Tư tưởng tiến công của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên
Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam là một trong những cán bộ cao cấp có nhiều năm gắn bó với tuyến chi viện Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chính vì vậy, ông có thời gian dài được công tác, làm việc bên cạnh vị Tư lệnh Trường Sơn huyền thoại: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Theo lịch hẹn, chúng tôi tới gặp ông tại nhà riêng ở quận Đống Đa - Hà Nội. Mới vừa kết thúc chuyến công tác dài ngày nhưng chúng tôi thấy ông như khỏe ra so với lần gặp trước. Ông cười nói như giải thích: Vì được gặp lại các đồng đội năm xưa để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời thanh niên sôi nổi! Vẫn với chất giọng xứ Quảng đặc sệt và tác phong “chậm mà chắc”, vị tướng đã ở tuổi ngoài 90 sẵn sàng trò chuyện với chúng tôi hàng giờ liền.
Trong 10 năm tham gia chiến đấu ở Trường Sơn - mặt trận nóng bỏng đầy gian khổ, ác liệt và cả những hy sinh, ông đã trải qua nhiều cương vị quan trọng: Từ Trưởng phòng Tổ chức, Chính ủy Binh trạm, Chính ủy sư đoàn đến Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ tư lệnh Trường Sơn và sau này, khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là Phó tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 12.
“Kỷ niệm với Trường Sơn thì nhiều lắm các cháu ạ. Nhưng dịp này nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của anh Đồng Sỹ Nguyên, bác xin chia sẻ những cảm nhận của mình về vị tư lệnh đáng kính của Bộ đội Trường Sơn nhé”, Thiếu tướng Võ Sở mở đầu câu chuyện.
Theo dòng hồi tưởng của ông, đầu tháng 1 - 1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên vào làm Tư lệnh Bộ tư lệnh 559 thay đồng chí Hoàng Văn Thái được bổ nhiệm Phó tư lệnh Mặt trận Trị - Thiên. Với độ lùi thời gian sau hơn nửa thế kỷ và những gì đã trải nghiệm, nhiều cán bộ, chiến sĩ - những người từng gắn bó, sinh tử với tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn, trong đó có Thiếu tướng Võ Sở, đều có chung khẳng định: Việc trên đưa tướng Đồng Sỹ Nguyên vào Trường Sơn là một quyết định vô cùng quan trọng tạo bước ngoặt quyết định của toàn tuyến.
Thiếu tướng Võ Sở nhớ lại: “Năm đó, anh Nguyên mới ngoài tuổi 40, đã từng giữ chức Phó tổng Tham mưu trưởng, Chính ủy Quân khu 4, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương (đặc trách địa bàn từ Nghệ An vào Vĩnh Linh, Quảng Trị); Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận 565 - Bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Trung - Hạ Lào. Ngần ấy chức vụ, lại từng lăn lộn ở địa bàn eo thắt Khu 4 - nơi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt nhất, đã giúp anh vào vai Tư lệnh Trường Sơn rất lẹ làng.
Sau vài ngày nắm tình hình chung, anh Nguyên đã cùng một số cán bộ chủ trì cơ quan vận chuyển, thông tin giao liên đi thâm nhập, nắm tình hình Binh trạm 31, Binh trạm 32 - là những binh trạm cửa khẩu và một vài trọng điểm ác liệt nhất như: Văng Mu, Tha Mé, Cốc Mạc...
Ấn tượng mạnh đối với chúng tôi lúc đó về anh Nguyên là hình ảnh vị Tư lệnh vóc dáng trẻ trung, vạm vỡ, đầu đội mũ sắt, vai khoác xắc cốt, thắt lưng đeo khẩu K59, chân dận ủng, bước phăm phăm. Anh luôn dẫn đầu cả nhóm xuống từng trọng điểm, bãi giấu xe, từng căn hầm của anh em công binh...
Đêm xuống, anh lên buồng lái xe chở hàng, ngồi cạnh chiến sĩ lái xe, vừa trò chuyện tìm hiểu tâm tư người lính, vừa đếm từng chùm pháo sáng quan sát vòng lượn của máy bay địch. Gặp các đoàn cán bộ, chiến sĩ hành quân qua tuyến, anh nhập vai, đón lấy ba lô người lính, thử sức.
Với nhãn quan của một nhà quân sự chiến lược và kinh nghiệm dạn dày được gạn lọc từ năm tháng trận mạc cộng với những gì "mắt thấy, tai nghe" trên từng cung đường, từng trọng điểm, đã giúp anh cùng tập thể Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh sớm thống nhất một số vấn đề rất cơ bản.
Tại cuộc họp Thường vụ Đảng ủy Bộ tư lệnh được tổ chức sau chuyến khảo sát vài ngày, anh Nguyên báo cáo những kết luận bước đầu của anh. Ở chừng mực nào đó, tập thể lãnh đạo, chỉ huy tuyến trước đây đã ý thức được những vấn đề này, nhưng chưa tập hợp lại thành hệ thống.
Từ thực tiễn công tác ở tiền phương Tổng cục Hậu cần và qua mấy ngày khảo sát thực địa, anh Nguyên khẳng định tinh thần chiến đấu kiên cường, nỗ lực lớn lao của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... là thực tiễn sống động.
Tuy vậy, điều hạn chế, theo anh là chưa đánh giá đúng tương quan lực lượng, cái mạnh, cái yếu của ta và địch trên tuyến 559. Từ chỗ địch tập trung máy bay, bom đạn, bộ binh đánh phá ác liệt, liên tục; một số cán bộ, chiến sĩ ta chỉ thấy cái mạnh của địch mà không thấy hết mặt hạn chế của chúng; chỉ thấy khó khăn, hoặc nhấn mạnh điểm hạn chế mà không thấy mặt mạnh cơ bản của ta.
Và hệ quả tất yếu là đánh giá địch quá cao, nảy sinh dao động, bị động phòng tránh, không mạnh dạn bứt ra khỏi lối làm ăn nhỏ lẻ, thô sơ, an toàn, nhưng hiệu quả chi viện thấp. Anh Nguyên đã sớm khái quát: Ở Trường Sơn, cùng lúc ta phải chiến đấu với hai kẻ thù nguy hiểm không kém cạnh nhau là Mỹ - ngụy và "giặc trời".
Đối với "giặc trời", ta sẽ tìm hiểu nắm bắt quy luật và hạn chế sự nghiệt ngã của điều kiện tự nhiên. Còn với kẻ thù bằng xương bằng thịt phải thấy địch rất mạnh, nhưng sức mạnh của chúng không phải không có hạn chế.
Chúng không thể làm chủ hoàn toàn cả về thời gian và không gian trên tuyến. Ngược lại, người làm chủ ở mặt đất chính là chúng ta. Vấn đề cơ bản, quyết định hiệu quả của các hoạt động đánh địch vận chuyển chi viện chiến trường là phải trang bị thêm về kiến thức, nghệ thuật quân sự, đặc biệt là tư tưởng tiến công. Tư tưởng ấy vận dụng vào từng lực lượng binh chủng, từng thời điểm thật phù hợp, sáng tạo.
Theo anh, tư tưởng tiến công đối với lực lượng phòng không là phải bố trí trận địa cao xạ bám đường, bám trọng điểm cần bảo vệ, lấy chốt bảo vệ trọng điểm là chính để đánh tiêu diệt, bảo vệ đội hình xe vận chuyển, đội hình tác nghiệp của công binh, bảo vệ cầu đường; đồng thời có lực lượng cơ động "quay nòng pháo theo bánh xe lăn".
Với bộ đội công binh, phải bám trọng điểm, bám đường, ứng cứu khắc phục phá hoại kịp thời, kết hợp bảo đảm giao thông vận chuyển với mở đường mới, dần dần phá hẳn thế độc đạo. Toàn tuyến phải xem lực lượng vận tải ô tô là chủ lực quân để tổ chức hiệp đồng tác chiến binh chủng hợp. Xe phải chạy theo đội hình, có tổ chức chỉ huy. Có như vậy, bộ đội vận tải mới trút bỏ được nỗi ám ảnh "đơn thương độc mã", "lạnh lưng, hở sườn", mới hội đủ điều kiện để đương đầu và chiến thắng sự đánh phá, ngăn chặn của kẻ thù. Không quân địch thường tập trung đánh vào trọng điểm nhằm tạo ưu thế, chặn đứng và gây tổn thất cho đội hình xe tiến công, chia cắt hệ thống giao thông. Vấn đề mấu chốt là phải tổ chức chiến đấu hiệp đồng binh chủng tại từng trọng điểm, đánh bật địch, bảo vệ đội hình xe, bảo vệ vận chuyển…
Lần lượt, tư tưởng tiến công được anh Nguyên cụ thể hóa đối với bộ đội giao liên, thông tin, bộ binh tác chiến bảo vệ hành lang, lực lượng hậu cần bảo đảm... Các binh trạm phải trở thành một tổ chức chỉ huy chiến đấu của bộ đội hợp thành, biết nắm và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào đặc điểm chiến đấu trên tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn; khắc phục cách làm cũ là chỉ biết vận tải đơn thuần.
Bộ tư lệnh 559 cũng phải thay đổi phong cách chỉ huy, chuyển hẳn sang chỉ huy chiến đấu hiệp đồng binh chủng, không dừng lại ở hình thức chỉ đạo. Để làm được điều đó, một trong những yếu tố quan trọng là xây dựng cho được mạng thông tin liên lạc đa phương tiện, thông suốt liên tục trực tiếp từ cơ quan đầu não - Sở chỉ huy Bộ tư lệnh đến các binh trạm, chí ít lúc đầu là các binh trạm, từ cổng Trời vào Bạc để nắm, chỉ huy trực tiếp một số trọng điểm ác liệt nhất, như Văng Mu, Cốc Mạc, ATP..., sau đó phát triển ra toàn tuyến. Trường Sơn đã trở thành một trận đồ bát quái khiến kẻ thù phải khiếp sợ”.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Võ Sở luôn tự hào về khoảng thời gian được làm việc dưới sự chỉ đạo, giúp đỡ trực tiếp của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Ở vị Tư lệnh Trường Sơn huyền thoại ấy có nét kết hợp hài hòa giữa tố chất của một cán bộ quân sự tài ba với tư duy của một cán bộ chính trị giỏi.
“Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi chỉ đạo của Tư lệnh với cơ quan chính trị, cũng là yêu cầu đối với Bộ đội Trường Sơn. Đó là phải tập trung xây dựng cho được một tập thể cán bộ chủ trì, ngoài mục tiêu, lý tưởng, ý chí quyết tâm cao, còn phải có tác phong công tác sâu sát, cụ thể; phải thực hiện được 4 trực tiếp: Trực tiếp giao nhiệm vụ - trực tiếp kiểm tra - trực tiếp xử lý công việc kịp thời, nhất là những nơi khó khăn, ác liệt nhất - trực tiếp đồng chỉ huy chiến đấu”, Thiếu tướng Võ Sở nhấn mạnh.
HÀ LINH - DUY TƯỜNG (ghi theo lời kể của Thiếu tướng Võ Sở)