Từ vụ diễn viên 'tố' bảo hiểm: Đừng mua bảo hiểm nhân thọ chỉ vì tin tư vấn viên
Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu TP.HCM, không phải nhân viên bán bảo hiểm nào cũng tư vấn đầy đủ thông tin cho khách hàng, phần lớn chỉ tập trung nội dung có lợi để bán được bảo hiểm.
Sự việc diễn viên Ngọc Lan livestream trên Facebook khóc nức nở trước nguy cơ mất hàng tỷ đồng tiền đã đóng bảo hiểm nhân thọ cùng với NSƯT Kim Tử Long chia sẻ đoạn clip bày tỏ sự bức xúc về dịch vụ của 1 công ty bảo hiểm đã gây ra sự chú ý của dư luận những ngày qua.
Từ đó, có nhiều khách hàng của các công ty bảo hiểm nhân thọ đã phải xem lại các hợp đồng của mình và không ít ngưới thấy hối hận vì đã không xem kỹ các điều khoản của hợp đồng, thậm chí mua bảo hiểm chỉ theo lời tư vấn viên.
Mua bảo hiểm vì những lời tư vấn
Mấy hôm nay, từ vụ việc diễn viên Ngọc Lan ấm ức khẳng định bị tư vấn mập mờ về bảo hiểm, chị Trần Phi Yến, ở quận Phú Nhuận TP.HCM mới tá hỏa, mang hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của mình ra để tìm hiểu kỹ về những quyền lợi, ràng buộc…
Chị Yến mua bảo hiểm nhân thọ của công ty nước ngoài tại Việt Nam đã 5 năm, qua lời tư vấn của người quen với mức đóng 18 triệu đồng/năm. Trong đó, chị được tư vấn rất nhiều quyền lợi, đặc biệt là sẽ được hoàn tiền lại sau khi con chị đủ 18 tuổi cùng với mức lãi suất tương đương ngân hàng. Chị bị hấp dẫn bởi việc đóng tiền bảo hiểm vừa được bảo vệ, vừa có lãi.
Thế nhưng, những ồn ào trên mạng xã hội vừa qua khiến chị Yến đọc lại hợp đồng và có ý định chấm dứt hợp đồng, rút tiền về:
"Có những điều khoản trong hợp đồng ghi chung chung không rõ ràng, ví dụ như "theo quy định của công ty tại thời điểm đó". Tôi cũng lo lắng băn khoăn là số tiền đóng vào đó sau này có rút được không, nếu rút ra thì mất đi bao nhiêu tiền", chị Yến chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thị Thủy, ngụ thành phố Thủ Đức, TP.HCM đã "tẩy chay" những người bạn bán bảo hiểm nhân thọ sau khi ký 2 hợp đồng bảo hiểm từ một tư vấn viên là đồng nghiệp cùng cơ quan.
Chị Thủy cho biết, chị xác định mua bảo hiểm là gói sức khỏe chứ không tập trung vào lãi suất. Ban đầu chị muốn mua 4 hợp đồng cho 4 thành viên trong gia đình. Song khi tư vấn viên đến nhà với cách tư vấn hối thúc chị ký hợp đồng ngay thì chị tạm ký 2 hợp đồng vì "cả nể".
Theo chị Thủy, một số nhân viên tư vấn vì áp lực doanh số và sự cám dỗ của khoản hoa hồng, sẽ tìm cách để ký hợp đồng bằng được. Họ giới thiệu quá mức các quyền lợi của khách hàng, đánh vào lòng tham của người mua.
Sau câu chuyện của mình, chị Nguyễn Thị Thủy khuyên nhiều người tập trung mua Bảo hiểm y tế thay vì bảo hiểm nhân thọ.
"Tôi đang thấy hối hận vì bỏ ra số tiền nhiều hơn lợi ích mà mình nhận được, thứ hai là sự quan tâm của bảo hiểm nhân thọ không hề có, thứ 3 là mất niềm tin vào các bạn tư vấn viên", chị Thủy tâm sự.
Thận trọng không thừa
Với chị Hoàng Ngọc Anh, ngụ thành phố Thủ Đức thì bảo hiểm nhân thọ nên mua nhưng phải thận trọng. Gia đình chị Ngọc Anh đã mua 5 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và đã được hưởng một số quyền lợi về bảo vệ sức khỏe.
"Mọi người đọc kỹ hợp đồng thì sẽ rõ ràng thôi, nếu không hiểu gì về hợp đồng thì nghĩ rằng bảo hiểm lừa đảo. Mình đã mua thì mình xác định là tin tưởng nó, sẽ bảo vệ sức khỏe mình, đó là quyền lợi", chị Ngọc Anh nói.
Theo Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu TP.HCM, thực tế không phải nhân viên bán bảo hiểm nào cũng tư vấn đầy đủ thông tin cho khách hàng, phần lớn chỉ tập trung nội dung có lợi để bán được bảo hiểm.
Thời gian qua, bà Thu cũng gặp nhiều trường hợp khách hàng khiếu nại mà nguyên nhân là do trước đó nhân viên tư vấn không đầy đủ, khách hàng không hiểu rõ những từ chuyên môn trong hợp đồng, dẫn đến cảm thấy mất quyền lợi.
Luật gia này cho rằng, chính vì không phải ai đọc cũng hiểu ngay những điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm nên các công ty bảo hiểm đã đưa ra điều khoản cân nhắc. Cụ thể, người mua bảo hiểm sau khi đã ký hợp đồng và đóng tiền lần đầu tiên thì trong vòng 21 ngày vẫn có quyền dừng hợp đồng và yêu cầu trả lại số tiền họ đã đóng (trừ chí phí khám sức khỏe nếu có).
"Người mua bảo hiểm không xem lại kĩ lại hợp đồng, không thấy những điều khoản được quyền xem lại và trả hợp đồng nếu mình không đồng ý những điều khoản trong đó không có lợi cho mình và thiệt hại quyền lợi của mình. Hợp đồng bảo hiểm thường có những thuật ngữ chuyên môn không phải người bình thường nào đọc cũng hiểu hết. Mọi người có thể nhờ những người hiểu biết lĩnh vực này đọc, nghiên cứu và tư vấn giùm", luật gia Phan Thị Việt Thu khuyến cáo.
Theo một tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ (giấu tên) tại TP.HCM, mỗi người có cách kinh doanh riêng, nên có cách tư vấn khác nhau. Trong đó, có những người lợi dụng lòng tin để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, chị này cũng gặp khó khi khách hàng rất hay quên các điều khoản, không xem lại hợp đồng, dù được thay đổi nguyện vọng.
Chính vì lẽ này, khi xử lý các bồi thường thiệt hại, đã xảy ra những hiểu nhầm không đáng có mặc dù chị đã tư vấn rất có tâm.
Sau vụ việc diễn viên Ngọc Lan cho rằng mình bị tư vấn mập mờ, hay như NSƯT Kim Tử Long chia sẻ đoạn clip bày tỏ sự bức xúc về dịch vụ của 1 công ty bảo hiểm khi "quên" gọi điện nhắc anh đóng phí bảo hiểm (do người tư vấn trước đó đã nghỉ việc), các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm vẫn khẳng định: Đó chỉ là các trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh".
Để trấn an các khách hàng đã mua bảo hiểm, vài ngày nay, một số đơn vị đã có thư gửi riêng từng khách hàng, nêu những lưu ý quan trọng về thời hạn đóng phí, thời hạn hợp đồng, những lưu ý quan trọng về hợp đồng bảo hiểm…