Từ vụ cháy tại ngõ Thổ Quan (quận Đống Đa): Thêm cảnh báo về nguy cơ cháy nổ tại nhà ống
Vụ cháy khiến 3 nạn nhân tử vong tại căn nhà ống trong ngõ Thổ Quan (quận Đống Đa) xảy ra rạng sáng 8-7, tiếp tục là một bài học đau xót. Vụ hỏa hoạn này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng chống cháy, nổ tại nhà ống ở các đô thị lớn.
Tiềm ẩn rủi ro cao
Thông tin ban đầu về vụ cháy, Công an thành phố Hà Nội cho biết, vụ cháy xảy ra khoảng 5h22 ngày 8-7, tại địa chỉ số nhà 12, ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa. 4 đơn vị, 2 xe chữa cháy, xe cứu nạn, cứu hộ, xe chở phương tiện và cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng, Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực số 2 (Công an thành phố Hà Nội) được điều động ngay sau đó, có mặt tại hiện trường khoảng 5h26. Đến khoảng 7h37 cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt, tuy nhiên, vụ cháy đã để lại hậu quả lớn, làm 3 người tử vong vì đều mắc kẹt trong nhà là cháu N.Q.M (sinh năm 2010); cháu N.P.U (sinh năm 2012) và chị D.T.D (sinh năm 2004) đều là người thân của chủ nhà.
Khu vực xảy ra cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ (làm móng chân, móng tay), nhà hình ống, cao 6 tầng, 1 tum, diện tích khoảng 60m2 (chiều rộng khoảng 2,5m, chiều dài khoảng 24m), kết cấu bê tông cốt thép.
Chứng kiến vụ việc, anh Nguyễn Văn Công ở nhà E4 Khu tập thể Thanh Xuân, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhấn mạnh, cần có hành động quyết liệt cho việc phòng, chống cháy nổ ở khu dân cư. Rất cần có quy định cứng về lối thoát hiểm thứ 2 trong nhà ống, nhà chung cư. Không thể để những vụ thương tâm thế này tiếp tục xảy ra.
Lo lắng của anh Công cũng là lo lắng của nhiều người, nhất là những người dân đang sống trong những căn nhà phố ngay bên cạnh những cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở. Phần lớn những căn nhà này chỉ có 1 lối ra vào duy nhất ở tầng 1. Nếu xảy ra cháy, ngọn lửa sẽ bít lối thoát duy nhất này; khói bốc lên cao, dễ gây ngạt cho người trong phòng kín, nhất là với những người không có kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), hiện tại trên địa bàn thành phố có hơn 500 nghìn nhà hình ống đang được sử dụng và sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Theo dõi các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng gần đây đều nhận thấy, mẫu số chung đều xảy ra ở nhà ống khi bị chuyển đổi công năng một cách tùy tiện.
Nêu ý kiến về vấn đề này, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, có thực tế nguy hiểm là trong cảnh “tấc đất, tấc vàng”, nhà phố được người dân luôn tận dụng để kinh doanh, bán hàng. Do đó, nhà ở trong đô thị lại biến thành kho hàng, trong khi đó khả năng ứng phó với cháy, nổ của người dân rất kém, thậm chí chủ quan. Nên cần trang bị những kiến thức phù hợp thực tế cho người dân xóa bỏ những thói quen làm chuồng cọp, bịt giếng trời, cửa sổ… tự nhốt mình trong không gian bức bí như hộp diêm.
Là người từng trực tiếp thiết kế và thi công nhiều công trình đô thị, kiến trúc sư Nguyễn Duy Nguyên, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng HN72 nêu quan điểm, bản thân nhà ống không có lỗi khi gần như là kiến trúc duy nhất khi lựa chọn xây nhà đô thị đất chật người đông hiện nay. Tuy nhiên, thay vì tạo cửa sổ, giếng trời cải tạo không gian sống, nhiều người dân đã tìm cách bịt lại với nhiều lý do phòng, chống trộm, không muốn hàng xóm nhòm ngó đời sống riêng tư… Điều này vô tình tự nhốt mình không lối thoát khi xảy sự cố cháy, nổ.
Theo Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương (Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng) điểm đáng chú ý cần nhận diện đối với các vụ cháy nhà ống gây thiệt hại nặng nề trong thời gian gần đây có nguyên nhân từ góc độ kiến trúc công trình. Trước tiên, các ngôi nhà ống bị xuống cấp do quá trình sử dụng, hoặc sự bất cẩn của người dân do công trình kém tiện nghi gây nên chập cháy trong quá trình sử dụng.
Bên cạnh đó, theo dõi các vụ cháy trong thời gian gần đây, đặc biệt vụ cháy tại quận Hà Đông khiến 4 bà cháu tử vong và vụ cháy khiến 3 người tử vong ở ngõ Thổ Quan đều thấy nguyên nhân mới rất đáng chú ý và chiếm số đông các vụ cháy được các chuyên gia nhận diện chính là sự chuyển dịch công năng sử dụng của nhà ống một cách tùy tiện, thiếu kiểm soát. Ngôi nhà ban đầu được xây dựng có chức năng nhà ở gia đình được chuyển đổi bổ sung hoặc hoàn toàn sang chức năng mới như: Cửa hàng dịch vụ, văn phòng cho thuê, bar và karaoke…
Trong Hội thảo khoa học liên quan đến vấn đề trên vừa được Bộ Xây dựng tổ chức, các chuyên gia chỉ rõ, vấn đề nổi cộm gây nên thiệt hại lớn trong các tai nạn cháy, nổ nhà ống chính là thiếu các lối thoát hiểm, đường cứu hộ cứu nạn cho đơn vị chức năng khi có sự cố xảy ra.
Để khắc phục việc này, bên cạnh việc hướng dẫn và yêu cầu người dân bố trí bổ sung đường thoát hiểm khi có tai nạn cháy, nổ trong ngôi nhà của mình (thang dây thoát hiểm khẩn cấp, cửa thoát hiểm ra không gian mở xung quanh… mở thêm lối thoát trên song sắt ban công, cửa sổ, tầng thượng) thì công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn ý thức và khả năng tự thoát hiểm, hỗ trợ nhau khi có cháy nổ trong khu dân cư cho cộng đồng là rất quan trọng.
Cần ứng phó với thực tế
Luật Phòng cháy, chữa cháy và các văn bản dưới luật hiện hành đã đề cập các quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với các công trình nhà ở. Trong đó, với nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên và nhà ở kết hợp kinh doanh, quy định về phương án phòng cháy khá chặt chẽ. Tuy nhiên, quy chuẩn số 06/2021 không bắt buộc áp dụng phương án phòng cháy đối với nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 6 tầng trở xuống.
Liên quan đến vấn đề này, hiện tại, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) đang hoàn thiện dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế, dự kiến ban hành vào tháng 9-2023. Theo đó, mọi nhà ở riêng lẻ phải bắt buộc có 1 lối thoát hiểm ở tầng 1; nhà ở kết hợp kinh doanh có ít nhất 2 lối thoát nạn. Mỗi lối rộng tối thiểu 0,8m, cao 1,9m, luôn phải để thông thoáng và có phương án ngăn cách với các vật liệu dễ cháy gần đó.
Cũng theo dự thảo, lối thoát hiểm thứ 2 có thể bố trí qua ban công, lô gia, cửa sổ có mặt ngoài thông thoáng, lối lên mái nhà hoặc bằng thang sắt, ống tụt, thang dây ngoài nhà… để thoát nạn khi cần thiết. Nếu tạo lối thoát qua lồng sắt, cửa thoát cần có kích thước tối thiểu 0,8x0,8m. Nếu trổ cửa qua mái, phải bảo đảm kích thước tối thiểu 0,6x0,8m.
Trường hợp không thể bố trí đường thoát nạn, lối ra thoát nạn riêng hoặc lối ra phụ ở tầng 1, cần có các khu vực lánh nạn tạm thời ở các tầng tại các vị trí ban công hoặc lô gia, được quây bằng tường và cửa chống cháy hoặc vật liệu khó cháy.
Nhà có sân thượng cần bố trí lối lên sân thượng qua cửa có chiều rộng tối thiểu 0,8m, chiều cao tối thiểu 1,9m, Đặc biệt, dự thảo quy định không xây bít ô thông tầng để không ảnh hưởng đến thoát khói tự nhiên. Hy vọng các quy định “cứng” này sẽ giúp giảm thiểu hậu quả thương tâm trong các vụ cháy nhà ống, nhà ở kết hợp kinh doanh.
Trước mắt, theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, điều rất quan trọng là ý thức của các gia đình phải tự bảo vệ và công tác giám sát kiểm tra của chính quyền sở tại. Về thiết kế nhà ống trong các đô thị cũ phải chấp nhận nhưng vấn đề ở đây là phải thích ứng, ứng phó với thực tế. Với nhà ở riêng lẻ mặt đất khi thiết kế nên có giếng trời. Thiết kế này sẽ giúp nhà thông thoáng, khi xảy ra cháy nổ khói độc sẽ thoát bớt ra ngoài.
Còn Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm khẳng định, vụ việc trên cho thấy, việc trang bị cho người dân kiến thức phòng cháy, chữa cháy là rất cần thiết.
Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, nhân rộng các mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng”. Bám sát địa bàn không để sót lọt, kịp thời đưa vào quản lý đối với cơ sở mới phát sinh, giám sát chặt chẽ cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy hoạt động chui, “lén lút”. Thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy trên địa bàn thành phố để chủ động trong công tác chữa cháy. Phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất UBND thành phố quan tâm đầu tư phát triển các công trình cấp nước chữa cháy tại các địa bàn, khu vực còn thiếu nhằm đáp ứng yêu cầu công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô… chính là giải pháp căn cơ lâu dài hướng tới an toàn cháy, nổ cho mỗi gia đình Thủ đô.