Từ 'Uncle Red' thành 'Sister Hong' (Kỳ 3): Vụ bê bối phơi bày cuộc khủng hoảng giới sâu sắc ở Trung Quốc
Vụ bê bối 'Uncle Red-Sister Hong' phơi bày cuộc khủng hoảng giới sâu sắc ở Trung Quốc và cũng là lời kêu gọi cải cách cả về pháp lý lẫn văn hóa trước sự bùng nổ của ngành công nghiệp 'ngầm', tệ nạn đang gia tăng khắp châu Á.
Theo các nghiên cứu nhân khẩu học, Trung Quốc có số lượng nam giới chênh lệch so với nữ giới là hơn 30 triệu người, do hệ lụy của nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con và văn hóa trọng nam khinh nữ. Sự mất cân bằng giới tính này đã khiến nhiều nam giới, đặc biệt là ở các vùng nông thôn hoặc vùng kinh tế khó khăn gần như không có cơ hội kết hôn và sự cô lập về mặt tình cảm (khó tìm người yêu) ở nam giới thành thị thì ngày càng gia tăng. Phụ nữ hiện đại, được trao quyền bởi giáo dục và sự nghiệp, ngày càng trì hoãn hoặc từ chối hôn nhân hoàn toàn. Trong khi đó, đàn ông được kỳ vọng sẽ cung cấp nhà ở, xe hơi và của hồi môn đắt đỏ, những áp lực mà nhiều người đơn giản là không thể đáp ứng.

Trong khoảng trống đó, những trò lừa đảo như "Sister Hong scandal" lại nở rộ. Bị cô lập về mặt cảm xúc, một số đàn ông trở thành mục tiêu dễ dàng, bởi họ khao khát tình cảm và sự gần gũi. Vụ bê bối, tuy gây 'sốc', nhưng phản ánh mức độ mà một số người sẵn sàng 'đi xa' để tìm kiếm sự kết nối.
Tác động không chỉ giới hạn ở cá nhân. Một thế hệ đàn ông độc thân đặt ra những rủi ro cho sự ổn định xã hội, sức khỏe tâm thần và tăng trưởng dân số. Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh giảm, tạo ra áp lực cấp bách cho việc cải cách.

Mặc dù chính phủ đã đưa ra các ưu đãi để khuyến khích kết hôn và sinh con, nhưng để có sự thay đổi lâu dài, cần phải có những chuyển đổi văn hóa từ bình đẳng giới và giáo dục hôn nhân, đến hỗ trợ sức khỏe tâm thần và xóa bỏ định kiến về tình trạng độc thân.
Vụ việc Hồng Thị không chỉ là sự lừa dối. Nó là "triệu chứng" của một cộng đồng mà tình yêu nam nữ không còn là điều hiển nhiên, mà là một thứ xa xỉ mà hàng triệu người có thể không bao giờ có được.
Nạn nhân hay người tham gia tự nguyện?
Một điều trớ trêu là trong khi 'Hồng tỷ' dường như là người săn đuổi bạn tình, thì chính những người đàn ông lại thường chủ động tìm kiếm "tình một đêm". Trong bối cảnh như vậy, ai là "kẻ săn mồi" và ai là "con mồi" trở nên mơ hồ. Phản ứng của công chúng đối với các nạn nhân nam lại khá lạnh nhạt. Một số bình luận trực tuyến thậm chí còn chế giễu họ, nói rằng: "Đàn ông chẳng mất gì cả".

Điều này phản ánh một định kiến xã hội đã ăn sâu bén rễ: Quan niệm rằng chỉ phụ nữ mới có thể là nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục hoặc xâm hại tình dục. Những định kiến giới tính độc hại, chẳng hạn như quan niệm rằng “đàn ông đích thực luôn muốn tình dục” góp phần khiến các nạn nhân nam im lặng. TS Roy Levin, Giáo sư Sinh lý học tại ĐH Sheffield lưu ý: “Nếu một người đàn ông thể hiện phản ứng sinh lý, mọi người sẽ mặc định đó là sự đồng thuận, phớt lờ chấn thương”. Rebecca Fisico, một nhà nghiên cứu về bạo lực giới cho biết thêm rằng, nam giới thường sợ bị chế giễu hoặc không được tin tưởng. Việc thiếu các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, đường dây nóng hoặc trung tâm hỗ trợ toàn diện dành cho nam giới chỉ làm tình hình thêm trầm trọng. Hệ thống pháp luật cũng đang gặp khó khăn trong việc thích ứng. "Bạo lực trên cơ sở giới" thường bị hiểu hẹp hòi là bạo lực đối với phụ nữ, vô tình loại trừ các nạn nhân nam. Kết quả là, các vụ việc vẫn không được báo cáo, điều tra và hiểu lầm, tạo ra một vòng luẩn quẩn mà sự im lặng dẫn đến sự thờ ơ, làm gia tăng sự kỳ thị.

Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy, gần 25% nam giới Mỹ đã từng trải qua một hình thức bạo lực tình dục nào đó, theo CDC. Một khảo sát khác cho thấy, 43% đã từng bị quấy rối tình dục. Vụ việc của 'Hồng Đỏ tỷ đệ' là một lời nhắc nhở đáng lo ngại về việc các nhân vật trực tuyến có thể bị thao túng để lợi dụng cảm xúc, lòng tin, và thậm chí cả quyền riêng tư. Nó nhấn mạnh những nguy hiểm của việc ẩn danh kỹ thuật số, thao túng cảm xúc và ranh giới mong manh giữa các mối quan hệ trực tuyến và ngoài đời thực.

Các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra các hành vi vi phạm tiềm ẩn về quyền riêng tư, gian lận và luật kiếm tiền từ nội dung số. Một nạn nhân cuối cùng đã báo cáo vụ việc, dẫn đến việc Jiao bị bắt giữ. Nhà chức trách hiện đang điều tra 'Uncle Red' về tội sản xuất và phát tán nội dung khiêu dâm để kiếm lời. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn vẫn là những vụ việc quay lén như thế này không phải là cá biệt. Nghiên cứu quốc tế cũng cho thấy, nam giới chiếm 15 - 20% nạn nhân bị quay lén, đặc biệt là trong môi trường kín như phòng tập thể dục, ký túc xá hoặc doanh trại. Tuy nhiên, do định kiến, nhiều người không bao giờ trình báo việc bị xâm hại/ lạm dụng tình dục. Một nghiên cứu khác cho thấy, hơn 70% nạn nhân nam phải đợi hơn 10 năm mới tiết lộ quá khứ ám ảnh của mình. Khi câu chuyện tiếp tục lan truyền, nhiều cư dân mạng không chỉ bàng hoàng trước quy mô của vụ lừa đảo mà còn trước nỗ lực mà 'Hồng tỷ' đã bỏ ra để duy trì sự ảo tưởng. Một số phản ứng hài hước, số khác tức giận, nhưng hầu hết đều đồng ý rằng, vụ việc này là một trong những ví dụ cực đoan nhất về thao túng danh tính trực tuyến trong những năm gần đây.
Lời kêu gọi cải cách pháp lý và sự bùng nổ ngành công nghiệp 'ngầm'
Vụ án 'Sister Hong' (hay 'Hồng tỷ') không chỉ phơi bày tội ác của một người đàn ông mà còn phơi bày một thất bại mang tính hệ thống rộng lớn hơn. Từ việc tiếp cận rộng rãi các thiết bị quay lén cho đến các 'chợ đen' kỹ thuật số trên các nền tảng như Telegram và QQ, "cơ sở hạ tầng" của tội phạm đã được thiết lập tốt, trong khi các biện pháp bảo vệ vẫn còn chậm trễ. Để thực sự giải quyết nguy cơ tiềm ẩn này, các quốc gia phải thắt chặt luật giám sát, tăng cường trách nhiệm giải trình kỹ thuật số và quan trọng nhất là xóa bỏ định kiến giới khiến nạn nhân không được lắng nghe, bất kể họ là ai, một thực trạng đang gia tăng khắp châu Á.

Camera gián điệp siêu nhỏ trong vụ "Hồng tỷ".
Những chiếc camera gián điệp siêu nhỏ ngụy trang thành các vật dụng hằng ngày như bộ sạc điện thoại, thú nhồi bông, hay ổ cắm điện được bày bán công khai trên các chợ điện tử Trung Quốc. Theo CCTV, một cuộc điều tra quy mô lớn ở tỉnh Sơn Đông đã phát hiện 300 camera ẩn được lắp đặt trong phòng khách sạn, với hơn 100.000 video riêng tư bị rò rỉ. Bất chấp việc bắt giữ, truy xét, những tổn hại không thể khắc phục đối với quyền riêng tư của nạn nhân vẫn còn đó.
Vụ việc của "Hồng tỷ" đã gây ra sự so sánh với những vụ bê bối tai tiếng ở Hàn Quốc. Năm 2019, ca sĩ Jung Joon Young thừa nhận đã bí mật quay lén các 'cuộc gặp gỡ quan hệ' và phát tán video mà không có sự đồng ý. Vụ bê bối đã vạch trần một đường dây lớn hơn gồm những người nổi tiếng tham gia vào các hành vi tương tự, phơi bày mặt tối của sự nổi tiếng và xâm hại/ lạm dụng tình dục. Hàn Quốc cũng đang phải vật lộn với cái gọi là "đại dịch molka", với hơn 30.000 vụ việc camera ẩn được báo cáo từ năm 2013 đến năm 2018, chủ yếu nhắm vào phụ nữ trong nhà vệ sinh và phòng thay đồ, hay vụ việc gần đây liên quan đến hơn 800 cặp đôi bị quay lén tại 30 khách sạn, chỉ trong ba tháng. Những vụ việc này dẫn đến những tổn thương tâm lý lâu dài, thậm chí không thể phục hồi cho nạn nhân.
Vụ án 'Hồng tỷ' không chỉ là một câu chuyện giật gân, mà còn là lời nhắc nhở nghiêm khắc về những rủi ro thực sự trong thời đại kỹ thuật số. Khi xã hội đang tranh luận về sự đồng thuận, quyền riêng tư và trách nhiệm giải trình, vụ việc này nhấn mạnh sự cần thiết của việc cảnh giác, nhận thức và xây dựng pháp luật bảo vệ nghiêm khắc hơn. Trên hết, nó nhắc nhở chúng ta rằng những vi phạm tồi tệ nhất thường ẩn giấu ngay trước mắt.
Để chống lại camera ẩn, đặc biệt là ở những nơi dễ bị tấn công như khách sạn, nhà cho thuê hoặc nhà vệ sinh công cộng, các chuyên gia khuyến nghị các biện pháp phòng ngừa sau:
- Kiểm tra các thiết bị hoặc vị trí bất thường, đặc biệt là xung quanh gương, máy báo khói và đồng hồ kỹ thuật số.
- Sử dụng đèn pin điện thoại để phát hiện thấu kính phản quang.
- Cài đặt ứng dụng phát hiện camera ẩn để quét tín hiệu hồng ngoại hoặc Wi-Fi.
- Che phủ các khu vực nhạy cảm (ví dụ: bằng khăn tắm hoặc quần áo) trong môi trường lạ.
- Báo cáo ngay lập tức bất kỳ điều gì đáng ngờ cho chủ sở hữu bất động sản hoặc cơ quan thực thi pháp luật.