Từ vụ bé trai bị bỏng vì đổ cồn vào lửa: Những điều quan trọng cha mẹ cần dạy con
Cha mẹ tuyệt đối không được lơ là và phải có cách dạy con đúng đắn về sự nguy hiểm của cồn, lửa.
Một clip được đăng tải trên mạng xã hội mới đây đã khiến nhiều người hốt hoảng, đặc biệt là những phụ huynh có con nhỏ. Nhân vật trong clip là một bé trai, vì ngồi nghịch, đổ cồn vào lửa nên không may bị bỏng. Hình ảnh ngọn lửa bùng lên khiến không ít người sợ hãi.
Tài khoản Facebook N.T - người chia sẻ clip lên mạng xã hội cho hay, bé trai là em mình, hiện đã được gia đình đưa đi cấp cứu. N.T đăng clip để cảnh báo các bậc phụ huynh chú ý giáo dục và nhắc nhở con em mình không được nghịch cồn, lửa.
Bé trai ngồi nghịch cồn.
Ngọn lửa bùng lên.
Thực tế, từng có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ gặp tai nạn ở nhà vì nghịch cồn, lửa. Năm 2021, một bé trai 10 tuổi ở Quảng Ninh phải nhập viện trong tình trạng bỏng nhiều vùng mặt, diện tích bỏng mặt độ II, kèm nhiều nốt phỏng nước, nguyên nhân do ngồi đốt cồn bằng bật lửa. Hay năm 2022 cũng có trường bé trai ở Phú Thọ nghịch cồn với lửa, rồi bị bỏng tới 60% diện tích cơ thể, tổn thương nặng ở bộ phận sinh dục.
Và trước đó nữa, vào năm 2017, một học sinh lớp 7 ở Hà Nội cũng bị bỏng do các bạn cùng lớp mang cồn đến lớp nghịch, đốt.
Từ những vụ việc đau lòng trên, cha mẹ tuyệt đối không được lơ là và phải có cách dạy con đúng đắn về sự nguy hiểm của cồn, lửa. Cụ thể:
1. Dạy con từ thực tế
Trẻ nhỏ thường phản xạ theo bản năng, làm theo sở thích. Chỉ cần thích, tò mò với điều gì là trẻ sẽ loay hoay, thử làm điều đó. Tuy nhiên, nếu cha mẹ chỉ dạy cho con ngay từ nhỏ, trẻ sẽ ý thức được điều nguy hiểm và cẩn thận hơn. Cách hữu hiệu nhất là cha mẹ dạy con từ những trường hợp thực tế.
Khi có một vụ tai nạn xảy ra do nghịch cồn, lửa, cha mẹ hãy kể lại cho con cùng nghe, để con ghi nhớ. Hãy cho con biết, khi cồn tác dụng với lửa sẽ xảy ra hiện tượng đáng sợ như nào, bạn nhỏ vì không biết mà nghịch ngợm đã gặp phải hậu quả về sức khỏe ra sao, ảnh hưởng tới cơ thể như nào.
Khi thấy con cầm những đồ vật nguy hiểm như lọ cồn, hộp diêm, hay cái bật lửa, cha mẹ phải lập tức nhắc nhở ngay và nhắc lại những vụ tai nạn từng xảy ra do nghịch ngợm các vật dụng này.
2. Giảng dạy kiến thức rõ ràng, thay vì cấm đoán cứng nhắc
Trẻ nhỏ vốn bản tính tò mò, cha mẹ muốn tốt cho con thì cần phải có sự giải thích, giảng dạy kiến thức rõ ràng, để con hiểu: Những thứ bố mẹ cấm con động vào có thể gây ra nguy hiểm như nào? Vì sao lại không được nghịch...
Khi con thực sự hiểu, con mới ý thức và tự giác không làm. Nếu bố mẹ chỉ cứng nhắc cấm đoán: "Đừng có động vào cái bật lửa", "Tránh ra ngay, con không được sờ mò vào chai cồn" mà không có lời giải thích cụ thể thì chỉ khiến trẻ bứt rứt, khó chịu và ngày càng tò mò hơn. Khi có cha mẹ giám sát, trẻ có thể vâng lời không nghịch ngợm. Nhưng khi cha mẹ đi vắng, trẻ có thể lén lút nghịch thử để thỏa mãn trí tò mò.
3. Cha mẹ cũng phải chú ý, để những vật dụng nguy hiểm tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ
Nhiều vụ tai nạn cồn, lửa xảy ra một phần nguyên nhân cũng do cha mẹ quá sơ suất trong việc cất những đồ vật nguy hiểm. Chú ý, hãy để những đồ dễ gây tai nạn như bao diêm, bật lửa, lọ cồn, dao, kéo... tránh xa tầm với của trẻ. Bởi những món đồ này có thể gây "họa vô đơn chí" lúc nào không biết.