Tử vong vì bệnh dại do chó Phốc nhà hàng xóm cắn
Do chủ quan khi bị con chó nhỏ cắn, người đàn ông xuất hiện triệu chứng sợ gió, sợ nước và tử vong chỉ sau 4 ngày.
Thông tin do ông Võ Ngọc Thạnh, Điều dưỡng Trưởng khoa, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM), chia sẻ với Zing mới đây. Nạn nhân là người đàn ông 40 tuổi, quê ở tỉnh Bến Tre, làm nghề giết mổ thịt chó.
Trước khi nhập viện 4 ngày, người đàn ông này đến nhà hàng xóm để bắt chó. Lúc này, ông bị một con chó nhỏ khác thuộc giống Phốc của chủ nhà cắn vào tay.
Vốn nhiều năm làm công việc tiếp xúc với chó, đã được tiêm dự phòng bệnh từ trước và chủ quan với chó nhà, ông không đi tiêm vaccine dại.
Bốn ngày sau, trong lúc đang ăn phở, người đàn ông bất ngờ phát hiện bản thân bị hướt và co giật nhẹ khi gặp nước súp. Nhận thấy có nguy cơ bị dại, ông lập tức đến bệnh viện tỉnh để khám, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Không lâu sau đó, người đàn ông tử vong.
Ông Thạnh kể lại: “Bệnh nhân trong trạng thái tỉnh táo, sợ nước và sợ gió. Trong lúc khai thác bệnh sử, tôi thấy ông rất có kiến thức về bệnh dại, việc tiêm ngừa vaccine cũng như các triệu chứng khi phát bệnh. Tuy nhiên, ông ấy lại chủ quan dẫn đến tình huống đáng tiếc như thế này”.
Theo ông Thạnh, trong tháng 2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ghi nhận khoảng 6.540 lượt tiêm phòng vaccine dại và 5.830 ca. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện có khoảng 220-250 người đến tiêm vaccine.
Trong đó, tiêm vaccine phòng bệnh dại chiếm 70-80%, tương đương khoảng 180-200 ca, bao gồm tiêm mũi mới và mũi nhắc lại. So với cùng kỳ năm 2020 và 2021, số lượng tiêm vaccine dại tại đơn vị này tăng gần 130-140%.
Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước ghi nhận trường hợp tử vong vì bệnh dại. Đa số người bệnh không tiêm vaccine dại sau khi bị chó cắn và chủ quan với chó nhà, giống chó nhỏ.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại được lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, liếm, xước trên da... vào cơ thể.
Để phòng ngừa bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với virus dại như cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với virus dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân và người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại cần tiêm vaccine dự phòng.
Ngoài ra, khi bị động vật cắn, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và tiêm phòng kịp thời.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tu-vong-vi-benh-dai-do-cho-phoc-nha-hang-xom-can-post1416239.html