Người Việt thi nhau tìm kiếm 'sáp nhập tỉnh thành', 'concert Quốc gia'

Trong quý II, người dùng Việt Nam quan tâm đến các sự kiện xã hội nổi bật, bên cạnh sự bùng nổ của các từ lóng mới trên Internet.

 Người dùng tìm kiếm trên Internet. Ảnh: Cốc Cốc.

Người dùng tìm kiếm trên Internet. Ảnh: Cốc Cốc.

Dữ liệu truy vấn tìm kiếm của Cốc Cốc cho thấy người dùng Việt Nam quan tâm đến nhiều chủ đề thời sự, nhân vật và sự kiện khác nhau trong quý II, chẳng hạn như "bản đồ hành chính mới", "hàng giả", "sáp nhập tỉnh thành" hay "làm lại CCCD".

Các từ khóa phổ biến trong quý II cho thấy chuyển động đa chiều trong mối quan tâm của người dùng trên Internet, phản ánh đan xen giữa các vấn đề thời sự trọng điểm, nỗi lo thường nhật, làn sóng công nghệ mới và các trào lưu văn hóa, ngôn ngữ đậm dấu ấn “Gen Z”.

Giải trí vẫn là chủ đề phổ biến nhất quý II với lượng tìm kiếm tăng 3% so với quý trước, xếp sau là công nghệ và giáo dục. Lĩnh vực du lịch ghi nhận mức giảm 8%, phản ánh sự điều chỉnh nhẹ trong mức độ quan tâm vào mùa thấp điểm.

Sự kiện quốc gia, thời sự được tìm kiếm phổ biến

Trong quý II, người dùng dành sự quan tâm lớn đến sáp nhập tỉnh thành. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 202/2025/QH15 và Kết luận 127-KL/TW, việc sắp xếp còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở thành tâm điểm thảo luận trên cả nước.

Theo dữ liệu, lượng tìm kiếm các từ khóa liên quan “sáp nhập tỉnh thành” trong quý II tăng 100%, trong khi từ khóa “bản đồ hành chính mới” tăng 172%. Điều đó cho thấy người dân thường xuyên chủ động cập nhật thông tin, tra cứu địa giới hành chính mới theo quy định.

 Một đoàn diễu binh trước chợ Bến Thành ngày 30/4. Ảnh: Vương Toàn.

Một đoàn diễu binh trước chợ Bến Thành ngày 30/4. Ảnh: Vương Toàn.

Quý II cũng chào đón sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lượng tìm kiếm các từ khóa “diễu binh/diễu hành” tăng 4.059%.

Cụm từ “concert Quốc gia” do cộng đồng trẻ sáng tạo để mô tả lễ diễu binh lan rộng trên mạng xã hội, phản ánh cách tiếp cận lịch sử theo hướng hiện đại, gần gũi và chủ động hơn.

Bên cạnh đó, lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng diễn ra vào 9/5 tại Nga cũng thu hút sự chú ý của người dùng Việt Nam, với lượng tìm kiếm tăng 14.031%.

 Một số từ khóa tìm kiếm thịnh hành thuộc nhóm tin tức và sự kiện. Ảnh: Cốc Cốc.

Một số từ khóa tìm kiếm thịnh hành thuộc nhóm tin tức và sự kiện. Ảnh: Cốc Cốc.

Dữ liệu cũng ghi nhận tăng trưởng trong xu hướng tìm kiếm các dự án sân bay trong nước. Cụ thể, “sân bay quốc tế Long Thành/sân bay Phú Quốc” ghi nhận mức tăng 122%. Cùng thời điểm, “nhà ga T3 Tân Sơn Nhất” bùng nổ lượt tìm kiếm sau khi hoạt động chính thức từ ngày 19/4.

Thời gian gần đây, người dùng còn quan tâm đến vấn đề hàng giả và quảng cáo sai sự thật. Lượng tìm kiếm các từ khóa liên quan đến “hàng giả” (thuốc giả, sữa giả, kẹo rau củ, lòng se điếu…) tăng 560%.

Các từ khóa mới như “bão Wutip” và “động đất Myanmar” cũng ghi nhận lượng tìm kiếm cao, cho thấy sự quan tâm đến các hiện tượng thiên tai, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến Việt Nam.

Các sự kiện quốc tế cũng thu hút nhiều chú ý trong quý II, chẳng hạn như “bảng thuế đối ứng của Donald Trump.

Những nhân vật nổi bật trong quý II

Quý II cũng chứng kiến sự quan tâm đến các tranh cãi xoay quanh người nổi tiếng. Không chỉ câu chuyện đằng sau bê bối, khán giả còn theo dõi cách người nổi tiếng phản hồi và xử lý khủng hoảng. Lượt tìm kiếm liên quan đến các KOL, nghệ sĩ gây tranh cãi trong quý II tăng khoảng 20-662% tùy nhân vật.

Bê bối xoay quanh sản xuất, quảng cáo kẹo rau củ Kera tiếp tục nằm trong top tìm kiếm quý II. Theo nhận định, người dùng hiện nay không chỉ quan tâm chất lượng sản phẩm mà còn theo sát mức độ minh bạch, trung thực và tuân thủ pháp luật của các cá nhân có ảnh hưởng.

 Người dùng tìm kiếm trên Internet. Ảnh: Cốc Cốc.

Người dùng tìm kiếm trên Internet. Ảnh: Cốc Cốc.

Người dùng còn thể hiện quan tâm đến các nhân vật trẻ, nổi bật trong lĩnh vực thể thao. Một số từ khóa chú ý gồm “Lamine Yamal” (lượt tìm kiếm tăng 129%), “Sinner” (140%), “Alcaraz” (151%), “Florian Writz” (450%) và “An Se Young” (42%).

Trong quý II, Song Ji Yoon với kênh YouTube “Potato Turtle” được cộng đồng mạng chú ý. Vlog ghi lại hành trình du lịch một mình của Song tại Ấn Độ với những trải nghiệm đời thường, chân thực và giàu cảm xúc đã thu hút sự chú ý từ khán giả.

Một số nhân vật trong nước được tìm kiếm nhiều quý II còn có “Lê Hoàng Hiệp”, “Đoàn Di Băng”, “chị Phiến/Khuyến Dương” hay “Phương Mỹ Chi”, trong khi nhóm từ khóa quốc tế gồm “Ronaldo”, “Putin”, “Donald Trump”, “G Dragon” hay “Messi”.

Công cụ AI và iPhone 17 thu hút quan tâm lớn

Những từ khóa công nghệ phổ biến trong quý II chủ yếu xoay quanh AI. Trong đó, “Grok 3” và “Gemini AI” ghi nhận mức tăng lần lượt 238% và 67% về lượng tìm kiếm.

Các công cụ AI chuyên biệt như “Leonardo AI”, “Pixverse AI”, “Remaker AI” và “Veo 3” được tìm kiếm đáng kể nhớ khả năng tạo video, thay đổi khuôn mặt và huấn luyện mô hình cá nhân hóa. Điều này cho thấy người dùng đang kỳ vọng nhiều hơn vào AI ứng dụng thực tiễn thay vì chỉ đối thoại đơn thuần.

Sự cố ChatGPT bị lỗi cũng tạo ra phản ứng mạnh. Từ khóa “ChatGPT sập/ChatGPT lỗi” ghi nhận mức tăng 133%. Điều này cũng co thấy sự phụ thuộc và mức độ quan tâm lớn với AI trong đời sống số.

 Một số từ khóa tìm kiếm thịnh hành thuộc nhóm công nghệ. Ảnh: Cốc Cốc.

Một số từ khóa tìm kiếm thịnh hành thuộc nhóm công nghệ. Ảnh: Cốc Cốc.

Cùng lúc, từ khóa “Telegram bị cấm tại Việt Nam” ghi nhận mức tăng đột biến 810%. Điều này kéo theo làn sóng tìm kiếm các nền tảng thay thế, chẳng hạn như “Lotus” với mức tăng 109%.

Quý II, từ khóa tìm kiếm thịnh hành liên quan đến sản phẩm công nghệ gồm “iPhone 17/iPhone 17 Air”, “OnePlus 13T”, “Nubia Neo 3”, “Huawei Watch Fit 4” hay “Redmi Note 14”, trong khi phần mềm công nghệ được quan tâm gồm “Scratch”, “Google Map”, “Grok 3”, “Veo 3”, “Leonardo AI” và “Gemini AI”.

Phim truyền hình, chương trình giải trí được yêu thích

Từ lóng trên Internet cũng là xu hướng tìm kiếm phổ biến. Khởi nguồn từ sự kiện diễu binh ngày 30/4, cụm từ “khối nghỉ hè” và “khối nghỉ hưu” bất ngờ lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Đây là 2 trong các từ lóng nổi bật của quý, ghi nhận mức tăng trưởng 13.315% trên công cụ tìm kiếm Cốc Cốc.

Cụ thể, cấu trúc “khối…” bắt nguồn từ các cụm “khối diễu binh”, “khối xe nghi trượng”, “khối sĩ quan” được sử dụng trong lễ diễu binh. Sau sự kiện này, từ “khối” được giới trẻ sử dụng trong đời sống thường nhật để tạo ra các biến thể mang sắc thái hài hước, giàu hình ảnh.

Những từ lóng phổ biến khác trong quý II còn có “brainrot”, “anh em mình cứ thế thôi hẹ hẹ hẹ”, “phiên chợ tình”, “mở bài hoang dã” hay “im đi gobi”.

 Các từ lóng và phim chiếu rạp được tìm kiếm nhiều trong quý II. Ảnh: Cốc Cốc.

Các từ lóng và phim chiếu rạp được tìm kiếm nhiều trong quý II. Ảnh: Cốc Cốc.

Trong lĩnh vực giải trí, xu hướng tìm kiếm quý II cho thấy khán giả chuyển hướng sang những tác phẩm khai thác chiều sâu tâm lý, nội dung nhân văn từ phim truyền hình đến điện ảnh.

Các phim truyền hình như “Weak Hero Class 2”, “Khom lưng”, “Lâm Giang Tiên” hay chương trình thực tế “Gia đình Haha” chứng kiến lượng tìm kiếm tăng vọt.

Một số phim truyền hình Việt như “Cha tôi người ở lại”, “Mẹ biển” và “Cầu vồng ở phía chân trời” ghi nhận mức tăng tìm kiếm lần lượt 262%, 17.076% và 8.713%.

Ở mảng điện ảnh, các tác phẩm Việt như “Thám tử Kiên”, “Địa đạo” và “Lật mặt 8” đều nhận được sự chú ý nhờ nội dung gắn kết lịch sử, tâm lý và giá trị gia đình. Vài chương trình truyền hình cũng thu hút sự quan tâm như “Em xinh say hi” (tăng 788%) và “Tân binh toàn năng” (tăng 794%).

Gia tăng tìm kiếm chính sách thuế, bóng đá quốc tế

Quý II còn chứng kiến gia tăng về tìm kiếm liên quan chính sách thuế và quy định tài chính mới. Các từ khóa như “quy định thuế mới/truy thu thuế” có lượng tìm kiếm tăng 44%, trong khi “giảm thuế giá trị gia tăng” tăng 82% so với quý trước. Đặc biệt, từ khóa “sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán” cũng tăng 41% về lượt tìm kiếm.

Người dùng còn quan tâm các quy định mới về chi tiêu tiền mặt khi từ khóa “quy định chi tiêu tiền mặt dưới 5 triệu được khấu trừ thuế GTGT” tăng 764%. Đây là dấu hiệu cho thấy ý thức pháp lý và nhu cầu minh bạch tài chính đang ngày càng gia tăng trên không gian số.

 Những từ khóa tìm kiếm phổ biến thuộc nhóm tài chính & bất động sản và giáo dục. Ảnh: Cốc Cốc.

Những từ khóa tìm kiếm phổ biến thuộc nhóm tài chính & bất động sản và giáo dục. Ảnh: Cốc Cốc.

Trong lĩnh vực thể thao, từ khóa “VPL S6” (một giải đấu bóng đá trong nước) thu hút sự quan tâm lớn trong quý II. Với thể thao quốc tế, giai đoạn cuối mùa bóng đá 2024/25 ghi nhận tăng trưởng đột biến về các giải đấu lớn như “chung kết C2” (tăng 90.440%), “UEFA Nations League” (6.602%) và “vòng loại Asian Cup” (5.817%).

Trong quý II, mùa tuyển sinh bước vào giai đoạn cao điểm. Từ khóa “đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2025” ghi nhận lượng tìm kiếm tăng 152.520%. Ngay sau kỳ thi, các tìm kiếm liên quan đến “đề thi THPT 2025” nhanh chóng bùng nổ.

Các từ khóa liên quan kỳ thi vào lớp 10 cũng tăng mạnh, chẳng hạn như “tra cứu điểm thi tuyển sinh lớp 10” (tăng 6.399%) và “đề văn minh họa thi vào 10 chương trình mới” (tăng 3.626%).

Với lĩnh vực phương tiện, một số từ khóa phổ biến như “limo green”, “cx5 2025”, “vento neo” hay “ducati superleggera v4”, trong khi nhóm du lịch có “địa đạo Củ Chi”, “thành phố Phan Rang”, “Cát Bà”, “Sri Lanka”, “Australia” hay “Bali”.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/sap-nhap-tinh-thanh-concert-quoc-gia-lot-top-tim-kiem-quy-ii-post1567085.html