Tư tưởng xuyên suốt của văn kiện Đại hội 14 là con đường bước vào kỷ nguyên mới

Tư tưởng xuyên suốt của văn kiện Đại hội 14 là làm thế nào để đưa đất nước phát triển vươn mình trong kỷ nguyên mới, sớm đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

LỜI TÒA SOẠN:

Xuân Ất Tỵ là thời khắc đánh dấu sự chuyển mình của đất nước, sự khởi đầu của năm mới với niềm tin, sự tự hào chưa bao giờ vị thế, uy tín và cơ đồ của dân tộc, của Đảng, của đất nước ta có được như ngày hôm nay trên trường quốc tế.

Năm mới 2025 với nhiều sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, khởi đầu là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025).

95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã trải qua kỷ nguyên độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975); kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới (1975 - 2025); và bây giờ, sẵn sàng tâm thế bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với thời điểm bắt đầu là sự kiện trọng đại, Đại hội 14 của Đảng.

VietNamNet xin chia sẻ một số bài viết, ý kiến, góc nhìn nhân sự kiện lịch sử trọng đại 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng trong năm 2025 là hoàn thành các dự thảo văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng.

Theo thông báo kết luận của Bộ Chính trị, trong năm 2025, dự thảo các văn kiện Đại hội 14 sẽ được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến tại Đại hội Đảng bộ các cấp; góp ý của đại biểu Quốc hội; lấy ý kiến nhân dân.

Đột phá để vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 vào cuối tháng 9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, văn kiện Đại hội 14 phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị các nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội 14 vào ngày 6/11/2024. Ảnh: Nhân Dân

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị các nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội 14 vào ngày 6/11/2024. Ảnh: Nhân Dân

Trong đó, báo cáo chính trị chỉ rõ những định hướng lớn để các cấp ủy, mọi đảng viên thấm nhuần và thực hiện; thật sự là “ngọn đuốc soi đường” dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào kỷ nguyên mới, sớm đạt các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập Nước.

Văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng gồm: Dự thảo báo cáo chính trị; dự thảo báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030; dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng.

Tại hội nghị các nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội 14 vào ngày 6/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, các đại hội cấp cơ sở bắt đầu từ quý 1 năm 2025 sẽ tiến hành thảo luận bản tóm tắt dự thảo báo cáo chính trị. Sau đó, các đại hội từ cấp huyện trở lên sẽ tiến hành thảo luận bản dự thảo đầy đủ báo cáo chính trị.

Tổng Bí thư khẳng định, dự thảo các văn kiện là bước đầu quan trọng để thống nhất tư duy, nhận thức mới, phục vụ tốt nhất cho thảo luận rộng rãi trong toàn Đảng, tạo khối thống nhất về ý chí và hành động thực hiện nghị quyết sau Đại hội 14 của Đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, tư tưởng xuyên suốt của văn kiện lần này là làm thế nào để đưa đất nước phát triển vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Trao đổi với PV VietNamNet, PGS.TS. Nguyễn Viết Thông – nguyên Tổng Thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, qua nghiên cứu dự thảo các văn kiện trình Đại hội 14 cho thấy có rất nhiều điểm mới mang tính định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Đầu tiên phải nói đến là chủ đề và phương châm của Đại hội 14 nhấn mạnh đến việc đưa đất nước ta bước vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Nội dung này được đề cập trong báo cáo chính trị ở phần mục tiêu tổng quát và cũng là một trong những thành tố đáng chú ý trong chủ đề Đại hội 14 của Đảng.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, trong di chúc thiêng liêng Bác Hồ để lại cho muôn đời sau có nhấn mạnh: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

Ước nguyện này của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được tiếp thu tối đa trong thành tố của chủ đề cũng như mục tiêu tổng quát của Đại hội 14 của Đảng. Đồng thời kế thừa Đại hội 13, phương châm của Đại hội 14 lần này có thay hai chữ “sáng tạo” bằng hai chữ “đột phá”. Bởi, đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì rất cần phải đột phá trên tất cả các lĩnh vực.

Bước tiến về mặt lý luận

Một điểm mới đáng chú ý nữa là trong dự thảo báo cáo chính trị, báo cáo về kinh tế, báo cáo về xây dựng Đảng đều đề ra mục phát triển đất nước với tinh thần “đưa đất nước vươn mình”, phấn đấu cho bằng được đến năm 2030 nước ta là “nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao”; đến 2045 là “nước phát triển, thu nhập cao”.

“Đây là mục tiêu Đại hội 13 đã đề ra và dự kiến ở Đại hội 14, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm thực hiện bằng được 2 mục tiêu này”, PGS.TS. Nguyễn Viết Thông cho hay.

Bám sát mục tiêu này, dự thảo báo cáo chính trị, báo cáo về kinh tế đưa ra các phương án về tốc độ tăng trưởng GDP. Trong đó có phương án đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP lên 2 con số từ năm 2026 – 2030. Bởi Việt Nam phải tăng trưởng 2 con số mới có thể đạt được mục tiêu năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông – nguyên Tổng Thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Lê Anh Dũng

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông – nguyên Tổng Thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ngoài ra, ông Thông cũng cho biết, trong dự thảo báo cáo chính trị lần này cũng nêu 5 quan điểm chỉ đạo, cơ bản kế thừa từ Đại hội 13 nhưng có những bước phát triển mới mang tính đột phá.

Trong đó, quan điểm thứ nhất nêu rõ những vấn đề có tính nguyên tắc thì phải kiên định. Trong 3 kiên định được đề cập tại dự thảo báo cáo chính trị có nêu rõ: “Kiên định vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý luận về đường lối đổi mới”.

“Như vậy 'kiên định về lý luận đường lối đổi mới' đã được nâng tầm, trở thành một bộ phận cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Nếu Đại hội 14 thông qua nội dung này thì đây là một trong những điểm mới nhất trong văn kiện trình Đại hội 14”, ông Thông nhấn mạnh.

Nhìn lại lịch sử, PGS.TS. Nguyễn Viết Thông cho biết, Đại hội 7 lần đầu tiên khẳng định “tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác Lênin làm nền tảng tư tưởng”.

Đến Đại hội 9, Đảng ta đã đưa ra khái niệm “tư tưởng Hồ Chí Minh”; nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh; vị trí, vai trò tư tưởng Hồ Chí Minh.

10 năm sau đến Đại hội 11, trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, Đảng ta đã tiếp tục nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò của “tư tưởng Hồ Chí Minh”.

“Lần này dự thảo các văn kiện trình Đại hội 14, cụ thể là trong báo cáo chính trị chúng ta đã nâng lý luận về đường lối đổi mới trở thành một trong 3 bộ phận cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một bước tiến về mặt lý luận để chuẩn bị cho Cương lĩnh mới ở Đại hội 15”, ông Thông phân tích.

Trong quan điểm thứ hai, ông Thông cũng chỉ ra nhiều điểm mới nói về “mô hình tổng thể đất nước”.

Ưu tiên hàng đầu là thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước nhanh và bền vững; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Tổng Bí thư Tô Lâm

Trong đó dự thảo báo cáo chính trị nêu rõ “phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường là trung tâm” thay vì “phát triển kinh tế xã hội là trung tâm” như ở Đại hội 13.

Bởi vì môi trường không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn là vấn đề mang tính chất toàn cầu. Việt Nam đã cam kết đến năm 2025 thực hiện Net zero. Vì vậy, phải quan tâm và nhấn mạnh đến bảo vệ môi trường cùng với phát triển kinh tế xã hội là trung tâm…

Quan điểm thứ 3 nói về động lực thì ngoài những động lực như Đại hội Đảng 13, lần này nhấn mạnh đến 5 chữ tự (tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc), khát vọng cống hiến của mọi người dân và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để khơi dậy động lực của đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình dân tộc.

“Đây cũng chính là lời hiệu triệu, tạo ra một động lực rất lớn để đất nước phát triển”, PGS.TS. Nguyễn Viết Thông nói.

Tháo gỡ điểm nghẽn của mọi điểm nghẽn

Về nhiệm vụ, giải pháp, ông Thông cũng cho biết, dự thảo báo cáo chính trị cũng có nhiều điểm mới. Trong đó đáng chú ý dự thảo báo cáo chính trị đề cao việc hoàn thiện thể chế phát triển với những định hướng cụ thể.

“Theo tôi, đây là một điểm mới trong kết cấu của báo cáo chính trị và cũng là điểm mới trong nhận thức của Đảng ta. Tổng Bí thư Tô lâm cũng đã nhiều lần nhấn mạnh điểm nghẽn của mọi điểm nghẽn là vấn đề thể chế phát triển”, ông Thông phân tích.

Vì vậy, dự thảo văn kiện đã đưa ra định hướng hoàn thiện thể chế phát triển một cách toàn diện, kể cả thể chế kinh tế, chính trị, thể chế văn hóa, xã hội…

Trong dự thảo báo cáo chính trị đã nêu định hướng hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn với tinh thần bỏ ngay tư duy “không quản được thì cấm, không biết cũng quản”.

“Đấy là điểm mới trong dự thảo báo cáo chính trị. Việc hoàn thiện thể chế phát triển không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm mà trở thành một định hướng lớn trong kết cấu của dự thảo báo cáo Chính trị trình Đại hội 14”, ông Thông nhấn mạnh.

Ảnh: Phạm Hải

Ảnh: Phạm Hải

Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ông Thông cho hay, dự thảo văn kiện lần này có những điểm mới đáng chú ý. Trong đó vấn đề tinh gọn bộ máy đang làm và tiếp tục làm với tinh thần “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” và tinh giản biên chế nhưng xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng.

Bên cạnh đó có một điểm rất mới nữa là kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Điều này sinh thời Bác Hồ đã nói rất kỹ nhưng mấy chục năm qua chúng ta chưa thực sự coi chống lãng phí ngang hàng với đấu tranh chống tham nhũng.

Do đó việc xử lý cán bộ, đảng viên lãng phí lâu nay rất ít, hầu như không có mà chỉ mới tập trung xử lý cán bộ tham nhũng.

Vì vậy, một nét mới trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, theo ông Thông, là nhấn mạnh đến công tác phòng chống lãng phí ngang hàng với đấu tranh phòng chống tham nhũng và xây dựng văn hóa không tham nhũng, không lãng phí.

Ông Nguyễn Viết Thông cũng cho hay, dự thảo báo cáo chính trị đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản kế thừa từ Đại hội 13 nhưng thứ tự có thay đổi và bổ sung một nhiệm vụ rất mới.

Trong đó nhiệm vụ trọng tâm đột phá về thể chế được đưa lên vị trí đầu tiên. Điều đó thể hiện điểm mới trong nhận thức của Đảng ta.

Còn nhiệm vụ thứ sáu của Đại hội 13 là vấn đề bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên môi trường lần này đưa đã vào quan điểm về phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung thêm nhiệm vụ trọng tâm thứ 4 về phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.

Dự thảo báo cáo chính trị cũng đề ra 3 đột phá chiến lược tương tự như Đại hội 13 gồm đột phá về thể chế; nguồn nhân lực; kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, trọng tâm, trọng điểm của mỗi nhiệm kỳ, 3 đột phá chiến lược này có sự thay đổi tùy theo yêu cầu phát triển đất nước.

Cụ thể, đột phá về thể chế lần này tập trung vào thể chế để phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.

Đột phá về nguồn nhân lực lần này tập trung vào đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là thu hút người có tài năng. Vừa rồi Chính phủ đã ban hành nghị định về thu hút người tài, đưa ra một số chế độ, chính sách vượt trội, trong đó có đưa ra mức thu nhập 58 triệu đồng/tháng để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành.

Đột phá về hạ tầng lần này, dự thảo văn kiện Đại hội 14 nhấn mạnh đến hạ tầng về công nghệ số. Trong đó có đặt ra vấn đề xây dựng dữ liệu quốc gia trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng để đưa đất nước cất cánh trong tương lai.

Trong báo cáo về kinh tế - xã hội có đề cập đến những nhiệm vụ, giải pháp để chấn hưng giáo dục và đào tạo, trong đó có một trong những điểm mới đó là từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

Tôi cho rằng đây cũng là một điểm mới để chấn hưng giáo dục đào tạo, vừa là để hội nhập quốc tế, để chuẩn bị đào tạo cán bộ đáp ứng được yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 đột phá về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.

Tôi nghiên cứu văn kiện nhiều đại hội thì thấy chưa có tên một nghị quyết mà dùng từ “đột phá” nhưng lần này trong Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đã dùng từ “đột phá”.

Điều này để nói rằng đây là điểm mới và chúng ta đưa vào trong nhiệm vụ, giải pháp để chấn hưng giáo dục, đào tạo và phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tu-tuong-xuyen-suot-cua-van-kien-dai-hoi-14-la-con-duong-buoc-vao-ky-nguyen-moi-2365739.html