Tư vấn, phản biện dự thảo nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Giang
Ngày 4/4, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang tổ chức tư vấn, phản biện dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về 'Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'.
Dự thảo Nghị quyết gồm 5 phần: Tình hình và nguyên nhân; quan điểm, mục tiêu; nhiệm vụ; giải pháp; tổ chức thực hiện. Qua thảo luận, các ý kiến đánh giá dự thảo Nghị quyết đã đề cập khái quát quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Giang trong thời gian qua; nêu được những hạn chế và một số nguyên nhân cần khắc phục trong thực hiện nhiệm vụ này đến năm 2030.
Các quan điểm, mục tiêu chung và riêng đều được đề cập tương đối đầy đủ, sát với thực tiễn của tỉnh. Ban soạn thảo có nhiều cố gắng trong đề xuất 7 nhiệm vụ, 4 giải pháp. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết cũng được đề cập đầy đủ, toàn diện.
Tuy nhiên dự thảo còn một số nội dung cần bổ sung, chỉnh sửa như có thể gộp phần nhiệm vụ và giải pháp thành mục chung; đồng thời chỉ cần nêu mục tiêu chính, không cần quá chí tiết; số liệu quá nhiều.
Theo ông Nguyễn Thế Chính, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự thảo Nghị quyết chưa có mục tiêu về văn hóa đối ngoại; cần cân nhắc một số mục tiêu khó thực hiện như: 100% thanh thiếu niên không mắc tệ nạn xã hội; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 90%.
Ông Chính cũng đề nghị cần nêu rõ đặc trưng nổi bật của con người Bắc Giang, bản sắc văn hóa, con người Bắc Giang; đồng thời làm rõ hơn nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh của tỉnh trong thời gian tới.
PGS.TS Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nêu, trên địa bàn tỉnh có nhiều làng nghề ẩm thực, vùng cây ăn quả, đó là thế mạnh cần chú trọng xây dựng, quảng bá. Do đó nên đưa vào dự thảo Nghị quyết nhiệm vụ tăng cường giáo dục nghệ thuật như âm nhạc, hội họa trong trường học; quan tâm xây dựng nhiều không gian nghệ thuật công cộng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí cho nhân dân.
Quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là chèo cổ, hát ví, hát ống, võ sáo…; tiếp tục tập trung nguồn lực xây dựng các điểm du lịch trọng điểm…
Các ý kiến cũng đề nghị dự thảo Nghị quyết cần bám sát các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới... để sắp xếp đúng trình tự, tránh trùng lặp, dàn trải.
Kết luận hội thảo, đồng chí Ngô Chí Vinh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh khái quát ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tin, ảnh: Trung Anh