Tư vấn hướng nghiệp cho hơn 1.000 học sinh Thủ đô về khối ngành Luật - Kinh tế
Ngày 20/4, hơn 1.000 học sinh Hà Nội đã tham gia chương trình 'Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Luật - Kinh tế' tại Trường Trung học phổ thông Đồng Quan (huyện Phú Xuyên) để được tháo gỡ băn khoăn về việc chọn ngành, chọn nghề.
Các mốc thời gian trong xét tuyển đại học thí sinh cần lưu ý
Tại chương trình, bà Hoàng Thúy Nga - chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin về những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2024, đồng thời lưu ý thí sinh quy định về xét tuyển sớm.
Theo đó, năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ ổn định quy chế tuyển sinh như hai mùa tuyển sinh gần nhất. Điều này tạo tâm lý ổn định và vững tâm cho thí sinh.
Học sinh và phụ huynh cần lưu ý các mốc thời gian trong tuyển sinh đại học.
Cụ thể, từ ngày 18-30/7, thí sinh đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống, rút ngắn 8 ngày so với năm 2023.
Ngày 21/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm sàn khối ngành khoa học sức khỏe và sư phạm. Ngày 22/7 các trường đào tạo sức khỏe và sư phạm sẽ công bố điểm sàn của 2 khối ngành này. Từ ngày 31/7-6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển.
Trước 17 giờ ngày 19/8, tất cả các trường phải công bố điểm chuẩn. Sau đó, thí sinh xác nhận nhập học lên hệ thống từ ngày 19-27/8.
Bà Hoàng Thúy Nga cho biết, thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Đây là tài liệu rất quan trọng để các em ôn tập cho kỳ thi sắp tới.
Một số điểm quan trọng thí sinh cần nắm vững, để tránh xảy ra sai sót không đáng có, ảnh hưởng đến cơ hội của các em khi ứng tuyển. Đó là, ở mùa tuyển sinh 2024, giống như năm trước, toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. Đây là điểm các em cần lưu ý.
"Chúng ta có thể thực hiện những bước này ở bất kỳ đâu, với phương tiện là máy tính kết nối Internet. Các em không bỏ lỡ những cột mốc quan trọng, bởi toàn hệ thống không thể chờ đợi một vài thí sinh để quay ngược trở lại những khâu trước đó. Chính vì thế, phải bám sát quy trình này", bà Nga nhấn mạnh.
Cũng theo bà Nga, một điểm nữa Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đặc biệt lưu ý thí sinh, đó là việc tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học.
Các em cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn, không được bỏ lỡ các thời hạn đó.
Bên cạnh đó, tất cả nguyện vọng của các em dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ. Điều này vô cùng quan trọng.
Nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, các em sẽ không được ghi nhận, không thể chính thức trúng tuyển và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở vài trường đi chăng nữa. Các em cần nhập nguyện vọng của mình lên hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng một là cao nhất, sau đó đến nguyện vọng tiếp theo.
5 bước chọn ngành, nghề phù hợp, đúng xu hướng
Trả lời câu hỏi làm thế nào để lựa chọn ngành, nghề phù hợp, đúng xu hướng, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Vân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô chia sẻ, tại thời điểm này, hầu hết các học sinh đã có định hướng ngành nghề của mình. Tuy nhiên, cũng sẽ có những bạn học sinh còn đắn đo giữa các ngành nghề đang lựa chọn.
"Có bạn sẽ vừa muốn làm luật sư, vừa muốn làm giám đốc doanh nghiệp… Hai ngành này đều "hot". Đặc biệt, nhóm ngành Kinh tế có rất nhiều lựa chọn càng khiến các em đắn đo", Tiến sĩ Nguyễn Thúy Vân chia sẻ, đồng thời đưa ra 5 bước chọn nghề như sau:
Thứ nhất, các em cần sắp xếp thứ tự ngành nghề mình yêu thích.
Thứ hai, các em phải xác định thế mạnh bản thân.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thúy Vân, phần lớn các em học sinh trên địa bàn huyện Phú Xuyên có điểm mạnh là phần lớn theo học khối A. Trong khi hiện nay, phần lớn các trường sử dụng kết quả xét tuyển học bạ đều có môn Toán nên đây sẽ là thế mạnh cho các em khi lựa chọn học các ngành Kinh tế và Luật.
Thứ ba, các em cần tìm hiểu các doanh nghiệp đang tuyển dụng các vị trí nào đối với ngành nghề mình theo học; xu hướng và nhu cầu tuyển dụng của xã hội.
Thứ tư, các em phải căn cứ vào điều kiện kinh tế gia đình để chọn ngành nghề cho phù hợp. Bởi muốn học kinh tế, muốn đi du học nhưng điều kiện gia đình có hạn thì cũng rất khó thực hiện. Hiện, trong nước có nhiều trường chất lượng, đào tạo chuyên môn sâu nên các em cũng sẽ có rất nhiều cơ hội chọn ngành học phù hợp với sở thích và điều kiện gia đình.
"Cuối cùng người quyết định là các em. Mong các em chọn đúng ngành, đúng nghề và đi đúng hướng", Tiến sĩ Nguyễn Thúy Vân nhấn mạnh.
Học Luật không chỉ làm luật sư
Trao đổi về cơ hội việc làm của ngành Luật, bà Lê Thị Thanh Huyền - Luật sư điều hành Công ty Luật HTH Global và Cộng sự cho biết, hiện nay, nhóm ngành Kinh tế và Luật có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trên 90%, trong đó có rất nhiều ngành các em thích.
Có một số thông tin cho rằng ngành Luật thừa nhân sự, sinh viên ra trường khó xin việc?
Học ngành Luật không chỉ ra trường để làm luật sư, mà thực tế đời sống cần nhiều kiến thức của các sinh viên Luật ra trường.
Hiện, ngành luật có nhiều chuyên ngành: Luật hiến pháp, dân sự, hình sự, kinh tế… để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội. Vì vậy khi học Luật sẽ làm được rất nhiều công việc khác nhau trong xã hội.
Chính vì thế, thông tin cho rằng ngành Luật thừa nhân sự, sinh viên ra trường khó xin việc không có căn cứ, bởi các bạn sinh viên ra trường có thể làm thẩm phán, công chứng viên, nhà báo…
"Ví dụ, nhiều bạn học sinh thích kinh doanh, muốn làm giám đốc… đều phải hoạt động đúng pháp luật. Ngoài làm đúng chuyên ngành luật như thẩm phán, kiểm soát viên, điều tra viên, ta có thể làm tư vấn pháp luật cho các công ty, tập đoàn… Việc này thực tế có thu nhập rất cao.
Theo nhiều thông tin, mức lương trung bình trên 15 triệu thì 90% rơi vào ngành Luật. Cơ hội và thu nhập trải dài trên tất cả các lĩnh vực của ngành này. Cơ hội cũng chia đều cho các bạn đang tham gia buổi đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp hôm nay. Tuy nhiên, để theo học ngành này, trước hết các em phải xác định mục tiêu và đam mê", Luật sư Lê Thị Thanh Huyền nói.
Theo Luật sư Lê Thị Thanh Huyền, ngành Luật ngoài kiến thức trong nhà trường, cần đòi hỏi kiến thức, kỹ năng mềm như: Thuyết trình, tổ chức công việc, tận dụng các chi tiết hay, đặc biệt trong thời buổi kinh tế hội nhập, thì ngoại ngữ là kỹ năng cực kỳ quan trọng (luật sư thành thạo ngoại ngữ có thu nhập gấp 2, gấp 3 luật sư không có ngoại ngữ).
Tiếp nữa, vấn đề thừa hay thiếu còn phụ thuộc vào chất lượng luật sư như nào. Ở trường đào tạo ngành luật, có nhiều bạn sinh viên đang theo học đã được mời theo các vụ việc.
Từ thực tế trên có thể thấy, sự phấn đấu, học tập, trau dồi kỹ năng mềm, trải nghiệm thực tế thì sẽ có nhiều cơ hội trong ngành này.
Tiếp nối chương trình, chuyên gia từ các trường đại học đã trả lời câu hỏi của học sinh về định hướng nghề nghiệp, chọn ngành, chọn trường; đồng thời đưa lời khuyên cho học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề để vừa phù hợp với năng lực bản thân vừa đúng ngành nghề yêu thích.
Chương trình "Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Luật - Kinh tế" là hoạt động trong chuỗi chương trình đối thoại, tư vấn hướng nghiệp dành cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội do báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Trường Đại học Thành đô, Đại học Thủ đô Hà Nội và các đơn vị tổ chức nhằm kịp thời cung cấp cho các học sinh trung học phổ thông những thông tin hữu ích, thiết thực về các ngành học, tư vấn chọn trường, chọn nghề cũng như gặp gỡ trực tiếp với những người thành công trong ngành để giúp các em hiểu và có động lực theo đuổi ước mơ.