Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình
Ngày 26/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Lễ Mít tinh kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam (26/12) với chủ đề 'Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước' và Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Tham dự chương trình có PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế, TS. Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Dân số, bà Hoàng Thị Thơm - Phó Cục trưởng Cục Dân số, cùng đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương, đại diện lãnh đạo UBND, Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) các tỉnh, thành phố, đại diện Trung tâm sàng lọc các khu vực.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Hương Liên - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, năm 2023 Bộ Y tế chọn chủ đề "Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước” nhằm mục tiêu tạo sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về việc sức khỏe người dân, chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt là đối với lớp trẻ, nhóm đối tượng thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn để phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững.
Công tác dân số vừa cấp bách, nhưng cũng vừa cơ bản và lâu dài, có ý nghĩa quyết định quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nhất là về công tác cán bộ, sớm kiện toàn ổn định tổ chức bộ máy và nhân lực làm công tác dân số, đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ dân số; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời cho công tác dân số, tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo dân số và phát triển ở các cấp, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, các chương trình, đề án, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cần cung cấp miễn phí phương tiện tránh thai cho các đối tượng ưu tiên
Ông Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Chỉ đạo công tác Dân số tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm gần 84%, 88 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 chiếm 5,92%. Những năm trước đây, quan niệm và nhận thức về dân số và giới tính trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn chưa cao, coi trọng nam hơn nữ,...
Công tác tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn một số khó khăn như nhận thức của người dân về tầm quan trọng của khám sức khỏe tiền hôn nhân chưa cao; tình trạng di cư tạm thời từ nông thôn ra thành phố và đi lao động tại các khu công nghiệp đã gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát dân số cũng như công tác tuyên truyền chính sách về dân số và phát triển.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc. Đồng thời, chỉ đạo lồng ghép y tế dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa công tác dân số và phát triển. Đặc biệt thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, nhất là đội ngũ Cộng tác viên dân số ở cơ sở đã tuyên truyền lồng ghép vào các buổi sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa, quy định trong hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư… Các hoạt động về chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng dân số được tập trung đẩy mạnh thông qua các chương trình, đề án, dự án.
Mặc dù tỉnh đã quan tâm đầu tư bố trí kinh phí cho các hoạt động về công tác dân số, tuy nhiên chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới, nhất là đối với việc triển khai tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho nam nữ thanh niên, vị thành niên. Việc sáp nhập đơn vị hành chính; sắp xếp tổ chức bộ máy… cũng ảnh hưởng đến mạng lưới cán bộ làm công tác dân số, nhất là ở cơ sở.
Theo ông, nguyên nhân của khó khăn này do quy định hiện nay chưa bắt buộc khám sức khỏe trước khi kết hôn, vì vậy công tác tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế của Pháp lệnh Dân số và giải quyết những vấn đề mới phát sinh về công tác Dân số và phát triển, ông Dương Xuân Huyên đề xuất với Bộ Y tế, các Bộ ngành Trung ương một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, quan tâm cân đối, dành kinh phí cho công tác truyền thông, giáo dục, sát với yêu cầu thực tiễn nhất là ở tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những nội dung cơ bản và quan trọng nhất của công tác dân số.
Thứ hai, đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng thống nhất trên toàn quốc có phân theo vùng và khu vực để có cơ sở chi trả thù lao cho đội ngũ này. Đồng thời chỉ đạo thống nhất tổ chức bộ máy làm công tác dân số cấp tỉnh.
Thứ ba, tiếp tục cung cấp miễn phí phương tiện tránh thai cho các đối tượng ưu tiên theo quy định của chương trình và chính sách hỗ trợ của địa phương; đồng thời đẩy mạnh các đề án xã hội hóa về bảo đảm hậu cần và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ; dịch vụ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.