Từ ước nguyện của Xồng Bá Dênh

'Năm 2012, tôi đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đoàn xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Câu hỏi hiện hữu trong tôi thời điểm đó là làm thế nào để thu hút, tập hợp thanh niên vào tổ chức đoàn, tạo nguồn quỹ tại chỗ?

 Xồng Bá Dênh (đứng giữa) nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2019.

Xồng Bá Dênh (đứng giữa) nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2019.

Tôi cũng băn khoăn về việc tại địa bàn mình sinh sống, còn nhiều thanh niên nghiện ma túy, có người vượt biên trái phép, sa vào tệ nạn xã hội. Từ trăn trở ấy, tôi luôn mang trong mình nguyện ước giúp thanh niên địa phương vươn lên thoát nghèo, hướng đến cuộc sống lành mạnh, có ích cho xã hội”. Chàng trai người H’Mông Xồng Bá Dênh trải lòng với chúng tôi như vậy khi kể về những ngày đầu tìm hướng giúp thanh niên địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Nghĩ là làm, Xồng Bá Dênh tiên phong xây dựng mô hình kinh tế cá nhân nhằm giúp thanh niên học tập, làm theo để nâng cao đời sống. Nắm chắc đất thổ nhưỡng phù hợp để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, anh quyết định chọn mô hình chăn nuôi trâu, bò và trồng gừng, cỏ voi. Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2014, do chưa có kinh nghiệm trong sản xuất và chăn nuôi, mô hình của anh chưa phát triển. Xồng Bá Dênh nảy ra ý định phối hợp với các chi đoàn, đơn vị trên địa bàn và cán bộ thú y xã tìm hiểu sâu về kỹ thuật chăn nuôi, phòng và trị bệnh cho gia súc, cây trồng. Nhờ cần cù, chịu khó và ham học hỏi, đến nay mô hình chăn nuôi của anh đã phát triển. Anh hiện có hơn 30 con trâu, bò. Trừ chi phí mỗi năm mô hình này cho thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng. Tận dụng quỹ đất gia đình vốn có, Xồng Bá Dênh trồng hơn 1,6ha gừng với tổng thu nhập bình quân hằng năm khoảng 60-100 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 đến 20 người.

Từ thành công của mình, ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm và giúp đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, Bí thư Đoàn xã Na Ngoi còn triển khai thực hiện xây dựng mô hình kinh tế thanh niên tập thể tại các chi đoàn nông thôn nhằm tạo nguồn quỹ hoạt động đoàn tại chỗ. Từ năm 2012 đến nay đã có 13/19 chi đoàn triển khai xây dựng mô hình trồng gừng kinh tế thanh niên tập thể, mang về từ 7,5 đến 12 triệu đồng/năm. Một số chi đoàn xây dựng mô hình trồng dong riềng và cây ngô cho thu hoạch từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng/năm. Song song với giúp thanh niên phát triển kinh tế, Xồng Bá Dênh cùng với Ban chấp hành đoàn xã tăng cường hỗ trợ tư vấn pháp luật, phối hợp tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Anh phấn khởi nói: “Những năm gần đây, nhắc đến thanh niên xã Na Ngoi, chúng tôi có thể tự hào là một trong những điểm sáng của huyện biên giới Kỳ Sơn”. Cuối năm 2019, Xồng Bá Dênh vinh dự là một trong 34 nhà nông trẻ tiêu biểu xuất sắc toàn quốc, được Trung ương Đoàn tặng Giải thưởng Lương Định Của.

Nguyện ước ban đầu đã thành hiện thực, nhưng Xồng Bá Dênh chưa khi nào thỏa mãn. Thời gian tới, anh lên kế hoạch chỉ đạo các chi đoàn triển khai xây dựng mô hình trồng sâm Ngọc Linh trên đỉnh núi Puxailaleng, vì sâm vừa giữ được rừng già, vừa có giá trị kinh tế cao. Anh dự định phối hợp với chi đoàn Tổng đội 10 Thanh niên xung phong xây dựng mô hình trồng cây thảo dược có giá trị kinh tế cao trên các ruộng bậc thang, khu đất trống. Trong tâm trí người bí thư đoàn xã trẻ tuổi lại nhen nhóm ước mơ: Đẩy mạnh hợp tác, giao lưu, phát triển kinh tế, từng bước giúp thanh niên tự tin tham gia hội nhập quốc tế.

Bài và ảnh: AN DUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tu-uoc-nguyen-cua-xong-ba-denh-613319