Từ vụ Hoa hậu Thùy Tiên bị bắt: Cú tát thức tỉnh giới nghệ sĩ khi kinh doanh!
Thông tin Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố, bắt tạm giam mới đây đã khiến dư luận xôn xao.
Mới đây, vụ việc Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan vụ án Sản xuất hàng giả là thực phẩm xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt và công ty cổ phần Asia Life đã khiến dư luận xôn xao.

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố, bắt tạm giam. (Ảnh: Bộ Công an)
Chỉ cách đây chưa lâu, Hoa hậu Thùy Tiên là một trong những gương mặt được săn đón nhất của showbiz Việt. Giờ đây, hình ảnh, sự nghiệp cũng như danh tiếng mà nàng Hậu gây dựng bấy lâu nay xem như sụp đổ hoàn toàn. Và tất cả cũng chỉ vì đồng tiền - kinh doanh!
Lý do khiến nghệ sĩ nhận "quả đắng" khi kinh doanh
Hoa hậu Thùy Tiên không phải trường hợp cá biệt. Trong vài năm trở lại đây, cụm từ "nghệ sĩ kinh doanh, khởi nghiệp" dần trở nên quen thuộc với công chúng. Người làm nước hoa, người ra mắt thương hiệu mỹ phẩm, người mở chuỗi cà phê, nhà hàng, thậm chí đầu tư bất động sản, tiền ảo,... Bước ra từ ánh hào quang sân khấu, không ít ngôi sao muốn làm chủ cuộc chơi mới, đó chính là thương trường.
Thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ những nguyên tắc vận hành, quy định pháp luật hay áp lực tài chính đằng sau thương trường. Và càng không ít người thất bại cay đắng, âm thầm đóng cửa, bị kiện, thậm chí lặng lẽ rút lui khỏi nơi mà họ vẫn lầm tưởng rằng đó chính là hào quang, là con đường trải đầy hoa hồng.
Có nhiều lý do khiến nghệ sĩ nhận "quả đắng" khi bước chân vào con đường kinh doanh. Thứ nhất, nghệ sĩ thường bị mê hoặc bởi tâm lý “người nổi tiếng làm gì cũng dễ bán”. "Fame" được ngộ nhận là lợi thế cạnh tranh, là lợi thế thị trường, trong khi thực tế đó chỉ là điểm khởi đầu. Tài chính, vận hành, kiểm soát chất lượng, pháp lý mới là cốt lõi, thế nhưng những yếu tố đó thường bị nghệ sĩ xem nhẹ.
Thứ hai, nghệ sĩ có xu hướng tin người, giao khoán cho người thân, trợ lý, đối tác thân thiết quản lý công việc. Và khi chuyện xấu xảy ra, họ mới nhận ra mình không kiểm soát được gì ngoài… danh tiếng. Vì thế, hàng loạt nghệ sĩ vướng vào kiện tụng cũng chỉ vì sự thiếu cẩn trọng này.

Hoa hậu Thùy Tiên đối diện với bờ vực thẳm liên quan đến kẹo rau củ Kera.
Thứ ba, nghệ sĩ thường thiếu tư vấn pháp lý độc lập. Trong môi trường nghệ thuật, chuyện ký hợp đồng hay đầu tư thường diễn ra theo kiểu niềm tin là chính, trong khi kinh doanh đòi hỏi sự lạnh lùng, chặt chẽ và hiểu biết luật. Và chính từ những sai lầm, thiếu sót đó đã khiến người nghệ sĩ đánh mất bản thân. Và nặng hơn là rơi vào vòng lao lý, đánh mất cả tương lai, sự nghiệp như trường hợp của Hoa hậu Thùy Tiên.
Đã đến lúc nghệ sĩ cần cẩn trọng khi kinh doanh
Có một sự thật là nghệ sĩ có nhiều lợi thế khi kinh doanh khởi nghiệp nhờ hình ảnh, lượng người theo dõi, độ phủ truyền thông,... Thế nhưng đó lại là "con dao hai lưỡi". Khi sản phẩm tốt, danh tiếng là đòn bẩy. Khi có sự cố, chính danh tiếng lại là thứ sụp đổ nhanh nhất. Vì vậy, thay vì lao vào kinh doanh như một cuộc đua hình thức, nghệ sĩ cần trang bị kiến thức cơ bản về tài chính, luật doanh nghiệp, thương hiệu và đặc biệt là trách nhiệm pháp lý.
Nghệ sĩ giờ đây hãy biết nói "không" với lời mời gọi đầu tư không minh bạch, mô hình lạ, lợi nhuận bất thường. Hãy dừng lại để kiểm tra giấy tờ, pháp nhân, dòng tiền trước khi đặt bút ký tên vào bất kỳ hợp đồng nào.

Hoa hậu Thùy Tiên là cú tát, hồi chuông cho những nghệ sĩ đang làm kinh doanh nhưng thiếu sự hiểu biết, kinh nghiệm.
Theo thời gian, vụ việc của Hoa hậu Thùy Tiên có thể sẽ trôi qua như một tin nóng. Thế nhưng bài học phía sau câu chuyện lần này không thể xem nhẹ. Đây chắc chắn sẽ là một cú tát không chỉ cho riêng nàng Hậu mà cho cả showbiz Việt – nơi danh tiếng đôi khi được dùng như "vé vào cửa" của thương trường. Thế nhưng trên bàn cờ kinh doanh, luật chơi khắc nghiệt hơn rất nhiều. Và không ai, kể cả những ngôi sao sáng nhất có thể thắng nếu họ không biết cách chơi đúng luật!