Từ vụ học sinh hành hung giáo viên ở Tuyên Quang: Cần tìm lại giá trị 'tôn sư trọng đạo'
Chuyên gia cho rằng, vụ học sinh hành hung giáo viên ở Tuyên Quang là chỉ dấu của một thực tế rằng bạo lực học đường đã không còn giới hạn.
Những ngày qua, nhiều đoạn clip được phát tán trên mạng xã hội về việc cô giáo Phan Thị H. (38 tuổi) dạy âm nhạc ở Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang) cầm dép rượt đuổi học sinh trong một lớp học đã khiến dư luận sửng sốt.
Trong một clip khác, cô giáo bị một nhóm học sinh ném giấy, dép vào người và đóng cửa lớp, quây cô giáo vào góc lớp rồi lăng mạ, thách thức. Đỉnh điểm, khi bị ném dép vào đầu, cô giáo đã ngất xỉu.
Vụ việc đang khiến dư luận vô cùng choáng váng và sợ hãi khi môi trường học đường vốn là nơi tôn sư trọng đạo, thì nay đã xảy ra cảnh hỗn loạn, bạo lực từ những cô cậu học trò với chính những người cô, người thầy dạy dỗ mình. Giới hạn từ sự việc này đã khiến nhiều độc giả trăn trở về vấn nạn bạo lực học đường hiện nay.
Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia tâm lý, giáo dục TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho rằng, bà thấy sợ hãi vì mức độ bạo lực trong trẻ em ngày càng gia tăng.
TS Khuất Thu Hồng bày tỏ, từ vụ một cô giáo ở trường cấp 2 tỉnh Tuyên Quang bị chính học sinh của mình nhốt trong lớp và có hành vi hành hung, xúc phạm cho thấy, đó là chỉ dấu của một thực tế rằng bạo lực học đường đã không còn giới hạn.
"Vị thế người thầy, vốn được đề cao hoặc thậm chí còn hơn cả cha mẹ trong xã hội Việt Nam, đã không cứu được cô giáo khỏi bạo lực từ những đứa trẻ mà chính cô dạy dỗ.
Mọi người bức xúc, giận dữ, phê phán; các cơ quan chức năng vào cuộc; nhà trường phê bình, kỷ luật giáo viên... Nhiều giáo viên tặc lưỡi kêu khổ và dường như cũng đã có người bắt đầu chịu đựng cảm giác bất lực" - TS Hồng nhận định.
Đồng quan điểm, TS Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, những hình ảnh được các clip ghi lại cho thấy sự việc đã đi quá xa giới hạn của tình thầy trò, của văn hóa ứng xử học đường.
"Rõ ràng, hành vi ứng xử của giáo viên và học sinh trong các clip này là bất thường, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, kỷ luật trong hoạt động giáo dục, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường cũng như hoạt động giáo dục nói chung” – TS Cường cho hay.
TS Cường nhận định, mối quan hệ ứng xử giữa cô và trò không khác gì "ngoài đường, ngoài chợ" chứ không phải là môi trường học đường có sự tôn sư trọng đạo. Ngay tại lớp học, trường học mà học sinh ném giấy, quây, la hét, xúc phạm giáo viên, thậm chí khiến cô giáo ngất xỉu. Nữ giáo viên cũng đuổi học sinh chạy quanh lớp học, ném dép vào học sinh. Dường như những hành động đó cho thấy, giáo viên bất lực trước sự hỗn hào của nhiều học sinh trong lớp.
Tuy nhiên, TS Cường cho rằng, để đánh giá tổng thể sự việc phải có thông tin đầy đủ, đa chiều, khách quan, cần làm rõ nguyên nhân sự việc, diễn biến mối quan hệ giữa giáo viên và các học sinh trong lớp, mới có thể có kết luận chính xác về sự việc và có hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Cho ý kiến thêm về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục phân tích, nguyên nhân dẫn đến các vụ học sinh vô lễ với giáo viên có rất nhiều. Một trong số đó là thái độ của giáo viên dành cho đứa trẻ không tốt.
“Xem hết câu chuyện, chúng ta nhận thấy chính giáo viên cũng không phải là tấm gương tốt, hành xử của giáo viên cũng không chuẩn mực. Nhưng phải nhấn mạnh, cho dù hành xử giáo viên không tốt nhưng học sinh cũng không thể có hành vi không thể chấp nhận như thế được” - ông Nam nói.
Chỉ ra thêm về mặt nguyên nhân, TS Khuất Thu Hồng cho rằng, một số đứa trẻ bạo hành người khác vì học hỏi điều đó từ người lớn. Bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần... giữa người lớn chính là nguồn cơn dẫn đến bạo lực của trẻ con đối với trẻ con và trẻ con đối với người lớn như những câu chuyện ở trên.
“Mức độ bạo lực giữa trẻ con phản ánh mức độ bạo lực giữa người lớn. Mức độ bạo lực của cả người lớn và trẻ con phản ánh mức độ suy đồi của đạo đức xã hội” - bà Hồng cho hay.
Bàn về giải pháp, PGS Trần Thành Nam cho rằng, cốt lõi cho giải pháp hiện nay là giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh.
Và việc này phải được vận hành có hiệu quả nếu không sớm chấn chỉnh, sẽ còn nhiều thầy cô không muốn trụ lại với nghề. Họ sẽ tìm nghề khác nhẹ nhàng và ít nguy hiểm hơn.
“Giáo dục hiện đang quá "nóng" trong việc cấp bách đổi mới nhưng cùng với đó, cũng nên chú trọng hơn đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức của học trò” – ông Nam nói.
Mặc dù nhiều văn bản đã được ban hành, nhiều chương trình đã được phát động nhưng theo TS Trần Thành Nam, chúng ta hãy làm sao để các văn bản được đi vào cuộc sống như câu ông cha ta từng nói "tiên học lễ, hậu học văn".
“Ví dụ như bộ quy tắc ứng xử trong trường học đã có từ lâu, nhưng dường như được “cất ngăn kéo”, chưa bao giờ thấy được ứng dụng. Chính vì thế cần thúc đẩy bộ quy tắc ứng xử, chẳng hạn: Thầy cô phải trở thành tấm gương cho học sinh noi theo; giáo viên và học sinh cũng cần kiểm soát cảm xúc để tránh những clip tương tự như vụ việc trên lan truyền trên mạng xã hội… Ngoài ra, cần phát triển phòng tư vấn học đường, sức khỏe tâm thần để giúp học sinh giảm tải áp lực hiện nay” – ông Nam nói.
Đảng và Nhà nước ta đã xác định, con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực, là nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát triển giáo dục và đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu... Song từ vấn nạn bạo lực học đường đang đặt ra bài toán cấp thiết cho toàn xã hội và hơn lúc nào hết, ngành giáo dục nên nhìn nhận lại một cách nghiêm túc và có những giải pháp quyết liệt, căn cơ.