Từ vụ bé trai bị lệch mặt, méo miệng sau khi ngủ dậy đến nguy hiểm khi bố mẹ cho con nằm điều hòa cả đêm
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây liệt mặt, méo miệng nhưng 75% là do bị lạnh đột ngột làm ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7 ngoại biên.
Mới đây, một bé trai 8 tuổi trú tại huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) với biểu hiện bé bị lệch mặt, méo miệng, mắt phải nhắm không kín, khi ăn vướng đồ ăn trong khoang má phải.
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, buổi tối trước khi đi ngủ, bé vẫn ăn uống, vui chơi bình thường. Tuy nhiên, sáng ngủ dậy thì đã thấy những biểu hiện khác thường trên.
Tại bệnh viện, qua thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán bé bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải, cần phải nhập viện điều trị.
Thực tế, việc trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 dẫn đến lệch mặt, méo miệng đã từng xảy ra trước đó. Như trường hợp của bé N.H.V ở Tuyên Quang.
Tháng 10/2018, bé V (khi đó 12 tháng tuổi) được gia đình đưa đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương với những bất thường trên khuôn mặt.
Theo lời kể của gia đình, vào buổi tối hôm trước, gia đình có cho bé nằm điều hòa và dùng quạt cả đêm. Sáng dậy thì thấy con bị méo miệng, mắt nhắm không kín nên vội vã đưa tới bệnh viện.
Tại đây, các bác sĩ cho biết, bé bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đồng thời chỉ rõ việc bố mẹ cho con nằm điều hòa lạnh cả đêm chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lệch mặt, méo miệng của bé.
Liệt dây thần kinh số 7 là gì?
Theo Th.BS Dương Văn Tâm, Trưởng Khoa Điều trị Liệt vận động - Ngôn ngữ trẻ em (Bệnh viện Châm cứu Trung ương), Khoa thường xuyên tiếp nhận trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 do bị nhiễm phong hàn (gió lạnh).
Tình trạng này có thể gặp phải ở tất cả các thời điểm trong năm nhưng thường gặp nhiều khi trời chuyển lạnh đột ngột, thời tiết đại hàn.
Hay cũng có những trường hợp do nằm điều hòa lạnh, quạt thổi trực tiếp vào người, bước vào phòng điều hòa nhiệt độ thấp, tắm muộn về đêm…
Nguyên nhân là do, dây thần kinh số 7 là một dây hỗn hợp có nhiều chức năng về vận động, cảm giác, vị giác. Đoạn dây này nằm trong ống xương đá, vốn dĩ đã bị lạnh (do không có cơ che phủ dây thần kinh), do đó khi gặp lạnh đột ngột, không khí lạnh buốt từ bên ngoài xâm nhập khiến cho đoạn dây này bị nhiễm lạnh.
Khi đó, mạch máu sẽ bị co thắt lại, dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng và sưởi ấm làm cho dây thần kinh sẽ bị phù lên, bị chèn ép và dẫn đến liệt.
Theo BS Tâm, trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh thường bị liệt mặt, mặt méo sang bên đối diện, ăn uống bị rơi vãi, thức ăn bị đọng bên má, một bên mắt bị tổn thương và khi nhắm mắt không kín.
Mùa hè, dùng điều hòa không đúng cách dễ bị liệt mặt
BS CKII Nguyễn Kim Hùng (Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương) cho biết, với thời tiết mùa hè nắng nóng, buổi tối các gia đình thường sử dụng điều hòa nhiệt độ khi ngủ.
Tuy nhiên, ban đêm nhiệt độ giảm, thân nhiệt trẻ cũng giảm, nếu nằm trong phòng điều hòa để nhiệt độ thấp quá lâu sẽ gia tăng nguy cơ trẻ dễ bị nhiễm lạnh.
Chưa kể đến việc, nhiều bố mẹ để con nằm ở nơi gió điều hòa hoặc quạt thốc thẳng vào người. Trong khi đó, với những trẻ còn nhỏ, chưa tự ý thức được việc kéo chăn đắp khi bị lạnh, điều này càng khiến trẻ dễ bị lạnh hơn.
Do đó, để phòng tránh trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 do bị nhiễm lạnh, BS Hùng khuyến cáo, bố mẹ cần đảm bảo cơ thể con luôn được giữ ấm, không để bị lạnh.
Với những gia đình dùng điều hòa, chú ý không nên để nhiệt độ phòng quá thấp. Nên để từ 26-28 độ C và lưu ý nhiệt độ trong phòng không được chênh quá lớn so với nhiệt độ bên ngoài.
Khi bật điều hòa ban đêm, nên hẹn giờ điều hòa hoặc tắt khi nhiệt độ phòng đã mát.
Nên tránh hướng điều hòa thổi thẳng vào mặt, đầu trẻ vì như vậy, trẻ dễ bị ngạt mũi, khó thở và dễ mắc các bệnh về hô hấp, viêm họng, thậm chí bị liệt dây thần kinh.
Luôn đắp một chiếc chăn mỏng trên bụng trẻ để giữ ấm lỗ chân lông, tránh bị cảm lạnh, đau bụng...