Từ vụ 267 triệu người dùng Facebook bị lộ dữ liệu và những điều bạn cần biết để bảo vệ bản thân
Dù bạn có nằm trong số 267 triệu người dùng Facebook bị lộ dữ liệu hay không, bạn vẫn nên thực hiện các biện pháp để bảo vệ thông tin cá nhân của mình theo chỉ dẫn của chuyên gia bảo mật Tom'sguide.
Mới đây, nhà nghiên cứu bảo mật Bob Diachenko vừa cho biết đã phát hiện ra hơn 267 triệu người dùng Facebook đã bị lộ ID, số điện thoại và tên trên Internet.
Theo nhà nghiên cứu bảo mật, đa số thông tin từ dữ liệu này thuộc về nhóm người dùng Facebook tại Mỹ, trong đó bao gồm thông tin về ID, số điện thoại và họ tên người dùng.
Theo Bob Diachenko, cơ sở dữ liệu kể trên xuất hiện lần đầu tiên trên Internet từ ngày 4/12 vừa qua, nhưng được chia sẻ dưới dạng dữ liệu riêng tư. Đến ngày 12/12, cơ sở dữ liệu này đã được chia sẻ công khai trên một diễn đàn dành cho các tin tặc và cho phép mọi người có thể tải miễn phí về máy của mình.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Facebook làm lộ lọt dữ liệu của người dùng, chẳng hạn như vào đầu năm 2018, mạng xã hội này đã phải đối mặt với sự chỉ trích và tẩy chay của người dùng vì bê bối Cambridge Analytica, một hãng phân tích dữ liệu người dùng tại Anh đã thu thập trái phép dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng. Facebook dù biết được điều này nhưng đã chọn im lặng cho đến khi sự việc bị phanh phui trên khắp mặt báo.
Với hàng loạt bê bối lớn nhỏ kể từ khi thành lập, Facebook dường như đã trở thành “gương mặt vàng trong làng bê bối” của giới công nghệ tại Mỹ, và sự việc mới đây có lẽ cũng không khiến nhiều người bất ngờ. Dẫu vậy, bê bối mới nhất của Facebook vẫn có một ý nghĩa nhất định với chúng ta, những người đang sử dụng Facebook đến từ mọi nơi trên thế giới.
Theo Tom’sguide, đây là những gì bạn cần biết và thực hiện để bảo vệ chính mình:
Bạn sẽ đối mặt với những nguy hiểm nào nếu chẳng may nằm trong nhóm người bị lộ lọt dữ liệu?
Nếu chẳng may bạn là người nằm trong số 267 triệu người dùng bị lộ dữ liệu mới đây, nhiều khả năng bạn sẽ phải đối mặt với những cuộc gọi quảng cáo, nhận tin nhắn – email lừa đảo,…
Ai là người đứng đằng sau vụ việc?
Sau khi phát hiện có hơn 267 triệu người dùng Facebook bị lộ lọt dữ liệu, Bob Diachenko đã thử truy tìm dấu vết về nguồn gốc phát tán của cơ sở dữ liệu kể trên và phát hiện dấu hiệu cho thấy, các hacker Việt Nam là những người đứng sau vụ việc. Đặc biệt, một bức ảnh chụp màn hình được cung cấp từ Comparitech cũng cho thấy từ ngữ được các hacker sử dụng là “Đăng nhập”, một từ ngữ Việt Nam.
Facebook nói gì về vụ việc?
Facebook nói rằng hãng này đang điều tra vấn đề, nhưng “tin rằng đây là những thông tin được thu thập trước khi Facebook thực hiện những thay đổi một vài năm trước để bảo vệ thông tin người dùng tốt hơn.”
Bạn cần làm gì để bảo vệ thông tin cá nhân?
Để chắc rằng dữ liệu Facebook của bạn khó bị đánh cắp hơn, hãy đăng nhập Facebook và đi đến mục Settings (Cài đặt) > Privacy (Bảo mật) > tại mục “Privacy Settings and Tools” (Cài đặt quyền riêng tư và công cụ) chọn thay đổi tất cả tùy chọn từ Everyone (Mọi người) sang Friends (Bạn bè).
Lịch sử bê bối của Facebook “khủng” như thế nào?
Như đã đề cập ở phía trên, Facebook đã phải đối mặt với sự chỉ trích và tẩy chay của người dùng vì bê bối Cambridge Analytica vào đầu năm 2018. Sau đó không lâu, mạng xã hội này lại tiếp tục làm lộ thêm thông tin của 3 triệu người dùng.
Đến tháng 9/2018, Facebook lại lần nữa lâm vào khủng hoảng khi một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng đã cho phép hacker chiếm đoạt được mã truy cập của 30 triệu tài khoản người dùng. Giữa tháng 12/2018, Facebook lại tiếp tục khiến người dùng ngán ngẩm khi thừa nhận một lỗ hổng đã cho phép các nhà phát triển ứng dụng bên thứ 3 có thể truy cập vào các hình ảnh riêng tư của người dùng.
Vào đầu năm nay, 20.000 nhân sự Facebook đã có thể nhìn thấy và truy cập 600 triệu mật khẩu người dùng vì một lỗi không đáng có. Gần đây nhất là vào tháng 9 vừa qua, Facebook lại bị phát hiện đã để lộ cơ sở dữ liệu của hơn 419 triệu tài khoản trên khắp thế giới, trong đó có hơn 50 triệu người dùng tại Việt Nam.