Từ vỏ sầu riêng bỏ đi, nhóm sinh viên chuyển hóa thành vật liệu lưu trữ năng lượng

Đề tài 'Nghiên cứu chuyển hóa vỏ sầu riêng thành graphitic carbon ứng dụng làm vật liệu lưu trữ năng lượng' của nhóm sinh viên trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) là một trong 10 sáng kiến xuất sắc nhất tại cuộc thi 'Sáng kiến thanh niên về chuyển đổi năng lượng và đảm bảo công bằng xã hội'. Nhóm nhận về giải thưởng 50 triệu đồng (bao gồm hỗ trợ về tài chính và chuyên môn) để triển khai hoạt động trong vòng 6 tháng.

Nhóm sinh viên gồm: Bùi Đặng Đăng Khoa, Chế Quang Công, Lê Hoàng Long, Phan Phạm Đức Minh (cùng là sinh viên K2020, khoa Kỹ thuật Hóa học, trường ĐH Bách khoa) và Phạm Nguyễn Đăng Tuyên (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM).

Đăng Khoa cho biết sau khi nghe chia sẻ từ ThS. BS Nguyễn Hữu Đức Minh (trường ĐH Y Dược TP.HCM) cũng như các bác sĩ y học cổ truyền về phương pháp điều trị Đông y, nhóm biết được rằng, vấn đề bất cập của máy điện châm lưu động truyền xung điện thường do pin yếu và có tuổi thọ ngắn. Do đó, nhóm định hướng nghiên cứu siêu tụ điện trữ năng lượng để ứng dụng vào ắc quy nhằm nâng cao tuổi thọ thiết bị điện tử hoặc phương tiện giao thông.

Bốn thành viên trong nhóm nghiên cứu. (Ảnh: NVCC)

Bốn thành viên trong nhóm nghiên cứu. (Ảnh: NVCC)

Nhận thấy tiềm năng của Carbon Aerogel trong sản xuất siêu tụ điện và đã có nền tảng trước đó về Carbon Aerogel, nhóm quyết định chọn hướng nghiên cứu về loại vật liệu này. Điều đặc biệt nhất là nhóm phát hiện ra tiền chất tổng hợp Carbon Aerogel có thể lấy hoàn toàn từ vỏ trắng sầu riêng, là một “mỏ vàng bị lãng quên” trong nông nghiệp. Các quy trình tổng hợp trước đó còn phức tạp, tốn hóa chất nên nhóm cũng đã đi tìm giải pháp xanh hơn, hạn chế hóa chất.

Đăng Khoa chia sẻ: “Đề tài của nhóm tiếp tục được đến bây giờ cũng nhờ sự đam mê và tâm huyết của các bạn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (y tế, hóa học, xã hội). Sự liên ngành là chìa khóa để nhóm tìm ra giải pháp sáng tạo và phù hợp với các tiêu chí khả thi - bền vững”.

Quy trình biến vỏ sầu riêng bỏ đi chuyển hóa thành làm vật liệu lưu trữ năng lượng.

Quy trình biến vỏ sầu riêng bỏ đi chuyển hóa thành làm vật liệu lưu trữ năng lượng.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm luôn nhận được sự hướng dẫn của ThS. BS Nguyễn Hữu Đức Minh, PGS. TS Lê Thị Kim Phụng, TS Đặng Văn Hân và PGS. TS Nguyễn Đình Quân (khoa Kỹ thuật Hóa học).

PGS. TS Nguyễn Đình Quân cho rằng, bằng việc ứng dụng vật liệu carbon với cấu trúc xốp đặc biệt từ vỏ sầu riêng để tái tạo và lưu trữ năng lượng, ý tưởng tận dụng nguyên liệu phế – phụ phẩm nông nghiệp của nhóm mang ý nghĩa thiết thực và mang tính thời sự cao.

Cuộc thi "Sáng kiến thanh niên về chuyển đổi năng lượng và đảm bảo công bằng xã hội” được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu Xây dựng Năng lực Thích ứng (CAB) và Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn) và Viện Friedrich-Ebert-Stiftung Việt Nam (FES Việt Nam), tại Đà Nẵng, từ ngày 19/1 - 22/1/2024.

Hà Chi

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tu-vo-sau-rieng-bo-di-nhom-sinh-vien-chuyen-hoa-thanh-vat-lieu-luu-tru-nang-luong-post1615235.tpo