Từ vịt quay Bắc Kinh đến ôtô, Covid-19 tàn phá các công ty Trung Quốc
Khảo sát của Nikkei Asian Review cho thấy hơn 40% doanh nghiệp niêm yết tại Trung Quốc thua lỗ nặng trong quý I khi dịch virus corona chủng mới tàn phá nền kinh tế.
Khảo sát của Nikkei Asian Review cho thấy kể từ khi bùng lên từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), dịch Covid-19 đã đập nát nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ của hàng loạt ngành công nghiệp Trung Quốc, từ nhà hàng, bất động sản đến đồ gia dụng và ôtô.
Gần 720 trong tổng số 1.650 công ty niêm yết tham gia cuộc khảo sát báo lỗ quý I. Tổng cộng 70% doanh nghiệp lỗ hoặc giảm lợi nhuận ròng đáng kể trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến 3. Đây là quý I tồi tệ nhất đối với các doanh nghiệp Trung Quốc kể từ năm 2003.
"Nhân viên của chúng tôi không được vào các tòa nhà để lắp máy điều hòa nhiệt độ", bà Dong Mingzhu, Chủ tịch Gree Electric Electrical than thở. Lợi nhuận ròng của Gee lao dốc 70%.
Các nhà sản xuất đồ gia dụng quy mô nhỏ và vừa thiệt hại lớn hơn. Nhiều nhà sản xuất thép, ôtô và các doanh nghiệp lớn khác chưa công bố doanh thu quý I, do đó giới chuyên gia cho rằng bức tranh toàn cảnh kinh tế Trung Quốc thậm chí còn ảm đạm hơn.
Xuất khẩu Trung Quốc lao dốc 13% trong quý I, tiêu dùng trong nước tê liệt vì các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập đông người. Doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng sụt giảm 15,8% trong tháng 3.
Tập đoàn China Quanjude - điều hành chuỗi nhà hàng vịt quay Bắc Kinh lớn - lỗ ròng 100 triệu NDT (14,1 triệu USD) trong quý đầu tiên. Hơn 80% nhà hàng của China Quanjude đóng cửa vào tháng 2. Sau khi các nhà được mở cửa trở lại, khách hàng vẫn ngần ngại tổ chức hội họp và sự kiện tại đây.
Những công ty đạt doanh thu rất cao các năm trước cũng không miễn nhiễm với virus corona chủng mới. Nhà sản xuất rượu Quý Châu Mao Đài chứng kiến lãi ròng tăng 17% năm 2019, nhưng doanh số cũng lao dốc nghiêm trọng trong quý I.
Ngành bất động sản đối mặt áp lực giảm giá dữ dội. China Evergrande Group - tập đoàn địa ốc hàng đầu Trung Quốc - giảm giá bất động sản khoảng 20% kể từ khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Các đại gia khác lỗ nặng là Wanda Film của tỷ phú Vương Kiện Lâm, hãng phim Hoa Nghị Huynh Đệ, hãng hàng không Shandong Airlines và China Express Airlines. Hãng bán lẻ hàng điện tử Suning.com lỗ 85 triệu USD.
Tăng trưởng lợi nhuận chỉ giới hạn ở các lĩnh vực y tế, thực phẩm và giải trí trực tuyến. Những công ty như Muyuan Foods, Perfect Word và Shenzhen Mindray Bio-Medical Electronics báo lãi.
Giới quan sát nhận định các công ty sẽ tiếp tục đối mặt tình trạng sụt giảm lợi nhuận hoặc lỗ nếu giảm đầu tư và tuyển dụng để tiết kiệm chi phí. Nhu cầu toàn cầu lao dốc vì dịch hoành hành ở Mỹ và châu Âu cũng ảnh hưởng tiêu cực tới sự phục hồi của các doanh nghiệp Trung Quốc.