Từ U.19 2016 đến U.20 2023
Hiếm có đội tuyển nào bị loại ngay vòng bảng về nước lại không bị một lời chê trách, mà chỉ có những lời ngợi khen và được người hâm mộ đón chào.
* Tiếc nhưng lạc quan
Cùng với những băn khoăn về thế hệ kế thừa trong tương lần gần của bóng đá Việt Nam, lại rơi vào “bảng tử thần” tại vòng chung kết (VCK) U.20 châu Á 2023 cùng Australia, Qatar, Iran, không mấy người tin U.20 Việt Nam sẽ “làm được gì đó” trên đất Uzbekistan. Tuy nhiên, với 2 chiến thắng, không chỉ là thành tích tốt nhất trong lịch sử tham dự giải đấu, mà HLV Hoàng Anh Tuấn cùng lứa học trò mới còn có màn thể hiện thuyết phục hơn cả các đàn anh từng vào bán kết, đoạt vé dự U.20 World Cup 7 năm trước, dù đối thủ mạnh hơn.
Sớm rời cuộc chơi nhưng chúng ta vẫn khiến các đối thủ phải tôn trọng và nhìn với con mắt khác. “U.20 Việt Nam thực sự là một đội bóng mạnh. Trận đấu với Việt Nam khó hơn nhiều so với trận chúng tôi (Iran) gặp Australia (thua 2-3). U.20 Việt Nam không đáng bị loại sớm ở giải đấu này. Xin nhắc lại, tôi khẳng định U.20 Việt Nam là đội bóng mạnh tại giải”. Phát biểu của HLV U.20 Iran Samad Marfavi không hề mang tính xã giao.
Ngoài “tinh thần Việt Nam”, tôn trọng đối thủ và làm việc chăm chỉ, U.20 Việt Nam chơi thứ bóng đá kỷ luật, hiện đại, được tổ chức tốt, dám thể hiện và biết cách phát huy những điểm mạnh cũng như hạn chế điểm yếu của mình. Không kiểm soát bóng nhiều nhưng U.20 Việt Nam luôn dứt điểm bằng hoặc nhiều hơn đối thủ. 4 bàn thắng ghi được đều rất đẹp từ những pha phản công, chuyển đổi trạng thái mẫu mực và khả năng tận dụng cơ hội, dứt điểm tự tin, quyết đoán. Cả 3 trận đấu trước các đội bóng lớn, các cầu thủ trẻ chúng ta không chút yếm thế, ngay cả trong những thời điểm bị dẫn bàn.
Đáng mừng nhất, từ tập thể tài năng, đồng đều sinh năm 2003-2005 này, người ta có thể lạc quan “lứa vàng” 1995-1997 đã có những đàn em sẵn sàng kế thừa, tiếp nối cho mục tiêu World Cup 2026 và 2030. 7 năm trước, dù làm nên lịch sử đoạt vé dự World Cup U.20 nhưng Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Linh… vẫn chưa mấy ai biết đến; phải 2 năm sau đó họ mới thực sự bước ra ánh sáng trên sân khấu U.23 châu Á. Còn bây giờ, Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Trường đã là bộ đôi tiền vệ đá chính tại VCK U.23 châu Á 2022 lúc mới 18 tuổi, sau khi HLV Gong Oh-kyun chỉ xem video… 5 phút.
HLV Philippe Troussier cho rằng, có ít nhất 6-7 cầu thủ U.20 hiện tại đủ sức cạnh tranh vị trí ở đội tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2023 và World Cup 2026. Đó còn là ai: “vua phá lưới” các giải trẻ Quốc Việt (HAGL), tiền đạo Thanh Nhàn (PVF), trung vệ Nguyên Hoàng, thủ môn Cao Văn Bình (SLNA) và cả bộ đôi tiền vệ Đức Phú (PVF) - Đức Việt (HAGL)?
* Hãy để “nho” chín
Trước khi lên đường về nước, HLV Hoàng Anh Tuấn nhắn nhủ giới truyền thông: “Nếu thương các cầu thủ trẻ, báo chí đừng tung hô quá. Bọn nhỏ còn trẻ lắm nên vẫn chưa định hình và suy nghĩ chưa thấu đáo. Những lời tung hô quá mức đôi lúc sẽ khiến các em ảo tưởng và không còn là chính mình”.
Sự lo lắng ấy là có lý do, bởi đã có những học trò của ông sau danh hiệu hạng 3 Giải U.19 châu Á 2016 đã không giữ được đôi chân trên mặt đất, tự đánh mất mình.
Trong bóng đá, khoảng cách giữa “lên mây” và “xuống đất” rất mong manh, các cầu thủ trẻ phải tỉnh táo để giữ cân bằng và ý thức phấn đấu, nỗ lực hơn nữa trong hành trình phía trước. Khi những đề xuất để các cầu thủ trẻ phải được ra sân nhiều hơn ở V.League còn chưa thể thực hiện thì bản thân họ phải chứng tỏ mình. Như ông Tuấn căn dặn các học trò: để được ra sân thì chính các bạn phải làm chứ không phải chờ CLB. Bản thân phải tập luyện nhiều hơn, chăm chỉ hơn, quyết tâm hơn, làm mọi thứ để có được suất đá chính hàng tuần. Có rồi thì phải cố gắng giữ vị trí bằng màn thể hiện trên sân.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202303/tu-u19-2016-den-u20-2023-3159739/