỳ vĩ của con người được truyền tải qua kích thước khổng lồ, nhưng không có một chút vụng về.
Chàng mang lấy cơ thể mình một cách dễ dàng, hoàn toàn làm chủ tứ chi ngoại cỡ. Chàng sẵn sàng cho hành động, chắc chắn rằng khi thời khắc tới chàng sẽ dễ dàng thực hiện nhiệm vụ trong tầm tay.
Chàng tấn công bằng một tư thế thoải mái, trọng lực của chàng dễ dàng chuyển sang chân phải trụ thẳng, cho phép chân trái hơi co lên, vặn mình trong một tư thế contrapposto cổ điển. Chỉ có khuôn mặt chàng thể hiện sự căng thẳng của thời khắc, nhưng dẫu vậy đó là biểu hiện của sự kiên định thay vì hoài nghi.
Tư thế của David gợi nhắc về bức tượng Apollo ở Belvedere (Apollo Belvedere), kiệt tác điêu khắc thuộc thời kỳ Hy Lạp hóa Michelangelo đã nghiên cứu trong thời gian ở Rome.
Nhưng chàng thanh niên anh hùng sở hữu một khía cạnh mà hình tượng vị thần cổ đại không có. Cả hai đều biểu lộ sự tự tin tối cao, nhưng trong khi Apollo tỏ vẻ gần như nhàm chán vì sự vượt trội của mình trước những kẻ phàm trần, David đạt được sự vĩ đại thông qua hành động, thể hiện hào quang dưới áp lực thay vì sự hoàn hảo vô tận.
Có một vẻ cảnh giác, một sự chờ đợi căng thẳng, ở bức tượng David mà không hề thấy trên kiệt tác cổ đại. Apollo gần như tỏ ra khinh thường trong vẻ đẹp vĩnh cửu của mình. Bất tử, chàng không cần phải nỗ lực vì, là một vị thần, mọi thứ chàng đều có sẵn. Chàng không cần phải tranh đoạt bất cứ thứ gì vì chàng chẳng thiếu gì cả.
David, với tất cả vẻ tự tin của mình, là một động từ, không phải một danh từ; chàng đại diện cho một trạng thái đang trở thành hơn là đang tồn tại, được xác định bởi một hành động tối cao của ý chí. Bản dạng của chàng vẫn chưa hoàn thiện mà được hun đúc trên chiến trận được dẫn dắt bởi một tinh thần quyết liệt.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tu-tuong-tao-bao-ve-con-nguoi-trong-tuong-david-post1173995.html