Từ việc 3 luật sư từng bào chữa vụ Tịnh Thất Bồng Lai bị truy tìm: Khi nào truy tìm, khi nào truy nã?
Theo luật sư, truy tìm không đồng nghĩa với việc đối tượng đang bị tìm đã được xác định là vi phạm pháp luật, mà là để phục vụ việc xác định sự thật vụ án...
Như PLO đã thông tin, công an tỉnh Long An đã ra quyết định truy tìm 3 người (từng là luật sư cho các bị cáo trong vụ Tịnh Thất Bồng Lai) vì đã được triệu tập nhiều lần để phục vụ việc xác minh tin báo tội phạm nhưng vắng mặt không có lý do; công an nơi cư trú và thân nhân xác nhận những người này đi đâu, làm gì không rõ và không liên lạc được.
Từ đây, nhiều bạn đọc thắc mắc là khi nào thì công an sẽ truy tìm và khi nào thì sẽ truy nã?
Trao đổi với PLO, luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, truy tìm là thuật ngữ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động điều tra phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Theo đó, truy tìm là việc tìm kiếm nạn nhân chưa rõ tung tích, người liên quan đến vụ án mất tích, đối tượng gây án bỏ trốn chưa rõ lai lịch, nhân chứng, vật chứng của vụ án hình sự phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử…
Theo LS Tuấn, trong hoạt động điều tra, khi xác định chưa rõ được đối tượng, nhằm làm rõ vụ án mà họ đang điều tra thì CQĐT truy tìm. Tuy nhiên, truy tìm không đồng nghĩa với việc đối tượng đang bị tìm đã được xác định là vi phạm pháp luật, mà là để xác định sự thật vụ án mà đối tượng truy tìm có liên quan hay không, có vi phạm pháp luật hay không… Ví dụ như trong hoạt động điều tra về nạn nhân chưa rõ tung tích, người mất tích, bị hại cần truy tìm để làm sáng tỏ về thiệt hại hoặc đối tượng gây án bỏ trốn chưa rõ lai lịch, nhân chứng, vật chứng...thì CQĐT truy tìm để phục vụ công tác điều tra.
Trong khi đó, truy nã là nghiệp vụ của lực lượng công an để phát hiện, tìm kiếm, bắt giữ người có hành vi phạm tội đang lẩn trốn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phạt tù hoặc tử hình. Hay nói cách khác, truy nã là việc CQĐT ra quyết định để tìm tung tích của người vi phạm pháp luật hình sự (đã có hoặc chưa có bản án xét xử của tòa án) khi người đó bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.
Theo LS Tuấn, các đối tượng bị truy nã là các bị can, bị cáo bỏ trốn, người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn, người bị kết án phạt tù bỏ trốn, người bị kết án tử hình bỏ trốn, người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.
Phân tích thêm về sự khác biệt giữa truy tìm và truy nã, LS Nguyễn Quốc Cường (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng về phạm vi áp dụng, truy nã chỉ được áp dụng trong hoạt động tố tụng hình sự và thi hành án hình sự, còn truy tìm được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động điều tra.
Về chủ thể có thẩm quyền ra quyết định, quyết định truy nã thì chỉ có CQĐT có thẩm quyền ra quyết định. Trong khi đó, quyết định truy tìm thì ngoài CQĐT (trong lĩnh vực hình sự) thì các cơ quan, tổ chức khác cũng có thẩm quyền ra quyết định truy tìm đối với nạn nhân, người mất tích, nhân chứng.
Về căn cứ ra quyết định, theo LS Cường, cơ quan có thẩm quyền chỉ ra quyết định truy nã khi hội đủ 3 điều kiện: (1) Thuộc các đối tượng mà pháp luật quy định; (2) Khi đối tượng đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu mặc dù đã tiến hành các biện pháp cần thiết nhưng không có kết quả; (3) Xác định rõ lý lịch, đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn. Còn truy tìm là khi xét thấy cần thiết để phục vụ cho công tác điều tra hoặc trong các lĩnh vực khác.