Từ vụ mèo khởi động bếp từ gây cháy chung cư, chuyên gia khuyến cáo quan trọng

Sử dụng các thiết bị điện không có aptomat riêng, khả năng gây chập, cháy điện sẽ rất cao, cùng với đó là tiêu tốn điện do thiết bị vẫn chạy ngầm khi không hoạt động.

Cháy chung cư vì... con mèo

Liên quan tới vụ cháy trong căn hộ chung cư ở tầng 25, ngày 7/7, trao đổi với phóng viên, chỉ huy Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) cho biết, qua xác minh làm rõ, cảnh sát đã xác định được nguyên nhân ban đầu dẫn tới vụ hỏa hoạn. Cụ thể, lúc 19h30, ngày 3/7, tại căn hộ 25xx, tòa nhà The Sun, ở phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) xảy ra vụ cháy. Rất may, đám cháy không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản không đáng kể.

Qua nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, đám cháy xuất phát từ khu vực bếp từ, nguyên nhân sơ bộ có thể là do vật nuôi chạy qua, tác động đến nút cảm ứng làm khởi động bếp từ, dẫn đến cháy. Chủ nhà cho biết có nuôi mèo trong căn hộ.

Cũng tương tự vụ việc kể trên, khoảng 15h13, ngày 29/8/2022, tại căn phòng ở tầng 2, nhà anh Chu Công Viết B. (SN 1995, ở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), xảy ra cháy. Theo cảnh sát, nguyên nhân vụ cháy cũng xuất phát từ khu vực bếp từ. Vụ cháy, không gây thiệt hại về người và tài sản.

Điểm chung của 2 vụ cháy trên là nguyên nhân vụ việc đều xuất phát từ việc chủ nhà quên ngắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà, và trong nhà đều có vật nuôi.

An toàn điện trong gia đình là điều rất cần được lưu tâm để phòng tránh các nguy cơ cháy nổ.

An toàn điện trong gia đình là điều rất cần được lưu tâm để phòng tránh các nguy cơ cháy nổ.

GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học Kỹ thuật lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam cho biết, về nguyên tắc an toàn khi dùng điện trong gia đình, mỗi đồ điện đều cần có 1 aptomat riêng, dùng xong là tắt ngay aptomat. Các sản phẩm đồ gia dụng như bếp, lò vi sóng, tivi, máy giặt, bình nóng lạnh, nồi cơm điện, tủ lạnh, điều hòa… tiêu tốn một lượng điện năng khá lớn. Khi dùng xong phải ngắt nguồn điện bởi nếu không, thiết bị vẫn sẽ hoạt động ở chế độ chờ, tiêu tốn điện nuôi bo mạch.

Đặc biệt là bình nóng lạnh thường tiêu tốn điện ở chế độ chờ rất lớn do tổn thất nhiệt qua vỏ ra môi trường. Ví dụ như nếu chỉ tắt điều hòa nhiệt độ bằng điều khiển sẽ tốn khoảng 15W/h, tương đương với 1 bóng điện 15W thắp liên tục. 15Wx24hx30 ngày = 10,8 kWh/tháng= 131,4kWh/năm. Gia đình có 4 máy điều hòa nhiệt độ sẽ tốn khoảng 526kWh/năm.

"Để giảm thiểu tiêu tốn điện năng vô ích, hãy lắp aptomat cho mỗi thiết bị. Hãy tắt ap khi không sử dụng bởi tắt áp thì đảm bảo an toàn chập cháy nổ điện cao hơn rất nhiều. Nhà tôi, mỗi đồ điện đều có 1 áp, dùng xong là tắt, vừa ăn toàn vừa đỡ tốn điện chờ. Kể cả củ sạc điện thoại, máy tính... không dùng áp thì dùng công tắc để tắt, để đỡ rút ra cắm vào. Các củ sạc cũng không bị chai", GS.TS Nguyễn Đức Lợi chia sẻ.

Sử dụng thiết bị điện an toàn

Theo TS. Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng Bộ môn Thiết bị điện, ĐH Bách Khoa Hà Nội, để hệ thống điện gia đình luôn an toàn, rất cần sự trợ giúp của thợ bảo dưỡng chuyên nghiệp 1 - 2 lần/ 1 năm. Nhờ họ kiểm tra và phát hiện những dấu hiệu bất thường mà bản thân khó có thể biết.

Ví dụ một vật dụng đã quá quen thuộc, ổ cắm điện ngày càng được thiết kế đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, vật dụng này vẫn có thể có những khiếm khuyết nhất định, gây nguy hiểm cho người sử dụng khi vô tình tiếp xúc. Ngoài ra, nếu sử dụng không cẩn thận và hợp lý, nhất là với những loại thiết bị có công suất lớn như bàn là điện, nồi cơm điện, bếp điện, máy giặt, tủ lạnh… rất dễ xảy ra cháy nổ.

Khi sử dụng các thiết bị điện để đun nấu, sinh hoạt, người dân cần kiểm soát cẩn thận, tránh tình trạng ra khỏi nhà mà các thiết bị này vẫn hoạt động dẫn đến cháy nổ. Những thiết bị này cần sử dụng dây dẫn an toàn, có thể chống chập mạch, chống phát sinh tia lửa điện do điện trở tiếp xúc lớn.

Cần tạo thói quen kiểm tra hệ thống thiết bị điện trước khi đi ngủ, trước khi rời khỏi nhà hoặc nơi làm việc để bảo đảm đã kiểm soát được các hệ thống thiết bị điện; tránh bỏ quên có thể gây ra sự cố cháy nổ.

TS. Trần Văn Thịnh cũng đưa ra một số lưu ý sử dụng ổ cắm điện an toàn như:

Sử dụng phích cắm điện phù hợp với ổ cắm điện, không quá lỏng, tránh phát sinh tia lửa điện, gây chập cháy;
Lau tay thật khô trước khi sử dụng phích cắm điện;
Không để ổ cắm điện gần nguồn nước, không nắm dây phích điện khi rút ra khỏi ổ cắm, vì như vậy thì dây rất dễ bị đứt, rất nguy hiểm;
Tuyệt đối không dùng 2 dây điện cắm vào ổ cắm, như vậy sẽ dễ gây cháy nổ do tiếp xúc giữa dây điện và ổ cắm rất kém, không an toàn cho người sử dụng;
Không nên cắm nhiều thiết bị có công suất lớn vào chung một ổ, phải đảm bảo được công suất của thiết bị phù hợp với công suất ổ cắm.
Tắt thiết bị điện trước khi rút phích điện của thiết bị đó ra khỏi ổ cắm.
Trường hợp những thiết bị có điều khiển công suất như bàn ủi điện, bếp điện... nên chọn mức công suất nhỏ nhất (thường là 0) trước khi rút phích điện, đảm bảo các ổ cắm không phát sinh tia lửa điện khi cắm và rút phích điện khỏi ổ cắm, giảm nguy cơ cháy nổ.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-vu-meo-khoi-dong-bep-tu-gay-chay-chung-cu-chuyen-gia-khuyen-cao-quan-trong-169230708072255367.htm