Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số
Tháng Hành động quốc gia về Dân số (tháng 12) năm nay có chủ đề: 'Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước'. Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn chính là khâu chuẩn bị đầu tiên và quan trọng để các cặp đôi tự tin, chủ động hơn khi bước vào cuộc sống hôn nhân gia đình.
Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn gồm khám sức khỏe tổng thể và khám cơ quan sinh sản. Việc khám sức khỏe tổng thể nhằm phát hiện ra bệnh, tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và người bạn đời như bệnh Thalassemia, HIV, viêm gan B, C hay các bệnh di truyền, bệnh tim, bệnh về đường tình dục… Khám cơ quan sinh sản nhằm phát hiện những bất thường về cấu tạo giải phẫu cũng như chức năng hoạt động của cơ quan sinh dục; các bệnh viêm nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường tình dục... Trên cơ sở đó tìm các giải pháp chữa trị kịp thời các bệnh tật có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, đến việc sinh đẻ của người chuẩn bị bước vào hôn nhân, chuẩn bị bước vào quá trình sinh sản để đảm bảo chất lượng giống nòi nói chung, hạnh phúc của từng cặp vợ chồng nói riêng, góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững, sinh những đứa con khỏe mạnh.
Từ năm 2011, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thái Bình đã triển khai mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân" hướng tới hai mục tiêu: Đáp ứng cơ bản nhu cầu cần được thông tin, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên; Khám sức khỏe, phát hiện, tư vấn cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn về phòng tránh, điều trị các nguy cơ sinh con bị khuyết tật, dị tật. Tại các địa bàn triển khai mô hình, các câu lạc bộ Tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân được thành lập với nhiều hoạt động phong phú, xây dựng góc kiến thức về dân số/SKSS/KHHGĐ tại các xã; tuyên truyền, cung cấp thông tin về sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai, chẩn đoán thai sớm; khám sức khỏe cho các bạn trẻ trước khi kết hôn… Đến năm 2023, tại 24 xã thuộc 8 huyện/thành phố triển khai mô hình đã xây dựng và duy trì hoạt động của 131 câu lạc bộ, thu hút hơn 10.000 vị thành niên và thanh niên tham gia sinh hoạt.
Trong năm 2023, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế 8 huyện, thành phố tổ chức 12 hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về Dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên tại 12 trường THCS, THPT với sự tham dự của gần 20.000 giáo viên, học sinh. Tổ chức 20 hội nghị truyền thông trực tiếp và 10 ngày tư vấn trực tiếp về chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên và tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn cho hàng nghìn đối tượng là học sinh các trường THCS, THPT, vị thành niên, thanh niên tại các xã, phường, thị trấn. Phối hợp với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh và Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tổ chức 03 hội nghị phổ biến về tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho Ủy viên Ban Chấp hành Chi đoàn các xã; Bí thư, Phó Bí thư, đoàn viên các cơ sở đoàn trực thuộc và Hội viên các xã.
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, Chi cục Dân số đã tổ chức 4 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân cho 429 học viên là cán bộ phòng Dân số - TTGDSK, Trung tâm Y tế huyện, thành phố, chức danh 2 và chức danh 6 của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.
Sau hơn 10 năm triển khai, mô hình Tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, giúp thay đổi cách nghĩ của một bộ phận giới trẻ về lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân góp phần hạn chế tình trạng nạo phá thai, giảm tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh, tạo tiền đề quan trọng cho việc nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, hiệu quả mô hình mang lại chưa thực sự cao. Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn còn hạn chế; kinh phí ngày càng cắt giảm nên việc triển khai, duy trì các hoạt động gặp khó khăn. Số lượng đối tượng thường xuyên tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ ở xã/phường còn hạn chế do đặc thù thanh niên đi làm ăn xa. Bên cạnh đó, sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai các hoạt động của mô hình mới dừng lại ở hình thức truyền thông- giáo dục; chưa xây dựng được cơ chế để thành lập điểm khám sức khỏe trước khi kết hôn tại tuyến cơ sở.
Trong thời gian tới, Chi cục Dân số-KHHGĐ sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể là thành viên Ban chỉ đạo công tác Dân số và phát triển, các đơn vị trong ngành y tế tăng cường truyền thông, tư vấn nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là vị thành niên, thanh niên về lợi ích của khám sức khỏe trước khi kết hôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số/SKSS/KHHGĐ... Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 07/8/2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết 137/NQ-CP, Kế hoạch 61-KH/TU: 80% nam nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vào năm 2025 và tăng lên 90% vào năm 20230.
Thu Hà
(Chi cục DS-KHHGĐ Thái Bình)