Từ vụ con giám đốc sở đi xe phân khối lớn gây tai nạn: Giao xe cho người chưa đủ tuổi bị xử lý ra sao?
Vụ tai nạn xảy ra mới đây tại Đắk Lắk khiến cả nạn nhân là 1 thai phụ và người gây tai nạn (mới 16 tuổi) tử vong gây bức xúc trong dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi, việc giao xe cho người chưa đủ tuổi lái xe gây tai nạn bị xử lý ra sao?
Vụ tai nạn giao thông trên đại lộ Đông - Tây TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk làm 2 người chết, trong đó có con trai Giám đốc Sở Xây dựng, mới 16 tuổi là người điều khiển mô tô phân khối lớn va chạm với xe của thai phụ.
Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, sau khi xảy ra tai nạn, công an tỉnh đã giao CATP Buôn Ma Thuột khám nghiệm hiện trường, khẩn trương điều tra, xác minh để xử lý đúng quy định pháp luật. Hiện vụ tai nạn giao thông này tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Về hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi, Khoản 10 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2018 đã nghiêm cấm giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, Điều 60 Luật này cũng quy định rõ độ tuổi của người lái xe.
Theo đó, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3.
Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi.
Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2). Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC).
Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD). Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam – luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Về xử phạt vi phạm hành chính, theo khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng) thì bị phạt tiền từ 800.000-2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1.6-4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi vi phạm này.
Ngoài ra theo khoản 8 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định thì bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8-12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng…
Trường hợp xảy ra tai nạn giao thông chết người, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người cho mượn phương tiện có thể bị xử lý về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ - luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.
Điều 264 BLHS 2015 sửa đổi nêu rõ, người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm...