Từ vụ 'khủng hoảng' thương hiệu thời trang SEVEN.AM: Rất cần thái độ minh bạch và tính chuyên nghiệp
Những ồn ào quanh vụ việc thương hiệu thời trang SEVEN.AM mua hàng nước ngoài bóc mác rồi gắn nhãn Made in Vietnam, như một số cơ quan báo chí phản ánh, đã tạm thời lắng xuống sau kết luận công bố ngày 30/11/2019 của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). Nhìn sâu hơn vào 'sóng gió' vừa qua, bài học không chỉ cho riêng SEVEN.AM mà còn cho nhiều doanh nghiệp trong hành trình xây dựng thương hiệu, gầy dựng uy tín với người tiêu dùng chính là sự minh bạch và tính chuyên nghiệp.
Theo đó, cơ quan Quản lý thị trường kết luận: “tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện có dấu hiệu mua hàng dệt may của nước ngoài về để gắn nhãn hiệu và ghi nhãn theo phản ánh”. Tuy nhiên cơ quan chức năng cũng đã xử phạt các đơn vị vận hành thương hiệu này số tiền 170 triệu đồng.
Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Tổng cục Quản lý thị trường phạt Công ty cổ phần MHA về các hành vi: Sản xuất, kinh doanh hàng hóa (váy, quần áo, túi, ví) có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định; kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa theo quy định (năm sản xuất của mặt hàng túi, ví); không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy; sản xuất hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng. Tổng số tiền phạt là 110 triệu đồng.
Trong khi đó, một đơn vị khác vận hành thương hiệu SEVEN.AM là Công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ bị phạt với tổng số tiền 60 triệu đồng cho các lỗi: Kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa theo quy định (năm sản xuất của mặt hàng túi, ví). Kinh doanh hàng hóa không công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy.
Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết, cơ quan này vẫn “tiếp tục giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của Công ty cổ phần MHA, Công ty TNHH thời trang quốc tế Bảo Anh và các đơn vị có liên quan để làm rõ”.
Trước động thái trên của cơ quan quản lý, cũng trong ngày 30/11/2019, trong văn bản “giấy trắng mực đen” trả lời công luận, Giám đốc Công ty cổ phần MHA Đặng Quốc Anh đưa ra 3 cam kết. Một là SEVEN.AM không gắn mác Made in Việt Nam vào các sản phẩm tem mác Trung Quốc nhằm mục đích đánh tráo xuất xứ hàng hóa và lừa dối người tiêu dùng. Hai là bảo đảm các sản phẩm gắn tem mác Seven.AM Made in Việt Nam được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, bởi những người thợ may Việt Nam. Ba là SEVEN.AM sẽ rà soát lại toàn bộ các quy trình, điều chỉnh và thắt chặt khâu quản lý sản phẩm, tem mác, cam kết cung cấp những sản phẩm bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng cao tới tay người tiêu dùng Việt Nam với dịch vụ ngày một hoàn thiện.
Tuy nhiên người đứng đầu Công ty MHA cũng thừa nhận: có những “sai sót gây hiểu nhầm về minh bạch nguồn gốc xuất xứ khiến người tiêu dùng hoang mang”, và sau vụ khủng hoảng nói trên thương hiệu này mong “nhận được sự bao dung, đồng hành, ủng hộ của người tiêu dùng cũng như các cơ quan báo chí, truyền thông để một thương hiệu thời trang của người Việt được tiếp tục tồn tại, phát triển”.
Cũng trong văn bản nói trên, người đứng đầu Công ty cổ phần MHA khẳng định, trước những thông tin gây “lùm xùm” cho thương hiệu SEVEN.AM do ông Nguyễn Vũ Hải Anh cung cấp cho báo chí gần đây, theo MHA, từ 15/12/2018, tức là cách đây gần 1 năm, ông Hải Anh đã không còn là cổ đông của Công ty, “nên hiện nay, ông Hải Anh không phải là đại diện phát ngôn của Công ty cổ phần MHA và thương hiệu SEVEN.AM”.
Có thể thấy, câu chuyện có hay không việc SEVEN.AM tráo mác đồ may mặc nước ngoài bằng thương hiệu Made in Vietnam bước đầu đã được làm rõ với sự vào cuộc kịp thời, dứt khoát của lực lượng Quản lý thị trường Trung ương và địa phương, để một mặt bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật thương mại, sự lành mạnh của thị trường, mặt khác bảo vệ uy tín của những động thái kinh doanh chân chính cũng như khuyến khích việc chấp hành nghiêm pháp luật trong làm ăn của các doanh nghiệp. Cùng với đó, ở đây cũng ghi nhận sự hợp tác của doanh nghiệp trong việc xử lý khủng hoảng thương hiệu.
Điều cần nói ở đây là trong việc xây dựng vệ thương hiệu của mình, rất cần đến một thái độ minh bạch và chuyên nghiệp từ phía doanh nghiệp và trường hợp cụ thể là Công ty cổ phần MHA. Giá trị thương hiệu ngày nay rõ ràng không phụ thuộc vào thời gian để thương hiệu “nổi đình đám” là dài hay ngắn mà vấn đề là thương hiệu ấy lớn dần lên, luôn nằm trọn trong “tầm ngắm” của sự tin cậy từ phía người tiêu dùng. Nói minh bạch là như vậy. Cùng với đó, phương cách thương hiệu ấy khẳng định được vị thế của mình trong một môi trường cạnh tranh mà độ khốc liệt theo dần cấp số nhân, ấy chính là chuyên nghiệp.
Số tiền 170 triệu đồng phạt hành chính có thể là một khoản tiền không lớn với một doanh nghiệp, song riêng với Công ty cổ phần MHA hy vọng người tiêu dùng có thể vẫn sẽ dành cho sản phẩm, thương hiệu của công ty này “sự bao dung, đồng hành, ủng hộ” như ông giám đốc mong mỏi bởi “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”. Nhìn rộng hơn, nếu như sự minh bạch, chuyên nghiệp luôn có trong lộ trình, hồ sơ kinh doanh của mỗi doanh nghiệp thì vụ khủng hoảng trên có lẽ sẽ chỉ xuất hiện ở một phạm vi, tầm mức khác chứ không phải để có cảnh “của đau con xót” như đã diễn ra. Những yếu tố “kinh điển” này trong kinh doanh rõ ràng không hề xưa cũ với bất cứ doanh nghiệp nào.
Cách đây không lâu, không ít doanh nghiệp Việt Nam không dám in tem mác Made in Vietnam lên trên sản phẩm. Nay thì gió đã đảo chiều, khi việc gắn mác Made in Vietnam trở thành một nhu cầu cao của người tiêu dùng. Âu cũng là niềm tự hào nhưng đi kèm với đó là sự tin yêu đầy nghiêm khắc của người dùng khi tôn vinh sản phẩm "sân nhà", và càng không thể chấp nhận việc những doanh nghiệp, những hành vi lạm dụng sự tin yêu hay nấp trong bóng râm của sự tôn vinh đó.